Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'Hiện nay chúng ta có 3 thành phần cán bộ'
"Lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái rất mong manh. Nếu khuyến khích mà không bảo vệ sẽ rất khó để thúc đẩy cán bộ, bởi cán bộ nóng lòng với công việc nhưng lại sợ vướng quy định pháp luật", Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Nên nói.
Chiều 4-6, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị quán triệt kế hoạch số 124 của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Cơ hội để giải quyết cán bộ ngại đột phá
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Chí Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND quận 7 - nhìn nhận trong quá trình cán bộ thực hiện nhiệm vụ, không phải vấn đề nào cũng tuân theo quy trình, nhất là vào những tình huống cấp bách. Dẫn chứng như đợt dịch vừa qua, khi người dân đang phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, nếu phải theo quy trình sẽ không thể cứu chữa kịp thời.
Ông Dũng cho rằng thúc đẩy cán bộ thì phải có quy định cụ thể. Những cán bộ dám đưa sáng kiến đột phá trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" vì động cơ trong sáng thì phải có chế độ khen thưởng, quy hoạch, bố trí sử dụng hợp lý. Còn đối với cán bộ không dám đột phá, không dám hành động, "chỉ đợi đến hạn lại lên" thì cần phải có quy định điều chuyển, bố trí lại.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng việc đưa ra các quy định sẽ tạo sự chủ động cho cán bộ. Trong trường hợp nào được tự quyết, nếu xảy ra hậu quả không mong muốn nhưng xuất phát từ động cơ trong sáng, tận tâm phục vụ nhân dân thì nên có cơ chế bảo vệ, có như vậy cán bộ mới an tâm làm nhiệm vụ.
Còn theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ e dè sợ vướng quy định pháp luật, không dám quyết những vấn đề dù thuộc thẩm quyền của mình.
Do đó, kết luận 14 nên được xem là cơ hội để giải quyết vấn đề này, để thấy rằng khi cán bộ làm đúng, có động cơ trong sáng thì tổ chức luôn bảo vệ.
"Như giai đoạn dịch bệnh, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải có van điều tiết oxy cho bệnh nhân. Nhưng thị trường lúc đó không có, chúng tôi phải đi tìm các đối tác nước ngoài nhưng những van này chỉ có nhãn mác nước ngoài. Nếu làm theo đúng quy trình thì sẽ không có 10.000 van kịp thời chữa trị cho bệnh nhân", ông Vũ dẫn chứng.
Khuyến khích phải đi đôi với bảo vệ
Phát biểu kết luận hội nghị, bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng vì cuộc sống luôn biến động và đổi mới nên đặt ra yêu cầu phải thích ứng linh hoạt. Có những vấn đề chưa có trong quy định nhưng thực tiễn thúc ép phải làm. Cũng có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Dẫn chứng như giai đoạn chống dịch vừa qua, TP phải đối mặt với vấn đề chưa từng có trong lịch sử. Và đã chưa từng có thì làm sao có quy định phù hợp, đòi hỏi cán bộ phải ứng phó, xoay sở để vượt qua.
"Như các đồng chí đã nói, hiện nay chúng ta có 3 loại cán bộ. Đó là cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh và chịu trách nhiệm. Thành phần thứ 2 là ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó. Thứ 3 là bộ phận cán bộ tiêu cực, toàn nghĩ đến lợi ích bản thân", ông Nên nói.
Ông Nên đề nghị mỗi cán bộ, người đứng đầu phải có nhận thức đúng về vấn đề khuyến khích và bảo vệ cán bộ, tăng cường trách nhiệm của mình. Tập thể và người đứng đầu phải thống nhất hành động để khơi dậy sự đổi mới sáng tạo, nâng cao ý thức phục vụ hết lòng hết sức vì nhân dân.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi xuất hiện những tình huống phi truyền thống, nếu cán bộ nghĩ ra cách mới thì báo cáo với người đứng đầu, người có thẩm quyền xin ý kiến. Người đứng đầu xem xét cho thực hiện, nếu thấy khó thì cho thí điểm, tất nhiên không được làm trái hiến pháp và điều lệ Đảng.
Các cấp ủy và người đứng đầu phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện. Song song với đó là công tác theo dõi và kiểm tra để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, phát hiện uốn nắn nhưng sai sót nếu có.
Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, cán bộ dám nghĩ, dám làm nếu không đạt, đạt một phần mục tiêu đề ra sẽ được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.