Bí ẩn lai lịch phi phàm của bài thơ Thần: “Nam quốc sơn hà”
Bài thơ “Nam quốc sơn hà” gắn liền với 2 chiến tích lẫy lừng đánh đuổi quân Tống. Mỗi lần nó vang lên, quân Tống thảy đều kinh hồn bạt vía, bỏ chạy toán loạn… Điều đặc biệt là lai lịch của bài thơ còn gắn liền với 2 vị thần nhân phi phàm.
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Ai là người Việt hẳn đều đã từng nghe qua bài thơ lừng danh này. Một bài thơ mang âm hưởng hào hùng về chủ quyền dân tộc. Thậm chí nó còn được coi là “bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên khẳng định lãnh thổ của người Việt.
Điều đặc biệt hơn là bài thơ còn gắn liền với những Thần tích ly kỳ trong việc đánh đuổi quân Tống năm xưa. Trong sách “Lĩnh Nam Trích Quái” có chép câu chuyện như sau:
Bài thơ Thần khiến quân Tống sợ hãi tháo chạy
“Năm Thiên Phúc nguyên niên đời Lê Đại Hành, Tống Thái Tổ sai bọn tướng quân Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cất quân sang xâm lược nam phương. Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch, hai bên đối đáp. Đại Hành mộng thấy 2 thần nhân ở trên sông vái mà nói rằng:
‘Anh em thần, một tên là Trướng Hống, một tên là Trương Hát, xưa kia theo Triệu Việt Vương cầm quân chinh phạt nghịch tặc mà lấy được thiên hạ. Về sau Triệu Việt Vương mất nước, Lý Nam Đế triệu hai anh em thần. Bọn thần vì nghĩa không thể theo được, uống thuốc độc mà tự tử. Thượng Đế thương anh em thần có công lại trung nghĩa một lòng, mới phong làm quan tướng trong hàng các thần linh, thống lĩnh quỷ binh. Nay quân Tống phạm cõi, làm khổ sinh linh nước ta, cho nên anh em thần đến yết kiến, xin nguyện cùng nhà vua đánh giặc này để cứu sinh linh’.
Vua giật mình tỉnh dậy, mừng rỡ mà bảo cận thần rằng: ‘ Có thần nhân giúp ta rồi vậy’. Bèn lập tức đốt hương ở trước thuyền ngự mà khấn rằng: ‘Nếu thần nhân có thể giúp ta làm nên công nghiệp này, thì xin bao phong huyết thực muôn đời ’. Đoạn giết súc vật tế lễ, hóa mũ áo, voi ngựa, tiền giấy. Đêm ấy Đại Hành mộng thấy hai thần nhân mặc mũ áo vua ban đến bái tạ.
Đêm sau lại thấy một người dẫn đoàn quỷ áo trắng, tự phía nam sông Bình Giang mà tới, một người dẫn bọn quỷ áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt mà lại, cùng xông vào trại giặc mà đánh. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng. Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:
‘ Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược,
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư’.
Dịch thơ:
‘Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Điều ấy đã định rõ trong sách Trời
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm,
Bây hãy chờ gươm chém bại vong’.
Quân Tống nghe thấy, xéo đạp vào nhau mà chạy tan, lầm giết lẫn nhau, ai lo chạy thoát thân người ấy, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể. Quân Tống đại bại mà về.
Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng công thần, truy phong cho hai vị thần nhân, một là Tinh Mẫn Đại vương lập miếu thờ tại ngã ba sông Long Nhãn, sai dân ở Long Nhãn, sông Bình Giang phụng thờ, một là Khước Mẫn Đại vương lập miếu ở ngã ba sông Như Nguyệt, sai dân ở bờ sông Như Nguyệt phụng thờ, hưởng huyết thực đời đời, nay vẫn còn là phúc thần”.
Vua Lê Đại Hành nổi danh với cuộc chiến chống quân Tống lần thứ nhất. (Ảnh qua baonga.com)
Cho đến nay, tác giả bài thơ “Nam quốc sơn hà” vẫn chưa được khẳng định và còn gây nhiều suy đoán. Tuy nhiên theo câu truyện trong “Lĩnh Nam Trích Quái”, người ngâm bài thơ cũng là người thống lĩnh quỷ binh giúp vua Lê Đại Hành đánh đuổi giặc Tống, chính là 2 vị Thần họ Trương.
Vị Thần nhiều lần giúp dân chống giặc
Hiện nay, sơ bộ có khoảng hơn 30 dị bản bài thơ “Nam quốc sơn hà” trong các văn bản Hán Nôm chép tay hoặc khắc gỗ. Các văn bản này đều nói về truyền thuyết 2 vị Thần Trương Hống, Trương Hát, còn gọi là Thánh Tam Giang, Thần sông Như Nguyệt…hiện thân giúp dân chống giặc.
