Bí quyết sinh tồn của bách nghệ kinh đô - Kỳ 1: Bao La bước qua thời cơ cực
Huế, kinh đô cuối cùng ở Việt Nam, với biết bao nhiêu nghề một thời vàng son. Cuộc thế đổi thay, nhiều nghề thất truyền, nhưng cũng có những nghề, thậm chí là cả một làng nghề vẫn phát triển với những ý tưởng rất mới mẻ.
Chúng tôi về làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đúng dịp Hợp tác xã mây tre đan Bao La xây mới cổng ngõ. Sau đại dịch, người làng đang vào guồng quay mới và cái cổng chào dựng lại ấy sẽ là khởi đầu mới của Bao La.
Bao La ra thế giới
Ông Võ Văn Dinh, giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Bao La, chỉ ra khuôn viên rộng lớn vừa đổ đất san nền và những cây xanh được trồng xuống, bảo rằng: "Tròn 15 năm từ ngày thành lập hợp tác xã. Nay Bao La sẽ không còn là làng nghề đan và buôn bán sản phẩm từ tre nữa. Đây sẽ là điểm du lịch, chúng tôi sẽ phô diễn tài năng của mình cho du khách chiêm ngưỡng và "tập" lấy tiền từ du khách".
Vừa dẫn chúng tôi tham quan hợp tác xã, ông Dinh vừa kể làng nghề mình với sự tự hào. Mọi người đang làm lại cổng chào đẹp mắt để đón du khách sau đại dịch. Dừng lại nhà trưng bày với hơn 500 mẫu sản phẩm khác nhau, ông Dinh bảo rằng tất cả đều từ đôi tay tài hoa của dân làng Bao La. Mỗi sản phẩm đều là sự sáng tạo không ngừng nghỉ của những nghệ nhân làng, họ không muốn làng mình tụt trong sự chuyển mình quá nhanh của thời cuộc.
Bỗng quá khứ ùa về, ông Dinh kể làng nghề đã trải qua hơn 600 năm. Thời ông, đứa trẻ nào cũng biết vót tre, đan tre. Trong những năm chiến tranh, người làng nhiều lần phải dời đi, tránh đạn bom. Người Bao La có thể bỏ tất cả lại, nhưng cái rựa chắc chắn phải mang đi. "Cả làng ai cũng biết đan, nên đi tới đâu sẽ dùng rựa chặt tre, đan thành rổ, nia, rá, dụng cụ bắt cá... bán, đổi lấy lương thực. Nhờ có nghề truyền đời mà người Bao La đi đâu sống đó", ông Dinh nói.
Chiến tranh qua, người Bao La trở về cố xứ, tiếp tục bám nghề mưu sinh. Nhưng rồi thời cuộc đổi thay quá nhanh, những sản phẩm từ nhựa đã "tàn phá" Bao La. Người làng dần bỏ nghề, họ chỉ còn đan những sản phẩm tự dùng trong sinh hoạt và nông nghiệp. Mãi đến năm 2007, ông Dinh cùng với 4 người trong làng nghĩ đến chuyện chấn hưng làng nghề. Họ cùng vay 100 triệu đồng, thành lập Hợp tác xã mây tre đan Bao La.
"Hai năm đầu thành lập làng nghề, bao tâm huyết thành con số 0 khi sản phẩm không bán được, xã viên dần rời khỏi hợp tác xã tìm kế sinh nhai", ông Thái Phi Hùng (72 tuổi), người đồng ký đơn vay 100 triệu đồng năm đó, nhớ lại.
Năm 2010, người Bao La mang sản phẩm của làng đi hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ ở TP Huế, không ngờ bán hết sạch. Lúc này, sự chú ý bắt đầu đến với Bao La, nhiều nhà hàng, khách sạn đưa mẫu đèn trang trí, đèn ngủ và hỏi "có làm được bằng tre không". Ông Dinh, ông Hùng vui vẻ gật đầu.
Những đêm trắng, họ nghiên cứu và làm được. Đối tác cũng kinh ngạc trước tài năng của người Bao La, sản phẩm đẹp hơn kỳ vọng. Thế rồi những cuộc gọi và những đối tác đến với Bao La. Một đối tác ở Hà Nội đã tìm về tận làng, mua sạch sản phẩm đang có lúc đó để xuất sang Trung Quốc.
Tại đất nước tỉ dân, sản phẩm của làng Bao La được tiêu thụ hết và những đơn hàng cả ngàn, chục ngàn được đặt. Không chỉ dừng lại ở Trung Quốc mà đối tác còn mua sản phẩm xuất sang Thái Lan, Nhật, Mỹ, Pháp...
"Khi bán được cho nước ngoài, chúng tôi nhận ra phải nghiên cứu sản xuất đa dạng sản phẩm. Càng đa dạng, tinh xảo, sẽ cạnh tranh sòng phẳng khi bước ra thế giới. Như đèn trang trí, chúng tôi có gần 100 loại đèn khác nhau. Các nghệ nhân đang nghiên cứu những loại đèn có thể xếp gọn lại dễ vận chuyển đi các nước", ông Dinh nói.
