Bí mật của công ty đứng sau những toà chọc trời cao nhất thế giới

Chia sẻ Facebook
05/11/2022 12:21:41

Là những người chuyên nghiệp trong ngành, các kiến trúc sư cảm thấy vui khi chia sẻ những bí mật để xây dựng các toà nhà chọc trời trên thế giới.

Hơn một thập kỷ nay, toà tháp Burj Khalifa cao 828m sừng sững đứng trên sa mạc Dubai. Toà nhà chọc trời này cao nhất thế thế giới và cao hơn 62% so với toà tháp giữ kỷ lục trước đó. Những gì mà công trình này để lại rất đáng lưu ý và hữu ích đối với người thiết kế ra nó.

Ông Adrian Smith đã thiết kế toà tháp Burj Khalifa khi còn là kiến trúc sư tại Skidmore, Owings và Merill (SOM). Nhưng vào năm 2010, khi toà tháp này mở cửa, ông đã cùng Gill và Robert Forest thành lập một công ty riêng có tên Adrian Smith + Gordon Gill Architecture, hay còn gọi là AS+GG. Công ty chuyên thiết kế các toà nhà chọc trời siêu cao (trên 300m) và nhà chọc trời cực cao (trên 600m).

Theo Hội đồng Nhà Cao tầng và Nhà ở Đô thị (CTBUH), các siêu ốc vẫn tương đối ít. Toàn thế giới có 173 toà nhà chọc trời siêu cao được hoàn thành, các công trình cực cao cũng tương tự. Nhiều toà nhà khác đã phải huỷ bỏ ở nhiều giai đoạn khác nhau.

Ông Smith cho biết không có nhiều những công trình cực cao để làm ví dụ tham khảo cho những ai làm trong lĩnh vực này. Ông giải thích rằng kinh nghiệm chỉ có được khi toà nhà hoàn thành, ngoài ra tất cả chỉ làm việc trên giấy tờ. Gill cho biết điều quý giá nhất là nhớ lại thời điểm cách đây 15 năm, xem thời tiết ra sao, hoạt động thế nào và chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm đúc rút.

Trong 15 năm qua AS+GG đã xây dựng hàng loạt các toà nhà chọc trời từ châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Những thiết kế này đã được biên soạn thành cuốn sách có tựa đề “Supertall | Megatall: How High We Can We Go?” (tạm dịch: Nhà chọc trời siêu cao, cực cao: Chúng ta có thể xây cao đến đâu?)

Quang cảnh nhìn lên Central Park Tower, toà nhà chọc trời siêu cao 472m do AS+GG thiết kế. Ảnh: AS+GG

Cuốn sách này được viết ra để hướng dẫn thực hành cho các sinh viên và kiến trúc sư hành nghề. Nội dung cuốn sách có đầy đủ các bản vẽ kỹ thuật giải thích những đổi mới làm nền tảng cho các toà nhà chọc trời như Central Park Tower ở New York (472m), Chengdu Greenland Tower (468m) ở Trung Quốc.

Ông Smith bày tỏ: “Thật đáng ngạc nhiên là rất ít người trên thế giới thực sự biết cách thức hoạt động của một siêu cao ốc”. Vậy tại sao công ty này lại thấy vui khi chia sẻ bí mật của họ?


Một ý tưởng tuyệt vời sẽ không bao giờ bị lãng phí

Thiết kế nổi tiếng nhất của AS+GG là Tháp Jeddah, trước đây có tên là Tháp Kingdom, ở Saudi Arabia. Chiều cao đề xuất của tháp khi hoàn thành là hơn 1.000m. Điều này sẽ giúp Tháp Jeddah có được ngôi vị cao nhất thế giới. Theo kế hoạch, toà tháp cao 58 tầng dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn.

Đơn vị chịu trách nhiệm về Thành phố Jeddah, nơi có toà tháp chọc trời, không đưa ra bình luận về tình trạng của toà nhà.

Một hình ảnh của Burj Khalifa ở Dubai, được chụp vào năm 2013 (trái) và hình ảnh của Tháp Jeddah (phải), một tòa nhà chọc trời ở Saudi Arabia sẽ vượt qua Burj Khalifa trở thành tòa nhà cao nhất thế giới khi hoàn thành. Ảnh: AS+GG.

Một trong những mục dài nhất của cuốn sách tập trung vào những đổi mới trong thiết kế tháp, từ thử nghiệm gió với mô hình 1:4000, các chiến lược giảm thiếu bức xạ mặt trời, đến hệ thống thu hồi nước ngưng tụ với khả năng thu thập lượng nước hàng năm từ toà nhà bằng 14 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.

