Bị đưa vào ‘Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo’, Việt Nam nói gì?
Bị đưa vào ‘Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo’, Việt Nam nói gì?Minh Long •Thứ năm, 15/12/2022
“Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam”, bà Hằng tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay (15/12).
Bà Hằng đưa ra tuyên bố trên khi được đề nghị bình luận về thông tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 2/12 thông cáo “đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”.
Bà Hằng cho rằng chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, điều đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.
“Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, bà Hằng nói.
Trước đó, trong thông cáo ngày 2/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố “hôm nay tôi đưa Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vào ‘Danh sách theo dõi đặc biệt’ vì có tham gia hoặc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”.
Các nước có mức độ vi phạm nặng hơn bị liệt vào Danh sách quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concerns – CPC) gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan.
Việt Nam từng bị liệt vào danh sách CPC. Tuy nhiên đến năm 2006, trước khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO, Việt Nam được rút tên khỏi danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.
Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ, Hiến pháp Việt Nam quy định mọi cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng; trong khi đó Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Việt Nam có quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc.
Chính quyền Việt Nam sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.
Trong ngày 2/12, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo mới về danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin. Trong danh sách này có ông Phan Văn Thu (người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo – một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền miền Nam Cộng hòa công nhận trước năm 1975), người tử vong trong nhà tù Gia Trung, tỉnh Gia Lai hôm 20/11, được cho là gặp một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi phải thụ án chung thân vì niềm tin tôn giáo của ông.
USCIRF cũng đã đưa ông Lê Tùng Vân và năm bị cáo khác trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai vào Danh sách Nạn nhân Tự do Tôn giáo và Niềm tin toàn cầu.
Trong vụ án trên, lúc 18h40 ngày 3/11/2022, HĐXX phiên phúc thẩm tuyên phạt ông Lê Tùng Vân 5 năm tù; 5 bị cáo còn lại, mỗi người từ 3 đến 5 năm tù.
USCIRF hồi tháng 4 đã đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC về tự do tôn giáo. Căn cứ cho đề nghị đó là vì Việt Nam có những vi phạm mang tính hệ thống, liên tục và quá mức quyền tự do tôn giáo.
Minh Long
Dân Mỹ mộ đạo hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác Nước Mỹ vẫn là một quốc gia có nền tảng tín ngưỡng mạnh và đứng đầu trong số các nước phương Tây.