Bí quyết “tự hoàn thiện” để bạn trở nên tốt hơn
Bất kể cuộc sống của chúng ta đang diễn ra như thế nào, tất cả chúng ta đều có lúc muốn thay đổi. Những bí quyết tuyệt vời này sẽ giúp bạn trở nên ngày càng hoàn thiện.
Một số người có tính trì hoãn và muốn làm cho mình trở nên siêng năng hơn. Một số người cảm thấy rằng họ mập và luôn nghĩ đến việc giảm cân. Trong khi lại có một số người thường xuyên thức khuya, cho nên họ đã nghĩ đến việc phải tập đi ngủ sớm và dậy sớm mỗi ngày.
Nhưng khi chúng ta muốn hướng tới một điều gì đó tích cực và tốt hơn, thì trong lòng cũng sẽ sinh ra một loại phản kháng. Trạng thái tâm lý ngăn cản chúng ta thay đổi này thực ra đến từ cơ chế phòng vệ tâm lý.
Cơ chế phòng vệ tâm lý trong lòng mỗi người luôn theo đuổi sự ổn định và an toàn, đồng thời muốn giữ mọi thứ xung quanh trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên nếu bạn biết cách vượt qua những rào cản này, bạn có thể khai thác tiềm năng của chính mình và trở thành một phiên bản tốt hơn ngày hôm qua.
Vậy hãy cùng bắt đầu thực hiện chiến dịch thay đổi “giao diện” của bản thân từ những bước sau đây:
1. Học cách thực hiện bước đầu tiên
Trên thực tế, ai cũng hiểu nguyên lý tích lũy dần và tích tiểu thành đại, nhưng lại có rất ít người có thể thực sự kiên trì. Bởi vì ngay cả khi biết những sự thật này, cuộc sống và tương lai vẫn sẽ luôn đầy rẫy những ẩn số và thử thách. Lúc này cơ chế phòng vệ tâm lý sẽ được kích hoạt, khi ấy bạn sẽ luôn nói rằng bản thân nếu muốn hoàn thành chuyện này thì sẽ gặp phải rắc rối này hay khó khăn kia.
Mỗi khi nghĩ đến những rủi ro này, trong lòng lại lung lay. Kết quả là sự sợ hãi và lo lắng cũng sẽ trực tiếp khiến bạn chịu chấp nhận ở trong vùng an toàn và không bao giờ có thể thực hiện bước đầu tiên.
Nếu bạn muốn bản thân mình trở nên tốt hơn, bạn cần học cách đi bước đầu tiên, chỉ sau khi thực hiện bước đầu tiên, bạn mới có thể bắt đầu thay đổi thành công.
Nhớ là đừng mãi nghĩ về những vấn đề bạn sẽ gặp phải trên con đường phía trước. Đổi lại, hãy tưởng tượng một bức tranh thành công, tưởng tượng rằng bạn đã thành công và lúc ấy quay đầu nhìn lại thấy quá khứ của mình thật nhiều thiếu sót.
Hãy tự đặt ra những câu hỏi như: Những bước nào để đạt được mục tiêu? Điều kiện và hành động đầu tiên có thể thúc đẩy thành công của chính mình là gì?
Điều này có thể giúp bạn tìm ra cái đầu tiên có thể làm ngay từ trong một mớ hỗn độn. Đồng thời nó cũng cho phép bạn có một kế hoạch sơ bộ và nhiều hy vọng hơn về tương lai.
2. Lập ra các mục tiêu nhỏ có thể đạt được
Trong tâm lý học, mức độ tự tin mà bản thân có để hoàn thành một công việc nhất định được gọi là sự tự tin vào năng lực bản thân. Ý thức về năng lực bản thân của một người càng mạnh mẽ thì họ càng tự tin vào bản thân khi đạt được điều gì đó.
Nếu bạn là một người không tự tin, thì ngay từ đầu, hãy đặt ra một số mục tiêu nhỏ đơn giản có thể đạt được cho bản thân. Bởi vì năng lực bản thân sẽ liên tục thay đổi trong trải nghiệm hàng ngày. Trải nghiệm thành công sẽ làm tăng độ tự tin về bản thân. Thành công không có nghĩa là bạn phải đạt điểm cao. Bởi vì chỉ cần một chút thành công cũng có thể mang lại cho bạn cảm giác hoàn thành.
