Bí ẩn phong thủy dòng họ khoa bảng – P3: Thoát nạn lớn tru di tam tộc

Chia sẻ Facebook
18/11/2022 07:36:57

Họ Ngô dù có nhiều người đỗ đạt làm quan to, nhưng cũng hai phen dòng tộc này gặp nạn lớn do sóng gió trong triều, nhất là vào giai đoạn triều đình rối ren, lòng dân oán thán. Thậm chí có một lần suýt chút nữa họ Ngô đã bị tru di tam tộc…

Như trong kỳ trước có đề cập, ơn đức của bà Chu Thị Bột đối với người dân Kinh Bắc đã giúp bà được “thiên táng” vào chỗ đất tốt, từ đó con cháu được vinh hiển. Không chỉ như vậy, nhiều người cho rằng phúc trạch đó cũng giúp cho họ Ngô hai lần thoát nạn lớn.

Mộ bà Chu Thị Bột ở đầu làng Vọng Nguyệt. (Ảnh: Ngotoc.vn)

Thoát nạn lớn “tru di tam tộc”

Ông Ngô Ngọc, con bà Chu Thị Bột, có 3 con trai, trong đó có Ngô Nhân Hải (đỗ Hoàng Giáp năm 1508) và Ngô Nhân Tổng. Lúc này vào cuối thời kỳ Lê sơ, nhà Lê đang trên con đường suy yếu, đói kém xảy ra liên miên. Bấy giờ, Ngô Nhân Tổng cùng Thân Duy Nhạc dấy quân ở huyện Yên Phú, Đông Ngàn, Gia Lâm, xứ Kinh Bắc. Vua cho quân đi đánh dẹp và bắt sống được cả Ngô Văn Tổng cùng Thân Duy Nhạc rồi đem đi xử tử.

Lúc ấy có người trong triều báo lên rằng Ngô Văn Tổng chính là em trai của quan Án sát ngự sử Ngô Nhân Hải, và Ngô Nhân Hải có liên quan đến cuộc khởi nghĩa này. Với tội danh ấy thì Ngô Nhân Hải sẽ bị xử tru di tam tộc.

Nhưng khi bị nhà vua xét hỏi, Ngô Nhân Hải đã rất bình tĩnh trả lời rằng:


“Xét về bản quán, Tổng là hàng xóm của thần, nhưng hai người hàng xóm không nhất thiết là cốt nhục. Tổng họ Ngô, chữ Ngô được kết chữ khẩu ở trên, chữ thiên ở dưới (吳). Thần cũng họ Ngô, chữ Ngô của thần được kết chữ Ngũ ở trên, chữ khẩu ở dưới (吾). Như vậy rõ ràng là đồng âm mà khác nghĩa.”

Vua nghe thế thì không truy cứu gì thêm. Vậy là dòng họ Ngô thoát nạn tru di tam tộc.

Thoát nạn cấm thi

Nạn lớn tiếp theo mà họ Ngô gặp phải xảy ra với cháu nội của Ngô Ngọc là Ngô Nhân Trừng. Ngô Nhân Trừng thi đỗ Hoàng Giáp năm 1580 và làm quan nổi tiếng dưới triều nhà Mạc, được vua Mạc tin cậy xem như nội tướng, ngang hàng với các thân vương là thành viên của hội đồng tham chính.

Khi nhà Lê tiến đánh Thăng Long, vua Mạc Mậu Hợp phải chạy lên vùng Cao Bằng. Ngô Nhân Trừng đi theo bảo vệ vua, khi đến đất Lâm Tiên (thuộc Đông Anh, Hà Nội ngày nay) thì ông bị quân nhà Lê bắt giữ.

Trịnh Tùng khuyên Ngô Nhân Trừng nên đầu hàng và phục vụ cho nhà Lê, nhưng tôi trung không thể thờ hai chủ, ông đã uống thuốc độc tự tử.

Sau này nhà Lê tổ chức khoa thi nhưng con cháu họ Ngô lại không được cho dự thi. Đây là một vấn đề rất phức tạp thời bấy giờ, bởi có hàng ngàn các con em quan lại triều Mạc trước đây đều chịu chung số phận như vậy.

Con trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt, tự là Mai Hiên, hiệu là Thịnh Đức là người thông minh học rất giỏi, thuộc bậc hiếm có vào thời ấy. Nhưng các khoa thi năm mậu Tuất (1598), nhâm Dần (1602), Giáp Thìn (1604) đều không được dự thi Đình vì bố là Ngô Nhân Trừng chỉ chịu làm quan cho nhà Mạc mà không chịu làm quan cho nhà Lê.

Sau này đến khoa thi năm 1607, có vị quan tâu lên vua Lê Kính Tông rằng:


“Ngô Trừng sinh ra và lớn lên ở đất Mạc, học hành thi cử cũng dưới triều Mạc. Vì thế làm quan và giữ lòng trung với nhà Mạc là điều cố nhiên của kẻ sĩ. Nay nếu cho con cháu của ông ta đi thi thì vừa có thêm nhân tài cho nước mà thiên hạ cũng thấy được ân đức của bệ hạ”.

Vua đồng ý với lời tấu ấy. Vậy là Ngô Nhân Triệt được dự khoa thi năm Đinh Mùi (1607) và đỗ Hội nguyên Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân niên hiệu Hoàng Định đời 8, đời Lê Kính Tông. Ngô Nhân Triệt làm quan dưới triều Lê – Trịnh hơn 30 năm, từng lập được công khi đi sứ Trung Hoa, được phong chức Thái thường tự khanh, hàm Đặc tiến Kim tử quang lộc đại phu, Thái tử, Thái bảo, Lễ Thái bá.


Trần Hưng


Xem thêm :


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook