Bị lừa chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng khi hỏi vay tiền qua mạng xã hội
Theo thông tin từ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 người dân trên địa bàn tỉnh này mới đây đã bị đối tượng Võ Minh Thành (quê quán Đồng Nai) lừa đảo, chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng qua chiêu thức cho vay tiền online.
Trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cơ quan này cho biết, Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với đối tượng Võ Minh Thành (sinh năm 1994, quê quán tỉnh Đồng Nai, chỗ ở là huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức cho vay tiền online.
Cụ thể, thông qua tin tố giác của bà L.H trú tại phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc bị các đối tượng không rõ nhân thân lai lịch có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" qua mạng, Công an thị xã Phú Mỹ đã phối hợp Phòng An ninh và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng một số đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp điều tra, xác định đối tượng Võ Minh Thành có dấu hiệu nghi vấn.
Khám xét khẩn cấp tại nơi ở của Võ Minh Thành, cơ quan Công an thu giữ nhiều tài liệu gồm sổ sách, thẻ SIM điện thoại, máy vi tính, điện thoại di động, thẻ ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay tiền online của đối tượng này.
Công an thị xã Phú Mỹ đã triệu tập đối tượng đến trụ sở để làm việc. Tại đây, Võ Minh Thành đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Trước đó, Võ Minh Thành được hướng dẫn cách thức hoạt động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu vay tiền trong các nhóm chuyên vay tiền, hỗ trợ vốn trên mạng xã hội Facebook.
Tháng 1/2022, Võ Minh Thành đã sử dụng tài khoản Facebook có tên “Nguyễn Minh Thắng” để đăng bài có nội dung “Công ty cầm đồ Toàn Phát cho vay tiền nhanh” trên 1 trang chuyên cho vay tiền online.
Khi tài khoản "Cô Chủ Nhỏ" của bà L.H trao đổi có nhu cầu vay tiền, đối tượng Võ Minh Thành đã sử dụng các tài khoản facebook có tên "Nguyễn Minh Thắng", "Thắng bé xíu" và 3 số điện thoại di động khác nhau để gọi, nhắn tin qua mạng Zalo với bà L.H.
Tiếp đó, đối tượng Võ Minh Thành đã lập hợp đồng giả về việc vay 1 tỷ đồng giữa bên cho vay là "Công ty TNHH thương mại cầm đồ Toàn Phát" và bên vay là bà L.H, sau đó chụp hình hợp đồng giả và gửi cho bà L.H, đồng thời yêu cầu nạn nhân phải chuyển trước cho Võ Minh Thành một khoản tiền để trả phí bảo hiểm khoản vay và phí giải ngân. Đối tượng cam kết số tiền này sẽ được thanh toán cộng dồn với khoản vay 1 tỷ đồng.
Với thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2022, Võ Minh Thành đã nhiều lần yêu cầu bà L.H chuyển tiền. Vì lo sợ mất số tiền phí đã gửi của những lần trước, bà L.H chấp nhận chuyển tiền cho Võ Minh Thành tổng số tiền 2.481.580.000 đồng, vào 2 tài khoản của Thành và nhiều tài khoản khác do một người tên Tín (chưa xác định nhân thân) gửi cho Thành. Võ Minh Thành được nhận 400 triệu đồng trong tổng số tiền lừa đảo, chiếm đoạt được.
Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết thêm, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cho vay online kể trên đang tiếp tục được cơ quan Công an điều tra, làm rõ.
Điều đáng nói là, các vụ việc lừa đảo trực tuyến đang có xu hướng ngày càng gia tăng thời gian gần đây.
Tại sự kiện Security Summit 2022 diễn ra hồi trung tuần tháng 6, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã cho biết, trong nửa đầu năm 2022, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 840 vụ việc liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, tăng tới 42% so với nửa cuối năm ngoái.
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng nhận định, hoạt động cho vay tín dụng đen trên mạng với lãi suất cao để thu lời bất chính là 1 xu hướng đang nở rộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện đang tồn tại trên 200 ứng dụng cho vay trực tuyến tại Việt Nam.
Thời gian qua, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng đã liên tục có cảnh báo, khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác trước các chiêu thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi của các nhóm tội phạm mạng. Số liệu của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin cho hay, từ đầu năm nay đến đầu tháng 6/2022, đã có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo qua cổng thông tin canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng (app) liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm tới 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội. Nếu nhận được các tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng có nội dung như: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… thì có thể đây là một hình thức của tín dụng đen online.
Khi có nhu cầu vay tiền, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín. Trường hợp nghi ngờ 1 trang web có dấu hiệu liên quan đến tín dụng đen, người dân có thể chủ động cảnh báo đến tại cổng thông tin canhbao.ncsc.gov.vn. Ngoài ra, người dân cũng có thể tra cứu các trang web lừa đảo, trục lợi tài chính qua “Danh sách đen” trên trang tinnhiemmang.vn