Bị kiện vì cứu người bị TNGT: Tránh cảnh 'làm phúc phải tội' thế nào?
Sau vụ việc tài xế bị kiện vì cứu người tai nạn giao thông (TNGT) ở Quảng Ninh, nhiều người băn khoăn làm thế nào để không rơi vào cảnh 'làm phúc phải tội'?
Liên quan đến vụ việc bị kiện vì cứu người ở Quảng Ninh đang gây xôn xao dư luận, nguồn tin của PV Báo Giao thông từ cơ quan chức năng huyện Vân Đồn cho biết, hiện đã xác định được tài xế gây ra vụ TNGT ngày 17/6 khiến bà P.T.T (trú xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) bị thương.
Do mẹ của tài xế này đang cấp cứu tại bệnh viện nên tài xế chưa đến cơ quan chức năng của huyện Vân Đồn làm việc được. Tuy nhiên, tài xế gây TNGT cho bà P.T.T đã cam kết là sang đầu tuần tới sẽ đến làm việc.
Như vậy, đến thời điểm này, anh Ngô Văn Chính - chồng chị Nguyễn Thị Vân Anh (trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) đã được minh oan. Anh Chính là tài xế xe bán tải đã có hành động nhân ái, đưa giúp bà P.T.T đi bệnh viện cấp cứu sau vụ TNGT.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân Anh làm việc với cán bộ Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Vân Đồn về những tình tiết liên quan.
Cứu người gặp nạn, cần chứng minh mình không liên quan đến vụ tai nạn
Theo Trung tá Bùi Đức Chính (Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Vân Đồn, pháp luật của nhiều nước cũng như pháp luật Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ hành vi không cứu giúp người khác khi gặp TNGT. Tuy nhiên, hiện nay, không ít trường hợp quan ngại khi gặp TNGT vì nhiều lý do, trong đó lo lắng sẽ phiền hà về sau.
Trung tá Chính khuyến cáo, để cứu được người an toàn cho nạn nhân cũng như tránh được phiền phức cho bản thân sau này, người dân nên gọi điện báo ngay cho chính quyền và cơ quan chức năng gần nơi xảy ra nhất; tìm thêm người cùng hỗ trợ để vừa làm nhân chứng vừa thuận tiện hơn trong việc giúp nạn nhân.
Đồng thời, sử dụng điện thoại, máy ghi âm quay, thu lại hình ảnh hiện trường, trong trường hợp nạn nhân còn tỉnh táo thì ghi âm quay lại lời kể của nạn nhân về các tình tiết liên quan…
"Cũng có tình huống đoạn đường vắng, người cứu giúp người gặp TNGT mà không có điện thoại, thiết bị thông minh thì rủi ro bị oan ức về sau xảy ra là khá cao. Trong trường hợp này thì chỉ mong vào đạo đức, tâm lý của nạn nhân và thân nhân khi đã được cứu giúp", Trung tá Bùi Đức Chính nói.
Là thành viên của hội lái xe thường xuyên giúp đỡ người bị TNGT, trước câu chuyện "làm phúc bị kiện" của tài xế Chính, anh Nguyễn Xuân Chung, quản trị viên diễn đàn hoilaixe.com (HLX), chi hội trưởng diễn đàn HLX Tiên Lãng – Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cho biết: Lường trước các vấn đề pháp lý khi cứu giúp người gặp nạn lại không may vướng vào cảnh "làm phúc phải tội", anh em chúng tôi đã hướng dẫn nhau về các biện pháp chứng minh mình không phải là người gây tai nạn.
"Cơ bản các hội viên của diễn đàn đều có camera hành trình trên xe. Tuy nhiên, camera hành trình phần lớn chỉ có ở phần đầu xe, không thể ghi lại toàn bộ diễn biến 4 phía. Do đó, trong khi cứu giúp người bị nạn thì ngoài camera hành trình cần bật điện thoại quay lại, thậm chí livestream diễn biến vụ việc từ khi nhìn thấy hiện trường vụ tai nạn cho tới khi cứu giúp nạn nhân", anh Chung chia sẻ.
Theo anh Chung, trong nhiều vụ tai nạn, người bị nạn còn tỉnh táo, trong quá trình cứu giúp nạn nhân, người cứu giúp có thể hỏi nạn nhân bị nạn như thế nào, a chạm với phương tiện gì? Những câu trả lời của nạn nhân được ghi âm, ghi hình lại ngoài việc sau này giúp cơ quan chức năng điều tra vụ tai nạn còn là bằng chứng khẳng định người cứu giúp không liên quan đến vụ tai nạn.
Không cứu giúp người gặp nạn là hành vi vi phạm pháp luật
Trước luồng ý kiến "ngó lơ người bị TNGT cho an toàn thay vì dừng lại cứu chữa dễ chuốc phiền vào thân", các chuyên gia pháp lý cho biết, đây là hành động vừa trái với lương tâm, trách nhiệm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Toàn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Tại khoản 18 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị TNGT. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Theo đó, phạt tiền từ 0,5-1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (Điểm a, Khoản 7, Điều 11).
Theo luật sư Toàn, việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi phạm tội. Tại Điều 132 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sử đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,.
Cụ thể, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1-5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm…
Theo baogiaothong.vn