Bí quyết sinh tồn của bách nghệ kinh đô - Kỳ 5: Gạch vua giờ ở đâu?
"Trừ cửa Thượng Tứ không sử dụng gạch nhà tôi để trùng tu, còn tất cả các cửa thành khác đều sử dụng. Và rất nhiều công trình trong Đại nội. Bây giờ, chỉ cần đứng nhìn là tôi biết gạch mình liền", ông Lâm nói.
Sách Đại Nam thực lục triều Nguyễn viết về gạch dùng để xây dựng kinh thành Huế như sau: "Tháng giêng năm Gia Long thứ 6 (1807) triều đình lập hai sở lò gạch ngói, lấy 300 người dân Quảng Bình và 600 người dân Quảng Nam làm việc, hằng tháng cấp cho tiền gạo; tháng giêng năm Gia Long thứ 8 (1809) đặt 25 lò gạch ngói, lấy dân Quảng Đức hơn 700 người để ứng dịch, mỗi tháng cấp cho tiền gạo...".
Khuôn gạch có sẵn, máy móc có sẵn. Chỉ cần được ngỏ lời, tôi sẽ lắp khuôn làm gạch vua ngay. Với tôi, được làm điều ấy là vinh hạnh. Tôi nghĩ ba tôi và người làng sẽ rất vui.
Ông HOÀNG NGỌC TÂM
Đi tìm lò gạch vua
Với công trình đồ sộ như kinh thành Huế, khối lượng gạch để xây dựng là rất lớn. Vậy những "lò gạch vua" giờ ở đâu, còn tồn tại hay đã thất truyền trước đổi thay thời cuộc?
Trong Đại Nam thực lục có chỉ dấu về lò gạch dưới triều Nguyễn được đặt ở Ngõa Tường - Vân Cù - Nam Thanh. Và chúng tôi đi tìm...
Theo chỉ dẫn của những nhà nghiên cứu Huế, khu vực đặt lò gạch xưa nay thuộc phường Hương Vinh, TP Huế. Khu vực này nằm cách phố cổ Bao Vinh tầm 2km, cách kinh thành Huế khoảng 7km.
Chúng tôi hỏi người dân phố cổ Bao Vinh và được chỉ về nhà bà Lành, một người làm gạch có tiếng ở đây. Nhưng lò đã không còn, bà Lành nghỉ nghề từ lâu.
"Ra Thủy Tú, ở đó từng có khoảng 40 lò gạch, trước đây có làm gạch xây dựng kinh thành, dân ở đây gọi là gạch vồ. Đó là xóm lò gạch thủ công cuối cùng tồn tại", bà Lành nói và khuyên chúng tôi tìm nhà bà Gái, người duy nhất ở Thủy Tú bán gạch vồ trùng tu kinh thành gần 20 năm trước.
Chúng tôi vòng lại xóm Thủy Tú mà chẳng thấy dấu tích của bất kỳ lò gạch nào. Chỉ có nhà cửa san sát nối từ đường lộ ra tận mé sông Bồ. Lò gạch nhà bà Gái giờ là xưởng tôn lớn. Ông Nguyễn Đức Lâm (chồng bà Gái) tiếp chúng tôi và nói về nghề làm gạch xây cung đình bằng một câu cảm thán: "Chao ôi là nhớ!".
Lúc ông còn nhỏ, nghề làm gạch ở Vân Cù dần dịch chuyển vào làng Thủy Tú và sinh sôi ở đây. Thế hệ ông, ai cũng biết đây là nghề truyền đời từ tổ tiên. Qua thời gian, làng nghề lớn mạnh và đa dạng sản phẩm cho phù hợp với thời cuộc. Chủ yếu làm gạch xây dựng nhà cửa là chính. Khuôn đúc gạch vồ lò nào cũng giữ nhưng không làm thành ra tay nghề yếu đi.
Năm 2005, chính quyền Huế trùng tu kinh thành, cần số lượng gạch vồ lớn đã đặt vấn đề với làng gạch. Nhưng rồi, chẳng ai đáp ứng được yêu cầu "gạch nung chín, cháy sém".
Ông Lâm đã "nướng" hai mẻ gạch vồ với 40.000 viên hư hỏng. Chán nản, ông tính từ bỏ, nhưng rồi nghĩ đến nghề tổ tiên. Kinh thành được dựng lên từ những viên gạch của ông cha mình, đó là niềm tự hào, không lẽ đến thời ông chẳng còn ai kế nghiệp.
Thế là ông quyết tâm thử nghiệm lần 3 và thành công. "Gạch làm kinh thành có kích thước to và dày (dày 6cm, rộng 15cm và dài 30cm), nên để đạt độ chín hoàn hảo như cha ông phải nung hai lửa, lửa đầu nung nhẹ hai ngày, lửa sau nung cực đại bốn ngày.
Khi biết được bí quyết này, hai lò gạch của nhà tôi chỉ làm duy nhất gạch vồ phục vụ trùng tu kinh thành Huế.
Mãi đến năm 2015, nghị định mới ra đời, lò gạch thủ công bị xóa bỏ, tôi và cả làng mới nghỉ nghề. Tính ra tôi có 10 năm làm gạch vua, làm liên tục không nghỉ ngày nào vì nhu cầu cực lớn", ông Lâm nói.