Lưu ý là đừng đặt cho mình những mục tiêu quá cao khó đạt được. Bởi vì sau khi trải qua những thất bại, sự tự tin vào năng lực bản thân sẽ giảm đi. Do đó nếu bạn đặt mục tiêu quá cao ngay từ đầu, bạn sẽ khó đạt được chúng. Sau đó, nó quá khó để hoàn thành và liên tục gặp thất bại sẽ khiến bạn nản lòng.
Những người có trái tim mạnh mẽ hơn có thể ngày càng can đảm hơn. Nhưng trái tim dù mạnh mẽ đến đâu cũng không thể chịu đựng được những thất bại liên tục. Sau một thời gian dài, mọi người sẽ không tránh khỏi nghi ngờ về năng lực bản thân và nghĩ rằng liệu mình có phù hợp với việc này hay không.
Chính vì vậy, việc đặt một số mục tiêu đơn giản cho bản thân ngay từ đầu là rất quan trọng. Nó được coi như một bước khởi động cho cuộc chạy đua dài. Và khi bạn đạt được thành công, bạn có thể tiếp tục tăng độ khó và thử thách bản thân theo tình huống của riêng bạn.
3. Tìm một môi trường phù hợp hơn
Trong quá trình nỗ lực, đi bước đầu tiên không phải là khó khăn nhất, khó khăn hơn chính là có thể duy trì lâu dài trạng thái đã thay đổi này.
Bạn đã bao giờ có một kinh nghiệm như thế này chưa? Khi còn là sinh viên, mỗi thứ Sáu, khi bạn mang sách vở về nhà, bạn nghĩ: “Cuối tuần này mình sẽ làm bài tập”. Nhưng một khi bạn về nhà, máy tính, điện thoại di động… sẽ luôn khiến bạn quên mất việc đọc sách. Người ta gọi hiện tượng này là “cám dỗ về nhà”.
Trên thực tế, đôi khi những tiện nghi của môi trường xung quanh có thể cản trở bạn thay đổi. Do đó nếu bạn muốn kiên trì tốt hơn, bạn cần tìm một môi trường phù hợp cho chính mình.
Ví dụ, ở trường đại học, hầu hết sinh viên muốn học tập chăm chỉ sẽ chọn đến thư viện hoặc phòng nghiên cứu. Vì trong phòng này, mọi người đều đọc sách, khi bước vào môi trường này, ai cũng sẽ học tập nghiêm túc hơn.
Nếu bạn cũng muốn tạo ra một môi trường phù hợp hơn để làm việc chăm chỉ tại nhà. Thì hãy tìm một căn phòng hoặc một chiếc bàn làm việc và đặt ra một quy tắc cho chính mình. Bạn hãy để điện thoại ở một nơi xa và lúc này bạn chỉ có thể học hoặc làm việc. Bạn cũng có thể viết ra một số từ có động lực xung quanh để tạo ra một môi trường phù hợp hơn cho chính mình.
Còn khi nếu bạn muốn nghỉ ngơi và thư giãn, hãy thay đổi môi trường, vì bạn không thể nghỉ ngơi ở nơi bạn làm việc.
Chỉ cần gắn bó với nó trong một thời gian ngắn, và môi trường này cũng sẽ trở thành một môi trường tập trung tuyệt vời cho bạn. Hãy tin rằng bạn là một người sẵn sàng làm việc chăm chỉ, nếu bạn có thể kiên trì trong nỗ lực này, thành công sẽ không còn xa nữa.
Hy vọng rằng với những bí quyết này, bạn có thể tìm thấy một phiên bản tốt hơn của chính mình trong tương lai gần.
Trúc Nhi
Người thành công nhất là người biết dành thời gian nghỉ ngơi hiệu quả Làm việc quá sức được xem như là một trong những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống hiện đại, và bận rộn được nhiều…