Bị sốt xuất huyết, đi tiêm thuốc giảm đau, một bệnh nhân suýt mất mạng
Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng khi mắc sốt xuất huyết, có biến chứng nguy hiểm, đặc biệt hơn chủ quan không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết.
Có trường hợp bị sốt xuất huyết nhưng không biết, tự ý đi tiêm thuốc giảm đau. Đơn cử như trường hợp Anh T.Đ.V, 45 tuổi, ngụ tại tỉnh Hậu Giang, đang điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Tp.Cần Thơ) cho biết.
Khoảng 4 ngày nay, anh V có sốt và uống thuốc hạ sốt thì hết sốt. Anh V. cũng bị đau nhiều ở vùng cổ gáy, chủ quan không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết nên có đến phòng khám tư chích thuốc.
Sau đó, vùng mông nơi chích thuốc bị sưng áp xe, khó đi lại. Cho đến khi tình trạng của anh V. sốt cao, đau đầu, người quá mệt mới vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long khám được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4.
Với tình trạng của người bệnh này, ngay sau khi tiếp nhận và được chẩn đoán sốt xuất huyết, ê-kíp= bác sĩ đã truyền máu, giảm đau, cân bằng điện giải, điều chỉnh đông cầm máu, theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng, điều trị kháng sinh nếu có dấu hiệu bội nhiễm.
Hiện tình trạng của người bệnh khá hơn, đỡ đau, tỉnh táo, chỉ số sinh hiệu ổn định, vùng mông giảm sưng và đang tiếp tục được theo dõi nội trú.
Ths.BS. Ngô Văn Út, Phó Trưởng Khoa Tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp. Sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp. Bệnh sốt xuất huyết dạng nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Nguy hiểm hơn, nhiều người chủ quan, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết, từ đó người mắc bệnh thường hay tự ý sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt dẫn tới việc bị biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng như trường hợp của người bệnh này.
Một số triệu chứng dễ phát hiện khi mắc sốt xuất huyết là sốt cao lên đến 40,5 độ C, nhức đầu nghiêm trọng, đau phía sau mắt, đau khớp và cơ, buồn nôn và ói mửa, phát ban… Với bệnh sốt xuất huyết, cần lưu ý các giai đoạn sau:
- Giai đoạn sốt trong 3-5 ngày đầu tiên. Trong giai đoạn này, bệnh nhân sốt cao 38 – 40 độ C, liên tục, kèm theo các triệu chứng chung của nhiễm virus: đau đầu, mỏi cơ khớp toàn thân.
- Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 tính từ ngày đầu tiên khi bệnh nhân bị sốt. Người bệnh có các biểu hiện như thoát huyết tương, tràn dịch màng phổi, phù nề mi mắt... Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng với các nốt xuất huyết, mảng bầm tím trên cơ thể. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.
BS Út cũng khuyến cáo thêm với bà con, diễn tiến của sốt xuất huyết rất nhanh, do đó, khi thấy có dấu hiệu của bệnh, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán sớm.
Sốt xuất huyết có 4 tuýp D1, D2, D3, D4 nên nếu đã từng mắc bệnh thì vẫn có nguy cơ mắc các chủng còn lại. Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, tránh muỗi đốt.