Bị cáo Tất Thành Cang nói gì về bút phê đồng ý chuyển nhượng đất dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai?

Chia sẻ Facebook
13/10/2022 17:52:34

Thừa nhận việc bút phê đồng ý chuyển nhượng 2 dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, nhưng ông Tất Thành Cang cho rằng hành vi của mình không vì mục đích cá nhân.

Ngày 12/10, phiên tòa xét xử bị cáo Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM; Phạm Văn Thông, cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy; Huỳnh Phước Long, cựu Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn thuộc Văn phòng Thành ủy; Phan Thanh Tân, cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy cùng 6 bị can khác liên quan đến sai phạm trong vụ chuyển nhượng đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án KDC Ven Sông, quận 7, Tp.HCM cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Công ty Quốc Cường Gia Lai), tiếp tục với phần xét hỏi.

Khai tại tòa, ông Phan Thanh Tân thừa nhận các sai phạm, tuy nhiên, cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy cho rằng thời điểm ông nhận nhiệm vụ tại Công ty Tân Thuận thì Công ty Quốc Cường Gia Lai đã sở hữu 90% phần vốn góp, Tân Thuận chỉ còn 10%.

“Cơ quan điều tra kết luận tôi chỉ phải chịu trách nhiệm đối với 10% giá trị của dự án, nhưng cáo trạng lại quy kết tôi phải chịu trách nhiệm về toàn bộ dự án là không đúng”, ông Tân trình bày và mong HĐXX xem xét về vấn đề này. Đồng thời, nam bị cáo này cũng cho mình bản thân không được hưởng lợi gì từ các việc làm của mình.

Tương tự, hai cựu cán bộ Văn phòng Thành ủy khác là ông Phạm Văn Thông và ông Huỳnh Phước Long cũng thừa nhận các sai phạm của mình, nhưng mong HĐXX xem xét về bối cảnh, nhận thức, thời điểm thực hiện hành vi. Theo các bị cáo, thời điểm thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án thì nhận thức của các bị cáo là việc chuyển nhượng thuộc thẩm quyền của mình nên thực hiện.

Cáo trạng xác định ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất đối với việc quản lý tài sản của Đảng bộ Tp.HCM.

Tuy nhiên, theo ông Cang, Quy chế quản lý sử dụng tài sản tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu Đảng bộ TP, ban hành kèm theo quyết định 1087 nêu rõ: Ban Thường vụ Thành ủy ủy quyền cho chánh Văn phòng Thành ủy làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tài sản Đảng bộ và thực hiện quyền chủ sở hữu, phê duyệt điều lệ của doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ TP. Do đó, chánh Văn phòng Thành ủy là người đứng đầu cao nhất chứ không phải là ông.

Thừa nhận việc không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM khi bút phê đồng ý trên tờ trình 1206 của Văn phòng Thành ủy, nhưng ông Cang mong HĐXX xem xét toàn diện, khách quan bối cảnh của vụ việc, vì các công việc ông thực hiện liên quan đến chuyển nhượng hai dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ để củng cố công tác tổ chức, hoạt động của Đảng bộ về phần nội bộ kinh tế Đảng chứ không vì bất cứ mục đích cá nhân nào khác.

Nói thêm về vấn đề này, ông Cang cho rằng, vào ngày 30/5/2017, ông bút phê đồng ý với đề xuất của Văn phòng lên tờ trình 1206, thì cùng ngày ông nhận được công văn của Văn phòng UBND TP, truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch Lê Văn Khoa về việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị như Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra TP, Cục Thuế TP, UBND Nhà Bè… rút kinh nghiệm về việc thẩm định, xác định giá thị trường đất khu vực xã Phước Kiển - Nhà Bè và đất dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ để tham mưu chính xác cho UBND TP trong quá trình chỉ đạo, tính tiền sử dụng đất.

Lúc này, ông Cang đã đã bút phê ngay cho ông Phạm Văn Thông, đề nghị ông Thông nghiên cứu văn bản này để tham mưu về công việc của Tân Thuận.

Ông Cang cho rằng, quan điểm nhất quán của ông là khi chuyển nhượng dự án phải bám sát giá thị trường để điều chỉnh kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi…

Chia sẻ Facebook