Bi hài trào lưu 'lướt' và 'chốt đơn online' lan đến vùng quê
Ngày nay các trang bán hàng trực tuyến ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiện lợi cho người người tiêu dùng, nhất là đối với khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với trào lưu “lướt”, "chốt đơn” cũng đã làm cho nhiều người rơi vào tình cảnh "nghiện" mua sắm online.
Việc mua sắm online mất kiểm soát khiến nhiều người rơi vào cạn kiệt tài chính. Ảnh: Phương Anh
Trào lưu “chốt đơn online” nở rộ ở miền Tây
Bà Nguyễn Thị Hiệp ở xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) có sở thích sưu tầm các loại hoa lan. Vì ở vùng nông thôn rất ít cơ sở bán cây kiểng nên chỉ có những lúc đi công việc ở thành phố Cần Thơ bà mới tìm mua được những loại lan yêu thích. Từ khi được các con trong gia đình hướng dẫn các trang bán hàng trực tuyến, bà Hiệp đã biết cách mua sắm online.
Bà Hiệp cho biết: “Tôi tìm đến các cửa hàng bán lan trên mạng xã hội, xem họ livestream bán hàng khi nào có sản phẩm mình cần thì đặt mua. Mua hàng online vừa nhanh chóng, tiện lợi, đa dạng về chủng loại mà giá cả có khi thấp hơn mua ở ngoài. Thêm nữa không mất thời gian, chỉ cần đặt hàng là được giao đến tận nhà, mình kiểm tra đúng mẫu thì trả tiền là xong. Hiện nay trung bình mỗi tháng tôi đặt hàng từ 3-5 đơn hàng để mua hoa lan”.
Tương tự, bà Võ Thị Phượng ở xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cũng là “tín đồ” của trào lưu mua hàng online.
Bà Phượng cho biết: “Tôi có sở thích mua quần áo, giầy dép nhưng do nhà xa chợ, thêm ở nhà trông coi cháu nhỏ rồi còn buôn bán tạp hóa nên rất ít có thời gian mua sắm. Khi biết được các trang bán hàng online tôi hầu như mua trên đó, từ những sản phẩm làm đẹp đến vật dụng trong gia đình”.
Hiện nay, ở những vùng nông thôn của miền Tây không khó để bắt gặp hình ảnh shipper (những nhân viên giao hàng) len lỏi qua các tuyến đường nông thôn đến tận nhà người dân để giao hàng.
Anh Nguyễn Bé Lừng, nhân viên một công ty vận chuyển hàng hóa nhanh phụ trách khu vực xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Trung bình một tháng số lượng anh giao hàng khu vực nông thôn từ 1.200 - 1.300 đơn hàng, tăng khoảng 20 - 30% so với cách đây hơn 1 năm.
Lục đục cũng vì “chốt đơn”
Không thể phủ nhận những tiện ích của việc bán hàng và mua sắm trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, chính vì sự quá tiện lợi mà nhiều người rơi vào tình trạng “chốt” hàng quá tay, dẫn đến đến lãng phí, vượt khả năng chi tiêu tài chính, nhất là đối với những người ở nông thôn có thu nhập thấp.
Chị L.T.D ở xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) kinh tế chủ yếu dựa nghề giăng lưới, bắt cá của chồng với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng - đây là mức thu nhập tương đối ở vùng nông thôn nếu biết chi tiêu hợp lý thì vẫn đảm bảo cuộc sống.
Thế nhưng, chị D lại bị “nghiện” mua đồ trên mạng nên hầu như mỗi tháng gia đình đều thiếu trước hụt sau, trong khi hàng online thì cứ chất đầy tủ, có cái còn chưa mở ra dùng đến.
“Với việc thích thì “chốt” nếu giao hàng mẫu mã đúng thì nhận còn không thì trả lại nên tôi cứ vô tư đặt hàng, đến khi nhân viên đến đúng hay không tôi lại nhận hết. Nhiều lúc không có tiền, shipper giao hàng tôi lại tìm cách hẹn qua hôm khác,...”, chị D chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh đó, chị N.T.B ở xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cũng bị “nghiện” mua hàng trên mạng.
Chị B cho biết một sản phẩm mua có giá vài trăm ngàn nên với thu nhập 6 triệu đồng mỗi tháng thì cũng không là bao nhiêu. Cứ thế chị vô tư mua sắm, đến khi nhân viên giao hàng đến thì tổng cộng cả chục đơn hàng, tính ra hơn nửa số tiền lương.
“Có thời điểm đặt nhiều đơn hàng, tôi phải chia ra 2 - 3 địa chỉ để nhận vì sợ người thân trong gia đình phàn nàn. Có lần bị chồng tôi phát hiện một số đồ chưa dùng đến nên vợ chồng xảy ra cự cãi...”, chị B cho biết thêm.