Bí quyết sinh tồn của bách nghệ kinh đô - Kỳ 7: Phục sinh làng nghề hoa giấy Thanh Tiên mấy trăm năm

Chia sẻ Facebook
21/07/2022 10:29:51

Nghề từng giúp làng nổi tiếng thời phong kiến, lụi tàn trước kinh tế thị trường và giờ trở lại khẳng định vị thế.

Nghệ nhân Phan Thị Thanh nổi tiếng ở làng hoa giấy Thanh Tiên nhờ tài làm hoa và tiên phong làm du lịch - Ảnh: TRẦN MAI


Khi mọi người cứ bám vào hào quang cũ, nghĩ nghề này quá cao quý, sẽ khó sống được. Chính tôi cũng phải thay đổi.
Nghệ nhân Nguyễn Hóa


Nghề trăm năm

Làng hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, TP Huế, nằm ở hạ lưu sông Hương. Đây là nơi nổi tiếng với nghề làm hoa giấy độc đáo, đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên đã góp mặt tại các lễ hội Festival Huế, lễ hội Festival làng nghề, lễ hội áo dài, cung đình, các sự kiện văn hóa... và xuất khẩu sang nhiều nước.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên đã có trong danh mục thống kê các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19. Làng Thanh Tiên xưa còn có tên là Tân Lãn hay Tân Lạn, là một trong những địa phương hiếm hoi còn nắm giữ được những thủ thuật bí truyền trong nghề làm bông lùng, bông bụp - một loại hoa đặc trưng trên bàn thờ của Huế xưa.

Dĩ nhiên các triều đại phong kiến Việt Nam đưa vào danh mục thống kê làng nghề thủ công qua nhiều thế kỷ đã khẳng định vị thế của làng Thanh Tiên thời bấy giờ. Nhưng cũng như bao nghề thủ công khác, làng Thanh Tiên cũng đến giai đoạn không sống được với nghề hoa giấy. Bi đát nhất là sau năm 1986, sự lên ngôi của hoa nhựa đã khiến hoa giấy trở nên lỗi thời.

Nghệ nhân Nguyễn Hóa, người có công nghiên cứu, tìm tòi và khôi phục những bí quyết cổ xưa và khôi phục tất cả những công đoạn chế tác hoa giấy chất lượng cao nhất từ cha ông từng nửa thế kỷ thất truyền, bảo rằng sự đi xuống của làng nghề xảy ra bởi làng không chịu thay đổi. Vẫn theo đuổi hoa giấy truyền thống dùng thờ cúng và tâm linh.

"Khi mọi người cứ bám vào hào quang cũ, nghĩ nghề này quá cao quý, sẽ khó sống được. Chính tôi cũng phải thay đổi, chuyển qua những bông hoa nghệ thuật tinh xảo phục vụ trưng bày ở các khách sạn, nhà hàng sang trọng mới nâng tầm được hoa giấy", nghệ nhân Hóa nói.

Cách cơ sở của ông Hóa không xa, cơ sở sản xuất hoa giấy của nghệ nhân Phan Thị Thanh cũng thuộc dạng lâu đời bậc nhất làng Thanh Tiên. Vậy nhưng bà Thanh từng bỏ nghề, cắp đôi quang gánh lên chợ Đông Ba buôn bán. Gần 10 năm qua, bà Thanh lại bỏ nghề buôn quay lại với nghề xưa cũ. Người phụ nữ 60 tuổi này kể về những năm tháng khó khăn, một ngày cặm cụi làm hoa giấy không đổi được lon gạo. Cái đói vây lấy gia đình, vợ chồng bà xếp dụng cụ vào rương tìm sinh kế mới. Mỗi năm, bà chỉ trở lại nghề vào dịp Tết Nguyên đán để thỏa đam mê là chính.

"Nghề này làm gì cũng thủ công, để có bông hoa rực rỡ, cũng từ bí quyết truyền đời chế màu từ cây lá. Làm được một bông hoa là cả thời gian dài chuẩn bị. Chả dễ dầu gì. Nhiều người hỏi tôi "sao trước đây bỏ nghề, bộ không tiếc à?". Nói thật là cái ăn rất cần. Không có ai theo nghề mà không tính đến chuyện cơm áo. Trừ khi quá giàu có. Tôi nghĩ giờ làng phục hưng được là quá may mắn", bà Thanh nói.

Đôi tay thoăn thoắt cuộn tròn tờ giấy A4 vào một khúc gỗ, bà Thanh nén hai đầu, sử dụng khúc gỗ khác đập một lúc những tờ giấy thẳng thớm đã tạo thành nếp, đều như thể được gập ra từ máy móc. Như để chứng minh kỹ thuật làm hoa giấy của người Thanh Tiên, bà Thanh trình diễn làm một đóa sen. Đây được xem là bông hoa kỳ công nhất. Dưới đôi bàn tay bóp nén của bà, chừng 15 phút búp sen đã thành hình.

