Bi kịch của doanh nhân Trung Quốc làm ăn không trung thực: Thành kẻ vô gia cư, 75 tuổi vẫn phải nhặt rác, ăn xin sống qua ngày
Khương Nguyên Trần từng là chủ tịch của 3 công ty với hàng nghìn nhân viên, được nhiều người kính nể, khâm phục.
Đầu năm nay, đoạn video về người đàn ông mặt mũi hốc hác, đầu tóc bù xù, mặc một chiếc áo mỏng, run rẩy vì lạnh tại một công viên ở Thâm Quyến đã trở nên viral trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Lý do là vì người đàn ông này là Khương Nguyên Trần (75 tuổi) - doanh nhân lừng lẫy một thời trên thương trường.
Theo người dân xung quanh, ông Khương đã lang thang ăn xin ở khu vực này trong 2 năm qua. Do làm ăn thua lỗ, ông trở thành người vô gia cư phải nhặt rác, xin ăn để sống qua ngày.
Ông Khương quê ở Yên Đài, Sơn Đông. Trước những năm 1990, ông mở một công ty may mặc ở quê nhà rồi mở rộng sang Hong Kong và thành lập tập đoàn Shenglong Hong Kong.
Một thời gian sau, ông lấn sân sang lĩnh vực sản xuất thực phẩm ở Hong Kong và Thâm Quyến. Thời kỳ đỉnh cao, ông sở hữu tài sản trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ và quản lý hàng trăm nhân viên.
Năm 2014, Khương Nguyên Trần thường xuyên xuất hiện trên báo chí, truyền hình với tư cách là một doanh nhân thành đạt, được nhiều người kính nể, khâm phục. Trong thời gian này, ông tiếp tục mở rộng kinh doanh tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc.
Để mở rộng đế chế kinh doanh, ông Khương đã vay nợ với số lượng lớn. Ngoài ra, ông còn nợ tiền nhà cung cấp nhiều lần, dẫn tới việc bị đối tác ngừng cung cấp. Đỉnh điểm, tháng 2/2017, các công ty của ông bị liệt vào danh sách "doanh nghiệp không trung thực". Việc sản phẩm bị hạn chế tiêu thụ và sau đó là việc một số công ty bị thu hồi giấy phép kinh doanh đã khiến ông rơi vào cảnh không trả được nợ ngân hàng rồi tuyên bố phá sản.
Năm 2020, ông Khương bắt đầu cuộc sống vô gia cư, lang thang trên đường phố ở Thâm Quyến. Ban ngày, ông nhặt phế liệu để bán hoặc ngửa tay xin tiền người qua đường. Đêm xuống, ông ngủ trên một chiếc ghế dài trong công viên. Từ khi đến Hong Kong kinh doanh những năm 1990, ông đã ít liên lạc với gia đình ở quê.
Tháng 1 năm nay, ông được tình nguyện viên của nhóm "Let Love Come Home" tìm thấy khi đang co ro vì lạnh trên ghế đá công viên ở trung tâm thành phố Thâm Quyến.
Họ liên lạc với gia đình ông ở Yên Đài nhưng người vợ (năm nay đã ngoài 70) của ông từ chối đón ông về nhà. Vì bệnh tật, bà phải nằm liệt giường, khả năng vận động cũng hạn chế. Theo lời kể của bà, ông Khương đã bỏ rơi gia đình từ hơn 20 năm trước và không làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha.
"Hàng chục năm qua, ông ấy không hề liên lạc hay có trách nhiệm với gia đình. Tôi đã rất vất vả để nuôi các con thành người. Cũng vì thế mà sức khỏe của tôi mới như thế này. Thử hỏi ai đáng thương hơn ai", bà cho biết.
Ông Khương có 2 con trai, 1 con gái. Họ đều tốt nghiệp đại học có tiếng và hiện có công việc ổn định. Khi biết tình cảnh hiện tại của cha, họ đã liên lạc với nhóm tình nguyện để đón bố về.
Họ nói rằng không muốn nhắc đến nỗi đau trong quá khứ và cũng chưa bao giờ bỏ mặc ông Khương. Vài năm trước, họ từng liên lạc với ông nhưng sau đó mất kết nối. Họ cũng không ngờ rằng cha mình lại làm ăn thua lỗ và phải sống vất vả như vậy.
"Hiện tại mọi thứ đã trôi qua. Chúng tôi không muốn chuyện gia đình mình bị người ngoài quấy rầy thêm nữa", con trai ông Khương nói.
Nguồn: Sohu
Theo Nhịp Sống Kinh Tế