Bí quyết rong chơi mà vẫn có tiền của cặp vợ chồng bán gần hết tài sản để đi du lịch trên ôtô

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 16:33:31

Cặp đôi quyết định bán gần hết tài sản để không còn mắc nợ nữa. Khi đó, họ sẽ thoải mái đi du lịch toàn thời gian.

“Nếu ngày mai em không còn nữa, anh sẽ làm gì trong phần còn lại của cuộc đời?”

Đó là điều mà Samantha Khoo người Malaysia đã hỏi người chồng Rene Sullivan vào năm 2017, khi anh ấy về nhà muộn sau một ngày dài làm việc. Anh nói rằng phải mất một lúc lâu mới có thể phản hồi lại vợ mình: “Chà, nếu điều đó xảy ra, anh chỉ cần lấy cây đàn guitar và cùng nó đi du lịch khắp thế giới”. Khoo tiếp lời: “Tại sao phải chờ đến khi đó thì mới đi chơi?”

Cặp đôi đang điều hành công việc kinh doanh riêng của họ vào thời điểm câu hỏi được đặt ra nhưng họ đã bất ngờ thay đổi quan điểm, khi thấy tiền không còn quan trọng bằng thời gian ở bên nhau.


Để đi du lịch thì cần hết nợ

Sullivan cho biết điều đầu tiên mà cặp đôi đã làm là bán phần lớn tài sản của họ, bao gồm cả doanh nghiệp và bất động sản. Họ cắt giảm mọi thứ và nhận ra thực sự không cần quá nhiều tiền, vì họ không thuê nhà, trả lương cho nhân viên hay thẻ tín dụng. Cặp vợ chồng đã kết hôn được 22 năm khẳng định bí quyết quan trọng nhất giúp họ có thể đi du lịch toàn thời gian là không mắc nợ.

Khoo và chồng đã mua một chiếc xe van cũ của quân đội với giá 3.600 USD và chuyển đổi nó thành một chiếc xe tải cắm trại. Trong 3 năm, họ đi khắp Malaysia và chinh phục toàn bộ Thái Lan. Điều tuyệt vời nhất khi đi chơi bằng ôtô là không phải đặt trước vé máy bay, tàu hỏa, xe buýt hay khách sạn.

Vào năm 2019, họ lên kế hoạch cho chuyến đi đường bộ kéo dài 6 tháng đến Vương quốc Anh, qua Trung Quốc, Mông Cổ, Nga và châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch phải tạm dừng vì dịch Covid-19. Đầu năm nay, nhiều quốc gia đã mở lại biên giới cho khách du lịch và họ đang chuẩn bị lên đường.

Cuộc sống trên xe van là điều mà nhiều người thích thú. Ảnh: 24hourtravellers

Chiếc xe van của cặp đôi Samantha Khoo và Rene Sullivan. Ảnh: 24hourtravellers


Tự học kỹ năng sửa chữa để tiết kiệm tiền

Trong thời gian chờ đợi, Khoo dành nhiều thời gian để xem YouTube, cô tình cờ xem được một video về cuộc sống trên một chiếc thuyền nhỏ. Chồng của cô, Sullivan, đồng ý thử nghiệm cuộc sống vùng sông nước trước khi quyết định mua một chiếc thuyền. Họ dành 4 tháng tại bến thuyền Pangkor ở Malaysia, nơi họ làm việc không lương cho các chủ thuyền để có kiến thức về đời sống và bảo trì thuyền. Sullivan cuối cùng cũng bị cuốn vào lối sống này. Tháng 4/2022, cặp đôi mua một chiếc thuyền cũ với giá 15.000 USD.

Tuy nhiên, sống trên thuyền cũng có nghĩa là cặp đôi phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Họ học các kỹ năng mới mỗi ngày, bởi đã nghe câu nói phổ biến bên ngoài kia rằng: “boat” (thuyền) là viết tắt của “bring on another thousand” (mang thêm 1.000 nữa). Điều đó có nghĩa là bất cứ thứ gì hỏng hóc, họ sẽ phải chi ít nhất 1.000 USD cho nó.

Sống trên xe ôtô có vẻ vẫn đơn giản hơn so với sống trên thuyền. Ảnh: 24hourtravellers

Sullivan tự tìm hiểu về động cơ và sửa chữa thuyền từ người chèo thuyền cũng như trên internet. Điều đó giúp anh tiết kiệm được nhiều tiền vì chỉ cần mua phụ tùng thay thế. Đến hiện tại, con thuyền vẫn chưa thể thực hiện hành trình dài mà đang neo đậu tại bến vì họ muốn thực hiện mọi việc một cách chậm rãi.

Khoo và Sullivan cũng điều hành một kênh YouTube có tên là 24 Hour Travelers, nơi họ ghi lại những chuyến phiêu lưu của mình và phỏng vấn những du khách khác.


Theo Phương Kim

Chia sẻ Facebook