Bị Mỹ “nắn gân”, UAE tức tốc hạn chế tình trạng “tuồn” hàng sang Nga?

Chia sẻ Facebook
11/11/2023 03:55:21

UAE không muốn làm tổn hại đến mối quan hệ của mình với Mỹ, đặc biệt là khi đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông.


Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã lọt vào “tầm ngắm” của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vì mối liên kết của nước này với Nga , vốn đã làm suy giảm những nỗ lực của phương Tây nhằm gây sức ép với Moscow về mặt kinh tế theo sau xung đột Nga-Ukraine.


Hồi đầu tháng 9, đại diện của Vương quốc Anh, EU và Mỹ đã đến thăm UAE để bày tỏ quan ngại về mối liên hệ của quốc gia vùng Vịnh này với Nga. Họ muốn ngăn người Nga tiếp cận một số sản phẩm như chip máy tính và linh kiện điện tử có thể được sử dụng để tăng cường nỗ lực chiến đấu của Nga.


Hiện tại, dưới áp lực ngày càng tăng từ phương Tây và mối đe dọa ngày càng lớn về việc cuộc chiến Israel-Hamas tràn sang các khu vực khác ở Trung Đông, Abu Dhabi có khả năng đang thực hiện một số điều chỉnh chính sách.


Dưới áp lực trừng phạt


Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của EU – vừa cập nhật cho các quốc gia thành viên của mình về diễn biến mới nhất trong tuần này rằng UAE đã đồng ý hạn chế tái xuất khẩu sang Nga các loại hàng hóa “nhạy cảm” có thể được sử dụng ở chiến trường Ukraine, hãng Bloomberg đưa tin hôm 10/11.


Một quan chức của UAE nói với Bloomberg trong một tuyên bố qua email rằng họ đang thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu và tái xuất khẩu một số sản phẩm nhất định sang các khu vực xung đột và có khuôn khổ pháp lý về kiểm soát xuất khẩu để giám sát liên tục hoạt động xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng (phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự).


Ngoài ra, UAE vẫn duy trì đối thoại chặt chẽ với các đối tác quốc tế về xung đột ở Ukraine và những tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu, vị quan chức này cho biết thêm.


Theo Bloomberg, điều này đánh dấu một chiến thắng cho các đồng minh của Ukraine, vốn đang cố gắng chặt đứt dòng chảy hàng hóa quân sự sang Nga.

Nhà Trắng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể có trụ sở tại UAE với cáo buộc vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và vì cung cấp hỗ trợ cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: The Cradle


Trong những tháng gần đây, Mỹ và EU đã tăng cường nỗ lực thực thi các biện pháp hạn chế thương mại, đặc biệt tập trung vào việc kiểm soát khả năng “lách” trừng phạt của Nga để có được các loại hàng hóa ưu tiên cao bao gồm hàng chục loại công nghệ và linh kiện được sử dụng trong vũ khí được tìm thấy ở Ukraine hoặc cần thiết để sản xuất vũ khí.


Đầu năm nay, Mỹ đã cảnh báo rằng UAE, Oman và Thổ Nhĩ Kỳ chớ có tìm cách tránh né các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu được áp đặt lên Moscow từ năm ngoái. Sau đó, hồi tháng 4, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 2 thực thể có trụ sở tại UAE là công ty sản xuất máy bay không người lái (UAV) Aeromotus và công ty chuyên về thiết bị điện Hulm Al Sahra.


Theo Bộ Tài chính Mỹ, Aeromotus được cho là đã gửi một số UAV và công nghệ robot cho các nhà nhập khẩu Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Trong khi đó, Hulm Al Sahra bị trừng phạt vì cáo buộc gửi chất bán dẫn trị giá khoảng 190.000 USD có nguồn gốc từ Mỹ và chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, cũng như máy móc, thiết bị điện tử và quang học cho các công ty Nga vào nửa cuối năm 2022.


Và vòng trừng phạt mới nhất mà Mỹ công bố hồi đầu tháng này được áp đặt lên một loạt các công ty của UAE bị cáo buộc vận chuyển sang Nga các thiết bị hàng không và máy móc tiếp nhận dữ liệu, bên cạnh hàng trăm công ty và cá nhân đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.


Lần này, công ty tài chính ARX Financial Engineering có trụ sở tại UAE đã bị xử phạt với cáo buộc liên quan đến việc tìm cách để đồng Rúp Nga được gửi từ ngân hàng VTB Bank (Nga) vốn đang bị trừng phạt và chuyển đổi sang USD.


Cân nhắc dựa trên lợi ích


Ngay sau chuyến thăm UAE vào tháng 9 của các quan chức phương Tây, Bloomberg đưa tin rằng Abu Dhabi đang xem xét yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với một số công nghệ, bao gồm cả chất bán dẫn.


Động thái này, nếu được thực hiện, sẽ không chỉ vì áp lực ngày càng tăng từ phương Tây mà còn vì mối đe dọa ngày càng lớn về việc cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza leo thang sang các khu vực khác ở Trung Đông. Theo các chuyên gia, trong kịch bản đó, UAE sẽ muốn củng cố mối quan hệ với “chiếc ô an ninh” của mình là Mỹ.


