Bị phát hiện làm giả nghiên cứu, nhà khoa học Trường Y Harvard vẫn được tài trợ nhiều năm liền
Một nhà khoa học nổi tiếng thuộc Trường Y Harvard (Mỹ) bị phát hiện làm giả nghiên cứu liên quan chữa bệnh tim, nhưng kỳ lạ là dù sự việc bị phanh phui, các khoản tài trợ của liên bang và tư nhân vẫn đổ vào phòng nghiên cứu của ông này...
Hãng tin Reuters mới đây đã đăng tải bài báo điều tra liên quan vụ việc.
Theo đó, vào năm 2001, nhà khoa học y khoa Piero Anversa khiến thế giới chú ý khi ô ng tuyên bố tế bào gốc trưởng thành có thể tái tạo trái tim hoặc thậm chí chữa bệnh tim, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ.
Hàng triệu USD trợ cấp của Chính phủ Mỹ sau đó đã đổ vào phòng thí nghiệm của ông Anversa tại Bệnh viện Brigham ở thành phố Boston. Đây cũng là bệnh viện dùng để giảng dạy cho sinh viên Trường Y của Đại học Harvard.
Các tạp chí khoa học hàng đầu đã xuất bản các bài báo của ông Anversa. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) tuyên bố ông là "nhà nghiên cứu tiên phong".
Khi được chọn làm việc với ông Anversa, anh Mario Ricciardi, một nhà sinh học phân tử 39 tuổi người Ý, rất vui mừng.
Tuy nhiên anh bắt đầu ngờ vực khi năm 2011, trong suốt 1 năm làm việc, anh Ricciardi luôn không thể sao chép những phát hiện quan trọng từ người sếp nổi tiếng của mình. Đồng thời, anh cũng lo ngại dữ liệu và hình ảnh của các tế bào đang bị thao túng.
Anh nêu băn khoăn của mình với các quan chức Bệnh viện Brigham, nói các kết quả nghiên cứu "bom tấn" của ông Anversa dường như đã bị làm giả.
Sau một cuộc điều tra kéo dài gần 6 năm, Bệnh viện Brigham và Đại học Harvard đã viết một tuyên bố ngắn rằng họ đã tìm thấy "dữ liệu giả mạo hoặc bịa đặt" trong 31 bài báo do ông Anversa và các cộng tác viên của ông viết.
Tháng 4-2017, Bộ Tư pháp Mỹ đã kết luận riêng trong một cuộc dàn xếp dân sự với Bệnh viện Brigham rằng phòng thí nghiệm của ông Anversa dựa vào "việc ngụy tạo dữ liệu và hình ảnh" để tìm kiếm các khoản tài trợ của chính phủ.
Trong đó, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã chi ít nhất 588 triệu USD cho nghiên cứu của ông Anversa kể từ năm 2001 . Vào tháng 3-2013, thời điểm chính phủ liên bang đã được thông báo về những cáo buộc chống lại ông Anversa, NIH vẫn tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu này 249 triệu USD.
Điều này đã gây tranh luận ồn ào về việc liệu tiền liên bang có đang bị lãng phí hay không.
"Bây giờ chúng ta biết rằng tế bào gốc trưởng thành không tái tạo tim và nghiên cứu trước đây cho thấy đã sai. Tại sao những nghiên cứu như vậy vẫn tồn tại?", ông Jeffery Molkentin, giám đốc sinh học tim mạch phân tử tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, nêu ý kiến.
Trong khi đó một số lượng lớn bệnh nhân tim - do không biết những cáo buộc liên quan chương trình nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành - vẫn đăng ký tham gia thí nghiệm.
Cuối cùng Bệnh viện Brigham và Đại học Harvard chấp nhận đưa vụ bê bối của ông Anversa ra ánh sáng. Tuy nhiên họ vẫn chưa cung cấp một bản công khai đầy đủ về những gì họ biết.
Cả hai đơn vị đều từ chối trả lời các câu hỏi về nhà nghiên cứu Anversa và phòng thí nghiệm của ông, đồng thời nói rằng các cuộc điều tra về vụ việc là "bí mật".
Reuters đã đến tòa nhà chung cư ở thành phố New York của ông Anversa vào tháng 5. Ông Anversa, hiện 83 tuổi, từ chối bình luận và nói rằng ông "không muốn nhắc lại".
Trong khi đó NIH cho biết họ coi "hành vi sai trái trong nghiên cứu rất nghiêm trọng", nhưng từ chối bình luận về trường hợp ông Anversa, nói rằng đây là "một vấn đề bí mật".
Công bố nhanh công trình nghiên cứu khoa học đúng đắn là điều hữu ích để ngăn chặn COVID-19. Song thông tin ban đầu còn thiếu sót hoặc sai lệch sẽ dẫn đến hoảng loạn.