Bí thư Hà Nội: 'Phải tiêm vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường'
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, khẳng định để mở cửa trường học, giảm số ca bệnh nặng, trẻ em dưới 12 tuổi cần được tiêm vaccine.
Trong cuộc họp về công tác phòng, chống Covid-19 tại Hà Nội ngày 28/3, ông Dũng yêu cầu ngành y tế và các địa phương rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi, đảm bảo có phác đồ là triển khai tiêm nhanh, hiệu quả như đợt tiêm cho trẻ 12-17 tuổi.
"Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm Covid-19 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro", ông Dũng nói.
Đến nay, Việt Nam cơ bản phủ vaccine đủ hai mũi cho người từ 12 tuổi nhưng chưa triển khai tiêm cho nhóm trẻ dưới tuổi này. Chủ trương tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi được Thủ tướng đề cập đến từ cuối tháng 12/2021. Đến cuối tháng 1, Bộ Y tế cho biết đã đề xuất Chính phủ và được chấp thuận chủ trương mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer. Đầu tháng 3, Bộ Y tế cho biết chuẩn bị ký hợp đồng với Pfizer tuy nhiên đến nay chưa thực hiện được.
Hôm 27/3, Bộ Y tế cho biết chính phủ Australia cam kết viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi, sẽ chia làm hai đợt vận chuyển về Việt Nam. Đợt một có 0,7 triệu liều vaccine Pfizer và 9 triệu liều vaccine Moderna, đợt hai 4 triệu liều vaccine Pfizer. Số vaccine này sẽ được tiêm ngay vào đầu tháng 4.
Tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 3, hơn 99% trong số 660.000 trẻ 12-17 tuổi (học sinh lớp 7-12) đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Các em thuộc nhóm được trở lại trường học trực tiếp từ 8/2.
Trong khi đó, khoảng 950.000 học sinh lớp 1-6 cùng 600.000 trẻ mầm non (nhóm chưa tiêm vaccine) vẫn tiếp tục học trực tuyến hoặc nghỉ ở nhà. Ba tuần đầu tháng 2, học sinh tiểu học và lớp 6 ở ngoại thành Hà Nội được trở lại trường, nhưng sau đó phải tạm dừng vì số ca nhiễm tăng nhanh. Nhóm học sinh này ở nội thành cùng trẻ mầm non đã ở nhà từ cuối tháng 4/2021.
Hà Nội là địa phương cho học sinh ở nhà với quy mô lớn và thời gian lâu nhất cả nước.
Thanh Hằng