Cuốn sổ ngày xưa vợ chồng ông Lâm ghi chép về những mẻ gạch bán cho trùng tu kinh thành Huế ghi gõ từng hạng mục và số lượng nay đã không còn vì thiên tai. Nhưng ông vẫn nhớ Trường lang Tử cấm thành là lô gạch cuối cùng ông xuất bán trước khi lò gạch nhà ông tắt lửa.
Người cuối cùng nối nghiệp
Lý giải cho từ "gạch vua", ông Lâm bảo rằng do gạch loại đó dùng xây kinh thành và khởi thủy là các vua triều Nguyễn ra lệnh lập lò nên được gọi vậy. Chẳng biết có phải vì gọi trớ đi hay không mà từ gạch vua thành gạch vồ. Làng gạch chẳng còn một dấu tích, cứ ngỡ đến đời ông Lâm là cuối cùng.
Nhưng không, ông Trần Quốc Thắng, chủ tịch phường Hương Vinh (TP Huế), bảo rằng còn một người cuối cùng của làng theo nghề gạch và vẫn làm gạch vồ số lượng lớn.
"Anh Hoàng Ngọc Tâm (50 tuổi), chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Coxano - Trường Sơn, là con cháu của người làng. Anh ấy là ngọn lửa nghề cuối cùng. Nhưng nhà máy đặt ở cụm công nghiệp Tứ Hạ, thị xã Hương Trà chứ không phải ở làng", ông Thắng nói.
Cũng giống như ông Lâm, nghe chúng tôi tìm hiểu về nghề gạch vua, ông Tâm rất vui và mời chúng tôi ghé nhà máy. Dù được ông Tâm giới thiệu trước rằng nhà máy của ông có công suất 20 triệu viên gạch mỗi năm, nhưng khi đến nơi thật sự choáng ngợp. Phương thức sản xuất của cha ông không còn hiện diện, toàn máy móc tự vận hành với những dây chuyền nối từ nơi nhào đất đến khi gạch thành phẩm ra lò.
Nhà máy được thành lập năm 2015, lúc làng gạch thủ công bị xóa bỏ. Thời điểm ấy, ông Tâm nhìn vào ánh mắt buồn của người cha và quyết tâm giữ lại nghề. Khi nhà máy hình thành, đi vào sản xuất, nhiều lần cha ông ra thăm và rất vui. Dù sản xuất hiện đại nhưng kinh nghiệm làm gạch thủ công đã cho ông Tâm những mẻ gạch hoàn hảo nhất.
Hiện tại, nhà máy sản xuất nhiều nhất là gạch ống và gạch thẻ phục vụ nhu cầu xây dựng dân dụng. Còn gạch vua, nhu cầu sử dụng ít, ông Tâm vẫn cất công làm khuôn lắp ráp vào máy và liên tục sản xuất, chủ yếu gạch vua vào trong các quán cà phê hay những người hoài cổ.
"Tôi phải giữ nghề làm gạch vồ, với tôi đó là một phần không thể thiếu của nghề nghiệp kế thừa từ cha ông. Thật sự, tôi tự hào khi tổ tiên làng mình góp sức xây dựng kinh thành. Dù bây giờ gạch vua trở nên bình dân như các loại gạch khác, nhưng phải bình dân vậy mới giữ được nghề", ông Tâm trải lòng.
Sau khi chính quyền Thừa Thiên Huế di dời hơn 4.200 hộ dân ở thượng thành, eo bầu và lên phương án trùng tu khu vực này để trả lại cho kinh thành sự toàn vẹn, ông Tâm rất vui mừng và mong sẽ kế thừa thế hệ đi trước cung ứng gạch vua trong quá trình trùng tu.
Thay đổi để tồn tại
Theo ông Hoàng Ngọc Tâm, năm 2015 nếu ông không thay đổi chắc chắn nghề làm gạch vua đã thất truyền. Sự thay đổi ấy là cần thiết bởi nghề gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó những thay đổi của thời cuộc bắt buộc phải thích nghi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
"Tôi nghĩ, năng suất của nhà máy bây giờ ngang ngửa với cả làng trước đây. Chất lượng gạch cũng cao hơn, máy móc giúp rất nhiều trong quá trình ép gạch, nhào đất và cả việc chỉnh nhiệt độ lò nung bằng điện cũng quá thuận tiện. Bây giờ tôi có thể khẳng định, nghề nghiệp của ông bà đã được kế thừa và phát triển", ông Tâm nói.
"Một người chơi chim nổi tiếng bên Thái Lan biết thông tin, tìm đến tận nhà, đặt tôi làm một chiếc lồng chim "Thập nhị hoa giáp quần tiền"... với giá gần 10.000 USD".
Kỳ tới: Tuyệt kỹ lồng chim xứ cố đô
Pháp lam Huế đã thất truyền từ lâu, các triều đại sau chuộng nghệ thuật khảm sành sứ, nhưng nghệ thuật pháp lam đã được hồi sinh, giữ được "lửa nghề" dù còn lắm gian truân.