Bị khởi tố thêm tội danh, ông Trịnh Văn Quyết có thể đối diện mức án nào?

Chia sẻ Facebook
26/08/2022 16:50:30

Bị khởi tố thêm tội danh, ông Trịnh Văn Quyết có thể đối diện mức án nào?


Ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết, đã thi hành các quyết định khởi tố bổ sung bị can đối với Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và Hương Trần Kiều Dung về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.


Đây là tội danh thứ hai cựu Chủ tịch FLC bị khởi tố. Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố về tội "Thao túng thị trường chứng khoán".


Trả lời PV VTC News , Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với tội danh mới bị khởi tố, ông Trịnh Văn Quyết có thể phải đối mặt khung hình phạt cao nhất có mức án 20 năm tù hoặc tù chung thân.


"Với tội 'Thao túng thị trường chứng khoán' mà ông Trịnh Văn Quyết và một số đồng phạm đã bị khởi tố, mức hình phạt không quá 7 năm tù. Tuy nhiên, mới đây, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị khởi tố thêm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân", luật sư Cường phân tích.

Cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.


Theo luật sư Đặng Văn Cường, cáo buộc của cơ quan điều tra, số tiền mà ông Quyết và các đồng phạm chiếm đoạt của những người bị hại hàng nghìn tỷ đồng nên hình phạt mà các bị can phải đối mặt là rất nghiêm khắc.

Pháp luật quy định cơ quan điều tra có quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng cũng có trách nhiệm phải thu thập tài liệu, chứng cứ theo trình tự, thủ tục luật định để chứng minh tội phạm.


Theo đó để chứng minh ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", cơ quan điều tra chứng minh các bị can đã có thủ đoạn gian dối, nhằm chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư. Thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản sẽ khác với những vi phạm về mặt hành chính trong việc thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ, thu hút đầu tư nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản có trước thời điểm thực hiện thủ đoạn gian dối. Cơ quan điều tra cần chứng minh các bị can đã có mục đích chiếm đoạt tài sản của những người bị hại từ trước nên đưa ra thông tin gian dối, thông tin sai sự thật hoặc có những thủ đoạn khác khiến cho bị hại hiểu lầm về bản chất của giao dịch, hoạt động đầu tư để trao tài sản cho các bị can, sau đó bị can chiếm đoạt, không trả lại tài sản cho người bị hại.


"Có hai vấn đề quan trọng mà cơ quan điều tra có nghĩa vụ phải chứng minh để buộc tội đối với các bị can đó là thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối phải thể hiện bằng hành vi gian dối, hành vi đưa tin sai sự thật làm cho người bị hại hiểu lầm, tin tưởng rồi trao tài sản và vấn đề thứ hai là yếu tố chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản thể hiện thông qua hành vi nhận tài sản của người bị hại rồi không trả lại người bị hại, đã biến tài sản của người bị hại thành tài sản của các bị can", luật sư Cường nhấn mạnh.

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, vấn đề này, cơ quan tố tụng có trách nhiệm phải chứng minh bằng những chứng cứ khách quan và phải thu thập theo trình tự thủ tục luật định. Cơ quan điều tra cũng có trách nhiệm phải làm rõ thông tin, danh tính của những bị hại, làm rõ số tiền cụ thể mà từng bị hại đã bị chiếm đoạt, thời điểm chiếm đoạt, phương thức thủ đoạn chiếm đoạt và đặc biệt là thủ đoạn gian dối với mục đích để chiếm đoạt tài sản do ai thực hiện, thực hiện từ khi nào, bằng phương pháp nào.

Trong vụ án có đồng phạm, cơ quan điều tra cũng thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh có sự bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bị can trong việc thực hiện hành vi phạm tội.

Ở vụ án này, trường hợp các bị can bị buộc tội thêm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hình phạt đối với bị can trong vụ án này là rất nghiêm khắc, có thể mức hình phạt cao nhất sẽ là 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trường hợp bị kết án về hai tội danh là "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và cả hai tội danh này đều là mức hình phạt tù có thời hạn thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc hình phạt chung, là tổng cộng của các tội danh nhưng không quá 30 năm tù.

Nếu người nào bị kết án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, thì hình phạt chung của nhiều tội danh sẽ là tù chung thân.

Trong vụ án này, có rất nhiều cán bộ, công nhân viên, các cổ đông, nhà đầu tư có liên quan vụ án. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức, hành vi, vai trò của từng người để đánh giá, phân loại, xác định ai là bị can, ai là bị hại, ai là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Nếu có căn cứ chứng minh những thành viên góp vốn, người tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, cơ quan điều tra có thể tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý đối với những người này.

Trường hợp những người tham gia góp vốn, quản lý điều hành doanh nghiệp nhưng không bàn bạc thống nhất với các bị can khác thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội đối với các bị can, không có hành vi vi phạm hoặc vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự, cơ quan điều tra cũng sẽ phân loại, kết luận theo nguyên tắc có hành vi vi phạm pháp luật, phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Nếu những người khác không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, không cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội đối với các bị can khác hoặc hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra cũng sẽ kết luận và không đề cập xử lý.

Vụ án có đồng phạm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của các bị can trong đồng phạm theo nguyên tắc người chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn đối với người giúp sức, xúi giục. Với những người tuy có hành vi vi phạm pháp luật phải được xác định là đồng phạm nhưng vai trò là thứ yếu, giúp sức, không đáng kể, phạm tội do bị ép buộc phải bị dụ dỗ, cũng có thể sẽ được áp dụng biện pháp khác mà không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với bị can, bị cáo bị xác định là thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu tiền, phương thức thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt là gì, hiện nay số tiền chiếm đoạt đang ở đâu, ai là người quản lý sử dụng, có hành vi rửa tiền hay không, có hành vi che giấu, không tố giác tội phạm hay không để xử lý triệt để đối với vụ án này.

Ngoài ra, sẽ làm rõ danh tính của từng người bị hại, số tiền mà tình người bị chiếm đoạt và xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Về nguyên tắc, bị can, bị cáo chiếm đoạt tài sản, phải có nghĩa vụ bồi thường, khắc phục hậu quả. Những tài sản do phạm tội mà có đều bị truy thu phải thu hồi để trả lại cho người bị hại. Cơ quan chức năng cần xác định phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự đối với từng bị can, bị cáo làm căn cứ cá biệt hóa vai trò đồng phạm cũng như cá biệt hóa trách nhiệm về mặt dân sự trong vụ án hình sự sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ và kết luận.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền chiếm đoạt đang ở đâu, đã chuyển hóa thành những tài sản nào, do ai quản lý để áp dụng các biện pháp ngăn chặn như kê biên, phong tỏa, tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Những tài sản mang dấu vết tội phạm, những tài sản do phạm tội mà có được xác định là vật chứng của vụ án hình sự, sẽ được thu giữ, bảo quản, sử lý theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.


"Đây là vụ án phức tạp, liên quan hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, liên quan nhiều người, nhiều cơ quan tổ chức, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ thận trọng xem xét đánh giá, xác định bản chất của vụ án, làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật", Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay.

Chia sẻ Facebook