Cuốn sách cũng chỉ ra rằng hệ thống cấu trúc của Tháp Jeddah được xây dựng dựa theo và tinh chỉnh của Tháp Burj Khalifa. Jeddah được thiết kế 3 cánh hình chữ Y để tạo sự ổn định tối đa. Ông Smith cũng nói rằng Burj Khalifa và Tháp Jeddah được lấy cảm hứng từ Tòa nhà chọc trời Friedrichstrasse, một thiết kế chưa được xây dựng từ năm 1920 của kiến trúc sư người Mỹ gốc Đức Ludwig Mies van der Rohe. Gill nói rằng toà nhà của Mies là một ví dụ hoàn hảo về một thiết kế vẫn có giá trị cho đến ngày nay.

Bản thiết kế Meraas Tower. Ảnh: AS+GG

Dubai là nơi có nhiều toà nhà chọc trời. Là một khu vực đang phát triển với tham vọng bùng cháy. Tiểu vương quốc đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những dự án táo bạo trong hai thập kỷ qua.

Các toà nhà chọc trời của AS+GG được đề xuất bao gồm Meraas Tower (526m), Za'abeel Signature Tower I (598m) và 1 Dubai Atrium City (1.000m). Thật khó để tượng tượng khung cảnh Dubai sẽ ra sao với sự xuất hiện của những toà nhà chọc trời này. Nhưng cũng giống như công trình Friedrichstrasse của Rohe, sự thiếu vắng các công trình này cũng không hẳn là một tổn thất.

Forest nói: “Đó là lý do vì sao chúng tôi nói về những dự án chưa hoàn thành ở hiện tại. Cuốn sách không phải là nơi ‘chôn cất’ những ý tưởng chưa được sử dụng”. Gill cho biết có rất nhiều bài học rút ra từ những toà nhà này đã được ứng dụng để đưa vào thiết kế của AS+GG. Vì thế những ý tưởng tuyệt vời sẽ không bao giờ bị lãnh phí.

Thiết kế 1 Dubai (bên trái) so với Tháp Jeddah. Ảnh: AS+GG

Thiết kế những thứ người thường không thể nhìn thấy

Đối với các thành phố đang cố gắng nâng cao vị thế của họ trên trường quốc tế, các toà nhà chọc trời có thể giúp tạo dựng danh tiếng. Forest nói: “Không gì có thể che những toà nhà này. Cho dù chủ sở hữu là ai, toà nhà chọc trời trở thành biểu tượng cho vùng đất xung quanh”.

Nhưng chiều cao không phải là tất cả và cũng không nhất thiết là mối quan tâm hàng đầu của công ty. Đối với AS+GG, chiều cao chỉ là khởi đầu cho hàng loạt vấn đề khác. Cuốn sách gợi ý rằng các toà chọc trời siêu cao và cực cao có thể cập nhật các ý tưởng về hiệu quả năng lượng, giảm thải carbon và kết nối với thế giới tự nhiên thông qua thiết kế thân thiện môi trường.

Gill lấy ví dụ về Biophilic Tower, một thiết kế chưa được thực hiện từ năm 2012 dành cho Tô Châu, Trung Quốc, có nhiều điểm khác biệt so với quy chuẩn. Toà nhà bao gồm một khu rừng thẳng đứng xoắn ốc cao 119 tầng. Nhưng sự đổi mới thường bị đám đông gạt bỏ.

Bản thiết kế 1 Dubai. Ảnh: AS+GG

Gill nói: “Đôi khi tôi nghĩ mọi người nhìn vào các toà nhà và họ không biết là đang nhìn gì. Đó là vì chúng tôi thường thiết kế cho những thứ… vô hình mà mọi người không nhìn thấy hoặc không tham gia vào. Nhưng chúng nằm trong khoa học và thiết kế. Đó là điều khiến các toà nhà trở nên đơn giản hơn”.

Ông Smith và các cộng sự của ông rất vui vì các thiết kế của AS+GG có thể trở thành nguồn tài nguyên trong ngành. Gill nói: “Là những người chuyên nghiệp, chúng tôi có trách nhiệm chia sẻ kiến ​​thức của mình”.

Bí mật của những toà nhà chọc trời là những thứ tàng hình cần được bật mí.


Theo CNN

Chia sẻ Facebook