“Nếu UAE yêu cầu cấp phép xuất khẩu, đó sẽ là dấu hiệu rằng họ đang cảm thấy chi phí của việc không tuân thủ các hạn chế của phương Tây đã vượt quá lợi ích thu được từ một số hoạt động thương mại với Nga”, Giáo sư Mark Katz tại Trường Chính sách và Chính phủ Schar của Đại học George Mason (bang Virginia, Mỹ) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera.


Ngoài ra, với việc Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023 (COP28) sẽ bắt đầu vào cuối tháng này, nước chủ nhà UAE sẽ muốn khu vực lân cận được yên tĩnh nhất có thể.

Tổng thống Nga Putin gặp Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 25, ngày 16/6/2023. Ảnh: Kremlin.ru


Câu hỏi đặt ra là khi UAE kiểm soát xuất khẩu, không rõ điều này sẽ tạo ra vấn đề như thế nào cho quan hệ UAE-Nga.


“Moscow có thể hiểu rằng UAE sẽ thực hiện động thái này dưới áp lực từ phương Tây. Hơn nữa, động thái này có thể chỉ làm giảm chứ không thể triệt tiêu sự hợp tác giữa UAE và Nga. Moscow muốn duy trì bất kỳ sự hợp tác nào có thể với UAE”, Giáo sư Katz nhận định.


Có lẽ những giấy phép xuất khẩu như vậy có thể giúp thúc đẩy lợi ích của Abu Dhabi – cả về danh tiếng là trung tâm thương mại ở Trung Đông, và những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến quan hệ đồng minh Nga-Iran.


“Việc cấp giấy phép xuất khẩu sẽ giúp củng cố ý tưởng rằng UAE là nơi đáng tin cậy để kinh doanh”, ông Gordon Gray, cựu Đại sứ Mỹ tại Tunisia, nói với Al Jazeera. “UAE có động lực chính trị và kinh tế mạnh mẽ để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và EU. Ngoài ra, chắc chắn họ cũng nghi ngờ về liên minh quân sự đang phát triển giữa Nga và Iran, và muốn bảo vệ an ninh quốc gia của mình bằng cách ngăn chặn hàng hóa lưỡng dụng rơi vào tay Iran”.


Luôn có cách hóa giải


Các quan chức ở UAE lo ngại về mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc của Moscow với Tehran – một phần vì các chủ thể phi nhà nước mà Tehran tài trợ và một phần vì các hoạt động sản xuất UAV và tên lửa đạn đạo của nước này, đồng thời cũng lo ngại về khả năng những điều này làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng an ninh ở Trung Đông.


Tuy nhiên, việc nghe theo tín hiệu từ phương Tây khi nói đến quan hệ với Nga sẽ không phải là không có những rủi ro nhất định đối với UAE. Nga được cho là đang nhận nguồn cung UAV và các hệ thống vũ khí khác từ Iran để phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine.


Theo quan điểm của Abu Dhabi, xét tới sự phụ thuộc như vậy của Nga vào Iran và quan hệ hợp tác “nông” hơn giữa UAE và Nga, rất có thể Moscow sẽ ngả về phía Tehran nhiều hơn nếu xảy ra vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ UAE-Iran. Như vậy, điều này có thể gây rắc rối cho UAE.

Gian hàng của các nhà sản xuất vũ khí Nga tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế (IDEX) ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ngày 20/2/2023. Ảnh: CNN


Theo ông Gray, thực ra Moscow có thể không coi đây là một khả năng để ngăn Abu Dhabi tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Câu hỏi đặt ra là UAE có thực sự muốn “lấy lòng” Mỹ và các đồng minh của Washington bằng cách hạn chế xuất khẩu sang Nga hay không.


“UAE và các quốc gia vùng Vịnh khác không quá hào hứng với việc làm tổn hại đến mối quan hệ của họ với Nga”, ông Imad Harb, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích tại Trung tâm Ả Rập Washington DC, nói với Al Jazeera.


“Nếu thực sự UAE áp đặt các biện pháp kiểm soát này, quyết định này sẽ là vì lý do địa chính trị, đặc biệt là để thể hiện rằng họ tuân thủ mong muốn của Mỹ và EU. Nhưng ngay cả khi Abu Dhabi thực sự áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, vẫn luôn có nhiều cách để hóa giải chúng bởi điều các công ty và cá nhân quan tâm nhất là lợi ích kinh doanh và thương mại của họ”.


Theo ông Harb, việc cấp các giấy phép xuất khẩu này có thể sẽ không có quá nhiều tác động tiêu cực đến mối quan hệ Nga-UAE. Ông nói: “UAE luôn có thể dàn xếp để bán hàng cho Nga thông qua Iran vì Tehran có quan hệ tốt với Moscow và luôn sẵn lòng giúp Moscow lách mọi lệnh trừng phạt” .


Minh Đức (Theo Al Jazeera, Bloomberg, AP)

Chia sẻ Facebook