Bí quyết tài chính của cô gái 26 tuổi tiết kiệm được 150.000 USD trong 5 năm

Chia sẻ Facebook
19/04/2022 21:30:46

Sinh ra trong một gia đình da màu nhập cư, Parween Mander hiểu rất rõ về sự quan trọng của tiền bạc.


Ở tuổi 26, Parween Mander hiện là một chuyên gia tư vấn và là nhà sáng lập của công ty tư vấn tài chính cá nhân Wealthy Wolfe. Dưới đây là những chia sẻ của Mander về cách giúp cô tiết kiệm được 150.000 USD trong vòng 5 năm, cũng như lời khuyên của cô về việc trở nên giàu có.

Lớn lên trong một gia đình nhập cư, tiền bạc được coi như một công cụ quan trọng cho việc tồn tại. Cha mẹ tôi đã làm việc cả ngày để chu cấp cho các con của mình, và mỗi đồng chi ra đều được tính toán kỹ lưỡng cho những khoản như điện nước, thực phẩm. Sở thích cá nhân hay những kỳ nghỉ gia đình là thứ hầu như không bao giờ được nói tới.

Tôi không được dạy dỗ về cách làm giàu, thậm chí giàu có cũng là điều là những người như tôi – một phụ nữ da màu thế hệ thứ nhất – không bao giờ dám nghĩ tới.

Năm tôi 16 tuổi, chúng tôi đã suýt mất đi ngôi nhà thời thơ ấu. Chính tôi là người đã phiên dịch giúp bố mẹ khi cả hai nói chuyện với đại diện phía ngân hàng. Đó là một kinh nghiệm đau lòng, nhưng cũng dạy cho tôi rất nhiều thứ.

Khi đó, tôi đã thề rằng tôi sẽ không bao giờ để việc thiếu tiền hạn chế sự lựa chọn hoặc cơ hội của bản thân. Tôi đặt mục tiêu trở nên độc lập về tài chính và sẽ làm mọi thứ có thể để không cho phép hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng đến mức độ an toàn, khả năng kiểm soát hoặc quyền lực cá nhân của tôi.

Sau khi tốt nghiệp đại học và có công việc đầu tiên, tôi đã tiết kiệm được 100.000 USD đầu tiên trong 4 năm ở tuổi 26. Chỉ một năm sau đó, tôi đã tiết kiệm thêm được 50.000 USD tiếp theo.

Đây là cách tôi đã làm điều đó mà không cảm thấy như tôi đang tước đoạt niềm vui, sở thích cá nhân hay quyền được hưởng thụ của bản thân. Cùng với đó là những lời khuyên tốt nhất của tôi dành cho những ai cảm thấy mình đang thiếu vắng sự định hướng rõ ràng.

Parween Mander là nhà sáng lập Wealthy Wolfe. Ảnh: Parween Mander


Hết mình cho công việc, mạnh dạn yêu cầu tăng lương

Tốt nghiệp đại học, tôi xin được việc làm trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Tôi đã làm việc tại công ty này hơn bốn năm rưỡi. Trong thời gian ở đó, lương của tôi đã tăng 50%. Ngay từ đầu, tôi đã biết rằng là một phụ nữ trẻ da màu, tôi phải cống hiến hết mình cho công việc, ngay cả khi cảm thấy không thoải mái.

May mắn thay, tôi có một người quản lý rất thấu hiểu và ủng hộ nhân viên. Tôi đảm bảo theo sát những nhiệm vụ được giao, dù nó không nằm trong khuôn khổ trách nhiệm của tôi. Tôi cũng tự theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu hàng quý của mình. Chúng là những thông tin quý giá mà tôi sẽ sử dụng để nói về bản thân và công việc tại thời điểm đánh giá nhân viên.

Mỗi khi bổ sung thêm một kỹ năng hay chứng chỉ nào, tôi thường sẽ thông báo điều đó cho người quản lý của mình. Ví dụ, khi tôi nhận được chứng chỉ chuyên viên cố vấn tài chính và đảm nhận thêm vai trò hướng dẫn tài chính – một nhiệm vụ không có trong yêu cầu công việc hàng ngày – chắc chắn tôi sẽ vận động để được tăng lương một lần nữa.


Tạo ra các mục tiêu tiết kiệm có thể theo dõi được

Cách đây 3 năm rưỡi, tôi bắt đầu hướng tới mục tiêu tiết kiệm đầu tiên của mình: quỹ khẩn cấp. Tôi đã mất bốn tháng để dành dụm đủ khoản tiền nhằm trang trải cho những nhu cầu thiết yếu trong ba tháng.

Tôi đã làm điều này bằng cách xem xét thu nhập hàng tháng, các khoản chi tiêu cố định cũng như mức chi tiêu trung bình cho việc mua sắm hàng tháng. Thông qua quá trình này, tôi đã tính toán được số tiền thực tế mà mình có thể để dành ra mỗi tháng cho mục tiêu tiết kiệm. Nếu tôi chi tiêu vượt mức trong tháng đó, tôi sẽ điều chỉnh ngân sách của tháng tiếp theo để bù đắp cho khoản thiếu hụt.

Sau khi hoàn thành quỹ khẩn cấp, mục tiêu tiếp theo của tôi là tiết kiệm cho một phần tiền nhà và chi phí đám cưới. Tôi đặt mục tiêu tiết kiệm 100.000 USD trong 4 năm, nghĩa là tiết kiệm 2.000 USD mỗi tháng.

Thông qua việc tìm cách gia tăng thu nhập, tôi có thể đạt được mục tiêu này mà không cảm thấy phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm các khoản chi tiêu khác trong cuộc sống.