Con cháu sẽ phụ trách làm việc với đối tác, với các đơn vị lữ hành. Còn chúng tôi sẽ lui về phía sau, ngồi đan tre và kể chuyện tre cho du khách nghe.
Ông Võ Văn Dinh
Bán câu chuyện của tre
Bây giờ nghề đan tre ở Bao La không còn lo đầu ra nữa. Lúc nào cũng có cả trăm người chẻ tre, đan và chế tác những sản phẩm. Thậm chí, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế còn nhiều lần mời nghệ nhân làng Bao La đi dạy nghề cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Chẳng thể ngờ làng nghề đìu hiu năm nào lại khởi sắc và trở thành tiên phong phát triển làng nghề như lúc này.
Nghệ nhân Thái Phi Hùng được xem là "bộ não" của làng nghề Bao La, tuổi cao không ngăn được khả năng sáng tạo sản phẩm đưa cho bà con sản xuất.
Ông Hùng nói rằng làng Bao La bước vào giai đoạn đan tre thứ ba. Giai đoạn đầu là tổ tiên đan dụng cụ sinh hoạt, giai đoạn hai là 15 năm qua làm đồ thủ công mỹ nghệ và giai đoạn ba là đan đồ lưu niệm sẵn sàng tiếp đón khách đến tham quan. Ông Hùng khoe chiếc thuyền tre nhỏ tuyệt đẹp vừa sáng tạo ra, và bảo ý tưởng dựa trên hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về Huế "Ven bờ sông phẳng con đò mộng/ Lả lướt đi về trong nắng mai".
Con thuyền đó là mộng mơ xứ Huế, một phần ký ức rất đẹp của sông Hương, nay được "nhỏ hóa" trở thành đồ lưu niệm bán cho du khách. Nhưng du khách mua về sẽ lưỡng dụng, không chỉ trưng bày mà có thể làm vật dụng đựng hoa quả, bánh... trong ngôi nhà của mình.
Ông Hùng tỏ ra tiếc nuối khi hai năm dịch bệnh đã làm chậm bước tiến của làng Bao La. Đáng ra, du khách trong tháng du lịch này phải đến đây rất nhiều, không phải chỉ "lèo tèo" vài đoàn. Người làng Bao La muốn "làm ăn lớn" và chính quyền địa phương cũng đã "gật đầu" tạo quỹ đất rộng 1ha cho làng Bao La mở rộng hợp tác xã tạo không gian đón tiếp du khách. Điều đó cũng phù hợp với ý tưởng "Bán câu chuyện tre" của làng.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cấp vốn để Bao La đầu tư, xây dựng một nhà truyền thống phục vụ việc trưng bày, triển lãm các mặt hàng trong khuôn viên hợp tác xã.
"Sau dịch, chúng tôi đã liên hệ với các tour, tuyến và đơn vị lữ hành. Sắp đến du khách sẽ về đây nhiều hơn. Chúng tôi sẽ hướng dẫn du khách trải nghiệm nghề đan và xem đây là sản phẩm lớn nhất từ trước đến nay làng làm được", ông Dinh nói.
Nói như ông Võ Văn Dinh, thời điểm này không còn lo chuyện chấn hưng làng nghề mà tính đến phát triển rực rỡ, tạo tiền đề cho mai sau. "Chúng tôi cũng đã mời những người trẻ trong làng vào làm việc và dần kế thừa cơ nghiệp của làng trầy trật mới có được như hôm nay. Con cháu sẽ phụ trách làm việc với đối tác, với các đơn vị lữ hành. Còn chúng tôi sẽ lui về phía sau, ngồi đan tre và kể chuyện tre cho du khách nghe".
Hợp tác xã Bao La đang có khoảng 100 người làm việc trực tiếp và hơn 50 người làm việc tại nhà. Hơn ai hết, họ muốn thoát khỏi cảnh bám víu vào từng sản phẩm và lo lắng khi không bán được hàng. Thời đó phải xếp lại và xem như một phần trong câu chuyện quá khứ sẽ kể cho du khách nghe. Làng Bao La sẽ duy trì song song sản xuất và du lịch.
Làng hương Thủy Xuân trước đây khá trầm mặc, cuộc chuyển mình đến từ dịp tình cờ khi một vài du khách ghé làm hương cách đây chục năm
Kỳ tới: Xòe bó hương thơm đón du khách
Từ khi xây dựng kinh thành Huế, cùng 'hữu Bạch Hổ' - cồn Dã Viên, vua Gia Long đã coi cồn Hến là 'tả Thanh Long' - biểu trưng cho quyền uy vương quyền. Nhưng, 24 năm kể từ khi có quy hoạch đầu tiên, 'rồng xanh' nằm giữa sông Hương vẫn bị treo.