Bí quyết chinh phục mọi mục tiêu của tỷ phú giàu thứ 71 thế giới: 5 bước đơn giản và hiệu quả, kiên trì, bền bỉ nhất định đạt kết quả như ý
Sự thành công của Ray Dalio là minh chứng rõ ràng nhất cho quy trình 5 bước đầy hiệu quả mà ông áp dụng, cũng như khuyên mọi người nên áp dụng trong cuộc sống.
Theo danh sách tỷ phú thế giới 2022 của Forbes, Ray Dalio là người giàu thứ 71 trên thế giới với giá trị tài sản lên tới 22 tỷ USD. Từ năm 1975 đến năm 2011, ông đã xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm thành công nhất thế giới. Để đạt được điều đó, Dalio từng chia sẻ về cái gọi là quy trình 5 bước. Đó là thứ mà ông đã sử dụng để vừa xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm và chiến thắng trên thị trường, vừa đối mặt và vượt qua những thách thức cá nhân trong cuộc sống.
Quy trình 5 bước này mang nhiều giá trị ý nghĩa và được giải thích rõ ràng, với các nội dung: Có mục tiêu rõ ràng; Xác định và không dung thứ cho các vấn đề; Phân tích các vấn đề để tìm ra nguyên nhân gốc rễ; Xây dựng các kế hoạch giúp giải quyết các vấn đề; Thúc đẩy các kế hoạch để đạt được kết quả.
Thực hiện 5 bước này một cách kiên trì và bền bỉ sẽ luôn mang lại kết quả như ý. Vậy nên đối với mỗi mục tiêu lớn trong đời, hãy thử áp dụng để thấy hiệu quả rõ rệt:
1. Có mục tiêu rõ ràng
Đầu tiên, cần không được nhầm lẫn mục tiêu với mong muốn. Mục tiêu là thứ ta muốn đạt được vì nó truyền cảm hứng. Mong muốn là những thứ ta muốn mà không có lý do rõ ràng và thường ngăn cản ta đạt được mục tiêu.
Do đó, phải xác định mục tiêu rõ ràng. Nhiều người thử sức trong rất nhiều lĩnh vực, từ bất động sản đến hàng tiêu dùng… nhưng lại nhanh chóng bỏ cuộc vì thiếu đam mê để gắn bó lâu dài. Đó là lí do họ ít có cơ hội đạt tới thành công. Người thành công là người biết dung hòa giữa mục tiêu và mong muốn để tìm ra thứ mình thực sự khao khát trong cuộc sống.
Cũng đừng giới hạn bản thân trong những gì ta biết có thể đạt được. Càng tìm cách đạt được nhiều thành tựu, ta càng mở rộng thêm vốn kĩ năng của bản thân. Đó sẽ là những công cụ đắc lực mở ra nhiều cơ hội hơn cho tương lai.
2. Xác định và không dung thứ cho các vấn đề
Mỗi vấn đề ta gặp phải đều mang một cơ hội, một tiềm năng để thay đổi và trở nên tốt hơn.
Đừng tránh đối mặt với các vấn đề, vì chúng bắt nguồn từ những thực tế khắc nghiệt mà ta không muốn phải nhìn nhận. Ở đây, thừa nhận điểm yếu không phải là đầu hàng trước chúng. Trên thực tế, đó là bước đầu tiên để vượt qua.
Các vấn đề khác nhau có các giải pháp khác nhau, không có chuyện một giải pháp có thể khắc phục mọi vấn đề. Do đó, cần tỉnh táo để nhận biết và phân biệt các vấn đề thực sự. Mặt khác, mỗi chúng ta có thời gian và năng lượng hạn chế, vì vậy cần dành chúng cho những vấn đề phù hợp – đó là những vấn đề mà một khi được khắc phục sẽ mang lại lợi ích lớn nhất.
Quan trọng nhất, một khi đã xác định được vấn đề, ta không được chấp nhận nó. Ta phải tìm mọi cách giải quyết, nếu không, việc xác định vấn đề không có ý nghĩa gì.
3. Phân tích các vấn đề để tìm ra nguyên nhân gốc rễ
Trước khi có thể giải quyết gọn gàng một vấn đề, cần biết điều gì là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nó. Có như vậy, ta mới xác định đúng đối tượng và giải pháp với đối tượng đó.
Nguyên nhân gốc rễ thường chỉ có một, nhưng các nguyên nhân cận gốc rễ thì rất nhiều, và giải quyết một trong số chúng cũng không giúp ta giải quyết dứt điểm vấn đề lớn. Do đó, cần phân tích kĩ lưỡng để tìm ra mấu chốt cuối cùng, tránh việc tốn công sức giải quyết những nguyên nhân chưa phải sâu xa nhất.
4. Xây dựng các kế hoạch giúp giải quyết các vấn đề
Đây là giai đoạn quan trọng không kém. Để việc xây dựng các kế hoạch được dễ dàng hơn, hãy thử tưởng tượng cuộc sống hiện tại là một cỗ máy. Nếu nó đang cho ra những kết quả xấu, những vấn đề không tốt, ta cần thay đổi một vài bộ phận trong cỗ máy đó. Vì đã biết cách xác định nguyên nhân sâu xa dẫn đến vấn đề, nên ta sẽ dễ dàng biết cần thay đổi chỗ nào trong cỗ máy để mang lại những kết quả tốt đẹp hơn.
Lập kế hoạch hoàn toàn không mất nhiều thời gian, nhưng hiệu quả lâu dài là không phải bàn cãi. Do đó, hãy luôn đặt ưu tiên xây dựng một kế hoạch cụ thể và rõ ràng để việc giải quyết một vấn đề được hiệu quả hơn.
5. Thúc đẩy các kế hoạch đạt được kết quả
Lập kế hoạch chỉ là một nửa của trò chơi, để giành chiến thắng trong cuộc đời cần nhiều hơn thế.
Để đạt được những thành công nhất định, mỗi người cần bắt tay, đầu tư nhiều nỗ lực để biến kế hoạch trong đầu hoặc trên giấy thành những hành động cụ thể và thiết thực. Nếu không, vấn đề vẫn sẽ tồn đọng, và chúng ta vẫn chìm đắm trong ảo tưởng thành công chỉ vì đã xây dựng được một kế hoạch chưa được thực hiện.
Ai cũng có điểm yếu. Không có ai xuất sắc ở mỗi bước được trình bày trong quy trình nêu trên, vì không ai có thể suy nghĩ thấu đáo, toàn diện trên cả 5 giai đoạn. Một số người sẽ giỏi phân tích và chẩn đoán nhưng lại thực hiện kém. Một số người sẽ giỏi lập kế hoạch nhưng không có đủ kỉ luật và kiên nhẫn. Điều đó cũng nhắc nhở rằng mỗi người nên khiêm tốn và nhận sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết. Không ai có thể tự mình thành công 100%, và hợp tác là cách duy nhất để đạt được điều đó.
Việc tìm ra mục đích thực sự trong cuộc sống cũng không hề dễ dàng. Nhiều người dù đã trải qua nhiều công việc nhưng vẫn không biết bản thân thực sự muốn gì. Nhưng cũng nhiều người dù đã gắn bó lâu dài với một công việc nhưng chẳng thực sự hạnh phúc. Cần lắng nghe từ sâu thẳm bên trong tâm trí, xem bản thân khao khát điều gì, có như vậy, ta mới có cơ sở để thực hiện những bước tiếp theo được đúng đắn.
Theo Entrepreneurshandbook