Thay đổi suy nghĩ về tiền bạc

Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó khiến tôi nghĩ rằng càng nhiều tiền thì càng an toàn và chắc chắn. Vì vậy, ngay cả khi tôi có nguồn thu nhập ổn định và tiết kiệm được kha khá, tôi vẫn luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ.

Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy lo lắng mỗi khi phải tiêu tiền, nhất là những khoản chi dùng cho bản thân, thậm chí ngay cả với những lần ăn tối với bạn bè, hay mua mấy món đồ trang điểm chất lượng hơn. Việc tự tước đoạt những niềm vui nho nhỏ của bản thân cuối cùng sẽ dẫn tới việc tôi chi tiêu bừa bãi vào những thứ ngẫu nhiên nhìn thấy – ngay cả khi bản thân tôi không thực sự thích chúng, kéo theo đó là cảm giác tội lỗi rằng tôi là một người vô trách nhiệm. Và cái vòng luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại như vậy.

Bước ngoặt xảy ra vào năm 2019, khi tôi đã tiết kiệm đủ tiền cho một chuyến du lịch nhưng tôi lại quyết định ở nhà vì cảm thấy rằng mình chưa đủ khả năng chi trả. Tôi đã bỏ lỡ một số kỷ niệm. Tôi biết tôi không muốn cuộc sống của mình trôi qua theo cách này nữa.

Để thay đổi, tôi sửa đổi ngân sách của bản thân và quyết định rằng mỗi tháng, sau khi tôi đã trang trải các khoản chi tiêu cũng như để riêng khoản tiền tiết kiệm, tôi sẽ dành ra 1.000 USD cho việc mua sắm hoặc phục vụ sở thích cá nhân, tặng quà cho bạn bè, người thân…

Vấn đề của tôi lúc này là sự cân bằng. Nói cách khác, tôi cho phép mình có thêm một khoản chi tiêu tùy ý vào những việc mang lại niềm vui cho cuộc sống của chính bản thân mình.


Làm thêm nghề tay trái

Vào những năm 19, 20 tuổi, khi tôi cố gắng tìm hiểu thêm về tài chính cá nhân, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tìm kiếm các chuyên gia về tiền bạc hay những chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân. Tôi không cảm thấy thoải mái khi bước vào ngân hàng và nói chuyện với một chuyên viên tư vấn bởi đó không phải là không gian an toàn để hỏi những câu hỏi “ngớ ngẩn” về tiền bạc. Hơn nữa, những gì mà các chuyên gia ở đó giải đáp dường như không liên quan nhiều tới những gì tôi muốn biết.

Lấy cảm hứng từ kinh nghiệm cá nhân của mình, vào tháng 4 năm 2020, tôi thành lập Wealthy Wolfe -  một nền tảng giáo dục và huấn luyện tài chính dành cho phụ nữ da màu nhập cư để lấp đầy khoảng trống đó và là động lực cho bất kỳ ai đang rơi vào những tình huống tương tự như bản thân tôi.

Trong hai năm qua, tôi đã tạo ra các khóa học trực tuyến, sáng tạo nội dung, xây dựng cộng đồng trên Instagram và TikTok, tiếp thị liên kết… để phát triển doanh nghiệp của mình tới mức hầu hết các khóa học hàng tháng đều hết chỗ.

Tôi tiết kiệm phần lớn thu nhập từ nghề tay trái bởi tiền lương từ công việc chính đã đủ để tôi trang trải chi phí cuộc sống. Tôi cũng đã mở rộng quỹ khẩn cấp của tôi từ 3 tháng lên thành 6 tháng để có đủ tiền sinh hoạt khi tôi sẵn sàng bỏ việc và chuyên tâm cho điều hành việc kinh doanh.

Và thật may mắn, quỹ khẩn cấp đã sẵn sàng ngay đúng thời điểm tôi bất ngờ bị cho thôi việc vào tháng 9 năm 2021, khi tôi vẫn chưa sẵn sàng để hoàn toàn tự làm chủ.

Năm 2021, tôi đã kiếm được 32.000 USD từ công việc kinh doanh. Đó là lý do tôi có thể tiết kiệm được khoản tiền 50.000 USD của mình một cách tương đối nhanh chóng. Từ một nghề tay trái, Wealthy Wolfe đã trở thành công việc toàn thời gian của tôi vào tháng 10 năm 2021.


Có một danh mục đầu tư đa dạng

Sinh ra trong một gia đình nhập cư, làm công việc hành chính văn phòng toàn thời gian từng là cách kiếm tiền duy nhất mà tôi biết. Đầu tư là một khái niệm xa lạ và đáng sợ với tôi. Tôi sợ rằng mình có thể mất hết tiền khi đầu tư, vì thế tôi đã tránh xa nó suốt một thời gian dài.

Vào năm 21 tuổi, tôi bắt đầu tự học về thị trường chứng khoán. Tôi biết mình nên đầu tư, vì vậy tôi muốn tìm hiểu rõ cách thực hiện thông qua việc đọc sách hay bài viết trên các blog tài chính và xem nhiều kênh YouTube khác nhau.

Tôi đã học được tầm quan trọng của việc không nên bán tháo, mua bắt đáy khi thị trường giảm giá và đầu tư vào một danh mục đa dạng theo thời gian. Đó là lý do tại sao tôi là một fan hâm mộ của các quỹ ETF, bởi đầu tư vào một quỹ này đồng nghĩ với việc bạn đang đầu tư vào hàng trăm công ty khác nhau.

Dù danh mục đầu tư của tôi có nhiều biến động, nhưng những kiến thức và kinh nghiệm có được đã giúp tôi tự tin hơn trong việc quản lý tiền bạc của mình.


Theo Đỗ Hiền

Chia sẻ Facebook