Truyện kể rằng: Bà Văn Mẫu (Vũ Giàng – Bắc Ninh) mộng giao với Long thần sinh ra một bọc bốn trai một gái, đặt tên là Hống, Hát, Lừng, Lẫy và Đạm Nương. Hống, Hát ham học, thích chơi trò kỳ lạ, được thầy Lã dạy, làu thông binh thư võ lược. Lúc nhàn rỗi thường hỏi mẹ về cha, mẹ bèn thuật lại truyện cảm giao với Long thần họ Trương, bèn lấy Trương làm họ.
Khi Triệu Việt Vương dấy nghĩa, Trương Hống, Trương Hát theo giúp, trở thành tướng giỏi. Triệu Việt Vương thất bại, Hậu Lý Nam Đế lên thay, muốn triệu hai ông ra giúp, hai anh em từ chối rồi tự vẫn để trọn tiết với chủ cũ. Thượng Đế khen là tiết nghĩa nên phong thần.
Sau đó, 2 vị Thần từng giúp Nam Tấn Vương Ngô Hậu Chúa dẹp loạn Lý Huy, giúp Lê Đại Hành chống Tống năm 981, giúp Lý Thường Kiệt chống Tống năm 1076. Mỗi lần thần Trương Hống, Trương Hát đều đọc thơ: “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” khích lệ binh sĩ chiến đấu. Đến thời chống Nguyên Mông, Hưng Đạo Vương cầu khấn trợ giúp, nhất nhất đều linh ứng. Do đó 2 thần được nhiều đời vua phong thần tước.
Nhân dân cũng dựng lập gần 300 đền miếu thờ hai thần suốt các vùng lân cận sông Cầu, sông Thương (nay thuộc Bắc Giang, Bắc Ninh) và nhiều làng xã nay thuộc Hải Dương, Hà Tây, Phú Thọ…
Sự ngộ nhận về tác giả
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sự tích về bài thơ này được chép như sau:
“ Mùa xuân, tháng 3 [năm 1076, thời vua Lý Nhân Tông], nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó,…. sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý thường Kiệt đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người, Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta. Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào dọc theo sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:
‘ Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phận định tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại h ư’
Sau đó quả nhiên như thế ”.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ sử được biên soạn vào thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) sau này, trong đó nhiều chi tiết thần kỳ đã được lược bớt, chỉ giữ lại những sự kiện chính. Do đó bản sử này chỉ chép rằng trong trận chống quân Tống, một đêm quân sĩ đã nghe thấy trong đền thờ Trương tướng quân có tiếng đọc to bài thơ…
Thế nhưng lại có một số người ngộ nhận rằng bài thơ trên là tác phẩm của Lý Thường Kiệt. Và trong cuộc chiến chống quân Tống lần 2, ông đã sai người đọc vang bài thơ trong đền Trương tướng quân để khích lệ tinh thần quân sĩ.
Thậm chí, nhiều bộ sách lớn thời hiện đại như Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Lịch sử văn học Việt Nam, Tổng tập văn học Việt Nam đều khẳng định Nam quốc sơn hà là bài thơ do Lý Thường Kiệt viết ra, hoặc sai người giả làm thần đọc. Từ đó dẫn đến nhiều sách báo, đền miếu, di tích văn hoá lịch sử,… đều lấy tên Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ.
Một số người ngộ nhận bài thơ trên là tác phẩm của Lý Thường Kiệt.
Sự ngộ nhận này còn phổ biến đến mức Giáo sư sử học Hà Văn Tấn phải lên tiếng: “ Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chống Tống, ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe tiếng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Nhưng đó là đoán thôi, làm sao nói chắc chắn được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt…”.
Ngoài ra gần đây, các nhà nghiên cứu đã thống nhất quan điểm bài thơ trên ra đời từ thời vua Lê Đại Hành (941 – 1005) và tiếp tục xuất hiện thời Lý Thường Kiệt sau này. Như vậy có thể khẳng định, Lý Thường Kiệt không phải tác giả bài thơ này.
Trên thực tế, hầu hết tài liệu đều chép rằng bài thơ là của Thần, do Thần ngâm đọc. Cũng chính vì nguồn gốc đó mà “Nam quốc sơn hà” được người đời ca ngợi là một bài thơ Thần.
Kỳ thực văn hóa truyền thống của người Việt xưa gắn liền với rất nhiều Thần tích huy hoàng. Từ cội nguồn “con Rồng cháu Tiên”, Lạc Long Quân diệt trừ yêu quái bảo vệ muôn dân, đến 4 vị thánh bất tử: Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Công chúa Liễu Hạnh…
Do đó chuyện 2 vị Trương Thần hiển linh, đọc thơ trợ giúp người dân chống giặc cũng không phải là điều quá khó hiểu.
Hồng Liên (t/h)