Nở nụ cười, bà Thanh nói: "Giờ tôi làm quanh năm, làm đến đâu có người mua đến đó. Bán nhiều nhất cho khách ở Hà Nội, kế đến là khách du lịch từ các nước châu Âu. Thiệt tình, tôi trở lại với nghề cũng nhờ kiếm được tiền nhiều và khỏe hơn đi buôn ở chợ. Yêu quý nghề cha ông, khác với kiếm tiền từ nghề xa lắm. Ở đây ai cũng biết nghề, quý nghề, nhưng giờ chỉ còn chục hộ sản xuất xuyên suốt đã nói lên được sự khắc nghiệt của thời buổi kinh tế này", bà Thanh nói.

Từ đồ thờ cúng, người làng Thanh Tiên đã biết tận dụng vẻ đẹp hoa giấy để làm du lịch - Ảnh: NAM ANH


Thay đổi để tồn tại

Những ngày đi khắp các làng nghề Huế, nghe bao câu chuyện thú vị của làng nghề và cách họ vượt qua thời cuộc, chúng tôi nhận ra hầu hết những làng nghề chuyển mình đều thành công. Và làng hoa giấy Thanh Tiên được xem là làng tiên phong trong cuộc chuyển mình ấy.

Căn cốt của nghề được nâng lên và họ đã làm làng nghề rực rỡ hơn cả thời cha ông dù người theo nghề không còn nhiều như trước. Như câu chuyện của bà Thanh, người nghệ nhân này đã có một lịch tiếp khách kín mít. Đó là những đoàn khách quốc tế, họ nhờ các tour lữ hành liên hệ trước để có thể tận mắt xem cách làm hoa giấy của làng Thanh Tiên.

Nghệ nhân Thanh bảo trình diễn và hướng dẫn du khách làm hoa giấy là cách kiếm tiền chính của bà. Có thời điểm ba ngày bà kiếm được 10 triệu đồng từ việc tiếp các đoàn du khách. "Hoa sen giấy bán giá cao nhất trong tất cả các loại hoa làng làm ra, nhưng cũng chỉ 25.000 đồng/bông. Nếu để kiếm được 10 triệu đồng, tôi phải mất cả tháng mới có thể làm 400 bông. Nói vậy để thấy, làng làm hoa giấy, nhưng sống được lại nhờ du lịch", bà Thanh nói.

Nói thêm về du lịch, bà Thanh bảo rằng du khách làm được bông hoa rất vui mừng và họ lại bỏ tiền mua chính bông hoa vừa làm ra. Suy cho cùng, du lịch trải nghiệm đã cứu lấy làng Thanh Tiên.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tâm, sau nhiều năm làm hoa giấy và 5 năm mở cửa nhà đón khách, cũng thừa nhận hoa giấy truyền thống có giá thương mại rất rẻ nhưng có giá trải nghiệm rất cao.

Bà Tâm giới thiệu, một cành hoa giấy truyền thống bao gồm 3 bông hoa lớn ở chính giữa tượng trưng cho Tam cương và 5 bông hoa nhỏ xung quanh tượng trưng cho Ngũ thường. Đó đều là những căn cốt đạo nghĩa của người Việt. Nhờ hiểu biết, ngoài hướng dẫn du khách trải nghiệm làm hoa giấy, bà Tâm còn kể được những câu chuyện xoay quanh nghiệp nghề của tổ tiên. Mà đâu chỉ riêng bà Tâm, tất cả những người duy trì lửa nghề đều tự trang bị cho mình những kiến thức ấy.

Người Thanh Tiên đã biết tận dụng cảnh sắc làng quê nơi mình sinh sống, giữ nguyên nếp nhà ba gian đơn sơ để tạo điểm nhấn. Biết trồng thêm những hàng chè tàu, cây hoa giấy trước nhà tạo cảnh quan chào đón khách.

Những ngày này Huế bước vào mùa lễ hội, người làng Thanh Tiên cũng sẵn sàng trà nước chờ du khách tìm về. Nói như nghệ nhân Hóa, xuất khẩu hoa giấy từng được xem là thành công rực rỡ của nghề. Nhưng không, tất cả đã lầm, tạo sinh khí cho ngôi làng, biến ngôi làng thành nơi thăm thú của du khách mới là đỉnh cao của chấn hưng làng nghề.


Phải hấp dẫn du khách tìm về làng

"Khi nào du khách còn tìm về và thích thú với nghề thì lúc đó nghề còn phát triển. Rồi đây, làng tôi sẽ phải mở thêm homestay, nhà nhà mở cửa đón khách. Nghề tạo ra tiền, tự khắc thế hệ tiếp sau mày mò theo ông bà, cha mẹ học nghề. Điều mà trước đây có la rầy cũng không đứa trẻ nào chịu ngồi vào gấp giấy tạo bông", nghệ nhân Hóa tâm tình.

Thời nay, nghệ nhân đâu chỉ là những ông già, bà lão ẩn thân, giấu nghề trong nhà kín, mà họ cũng phải đổi thay, cũng phải xuống phố, nhanh mồm nhanh miệng tiếp thị, khéo léo biểu diễn nghệ thuật để bán hàng...


>> Kỳ cuối: Nghệ nhân xuống phố

Với nghệ thuật độc đáo tạo tác tre thành những chiếc lồng chim chạm khắc tinh xảo, nghệ nhân ưu tú Đoàn Minh Căn (56 tuổi, xã Phú Dương, TP Huế) đã chinh phục không biết bao nhiêu cuộc thi mỹ nghệ từ trung ương đến địa phương.

Chia sẻ Facebook