Bí ẩn hiện tượng song trùng Doppelgängers: Đâu đó trên thế giới có một bản sao của bạn đang tồn tại?
Cứ 135 người trên thế giới thì có 1 người sẽ bị nhận nhầm là người khác.
Đó là một ngày cuối năm 2016, Santana Gutierrez đang đi bộ trong Fashion Valley Mall, trung tâm thương mại ngoài trời nổi tiếng và lớn nhất tại San Diego. Trên lối dẫn đến Apple Store, cô gái 17 tuổi liên tục phải tránh những người khách bộ hành đi ngược chiều với mình.
Nhưng điều đó không ngăn được một cô gái tuổi teen thỉnh thoảng nhìn sang bên. Santana muốn để ý hình ảnh phản chiếu của mình trong gương kính của những gian hàng. Hôm nay cô quần short xanh dương, áo T – shirt khoét cổ màu đỏ đô và đeo một chiếc ba lô đen bằng vải canvas.
Santana thấy cái bóng của mình tự tin sải bước, dù nó chỉ thoắt ẩn thoắt hiện đằng sau lưng của vô số khách bộ hành lướt qua. Nhưng đột nhiên, có một thoáng chốc khiến cô gái giật mình.
Cái bóng không hẹn mà tiến lại phía Santana. Nó thay đổi trang phục, biến thành một cô gái mặc áo polo đỏ, quần jean dài tới mắt cá chân và đeo thẻ ID trước ngực. Kỳ lạ thay, cái bóng giới thiệu mình l à Isobel và đang làm việc cho Save The Children, một tổ chức thiện nguyện.
Nó thuyết trình cho Santana nghe những gì mà tổ chức này đang làm, rồi lại hỏi liệu cô có quan tâm và muốn đóng góp tài chính hoặc sức lực của mình vào đó hay không?
Nhưng Santana đã bỏ ngoài tai tất cả những gì Isobel nói. Toàn bộ sự chú ý của cô nãy giờ đã bị hút chặt vào khuôn mặt của người đối diện. Suýt chút nữa, Santana đã nhầm tưởng Isobel chính là cái bóng của mình bước ra khỏi gương.
Ngoài đời thực, họ giống nhau như hai giọt nước.
"Tất cả những gì trong đầu tôi lúc đó chỉ là: Trời ơi, cô gái này nhìn giống hệt mình", Santana nhớ lại. Isobel cũng không mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều kỳ lạ đó: "Tớ cũng đang nghĩ hệt như cậu".
Hai cô gái đã bật cười, họ chạy tới cái gương gần nhất và cùng chụp với nhau một bức ảnh kỉ niệm. Santana sau đó đã chia sẻ bức ảnh của mình lên Twitter: " Này mọi người, tớ vừa gặp được chị em sinh đôi bị thất lạc từ lâu đây này".
Câu chuyện về sự trùng hợp khiến mọi người vô cùng thích thú. " Bố mẹ cậu chắc chắn phải giải thích về chuyện này rồi" , một người bạn của Santana viết trong bình luận. Nhưng điều mà hai cô gái không ngờ là tấm ảnh của họ đã nhanh chóng được lan truyền, vượt ra khỏi vòng tròn bạn bè.
Sau tối ngày hôm đó, tweet của Santana đã nhận được tới hơn 1.000 chia sẻ. Và điều kỳ lạ nhất thậm chí bây giờ mới bắt đầu.
Gần 20.000 lượt retweet đã giúp tấm ảnh tiếp cận được với 2 cô gái nữa có khuôn mặt cũng giống với Santana và Isobel. Những cô gái mới này lại comment ảnh của mình dưới tweet của Santana. Cộng đồng mạng sau đó thậm chí còn tìm ra thêm một cô gái nữa có ngoại hình giống cả 4 người đến khó tả.
Santana lúc này đã phát hoảng. Cô đưa những tấm ảnh ra để hỏi cha mẹ mình. Nhưng cả bố và mẹ Santana đều nói rằng đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Santana không có bất kể một chị em song sinh nào. Những cô gái giống nhau cũng không phải chị em họ hay chị em ruột cùng cha khác mẹ hay ngược lại.
Vậy nếu không phải những cô gái này đã bước ra từ đa vũ trụ, thì chỉ còn một khả năng duy nhất có thể xảy ra. Cả 5 cô gái đều là những người song trùng của nhau, một hiện tượng kỳ lạ còn được gọi với cái tên Doppelgängers.
Song trùng là một từ gốc tiếng Đức, Doppelgängers ghép từ Doppel (đôi) và Gänger (người đi bộ). Nó có nghĩa là "những người cùng tồn tại, sở hữu ngoại hình giống hệt nhau nhưng không hề có quan hệ họ hàng hay huyết thống".
Theo từ điển Merriam-Webster, từ này được sử dụng lần đầu vào năm 1796 bởi nhà văn Jean Paul. Trong cuốn tiểu thuyết Siebenkäs của mình, Paul mô tả một nhân vật chính đã trao đổi thân phận với một người bạn có ngoại hình hệt giống mình.
Mặc dù từ Doppelgängers mới chỉ được sử dụng rộng rãi sau thế kỷ 18, nhiều truyền thuyết về người song trùng đã xuất hiện từ cách đây hàng nghìn năm. Trong nền văn minh Ai Cập cổ đại, họ gọi những người có ngoại hình giống hệt nhau là "ka". Những người này được coi là điềm gở vì là một linh hồn mang theo cùng một thể xác.
Với người Trung Quốc, những cặp song trùng được gọi là "ảnh tử". Trong quá khứ, những ảnh tử giống với hoàng đế còn được đem về hoàng cung. Họ được huấn luyện để đóng giả nhà vua như những kẻ thế thân, phòng trường hợp khẩn cấp hoặc khi nhà vua gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Truyền thuyết Bắc Âu thì có một thuật ngữ là "Vardøger" cũng ám chỉ người song trùng. Chuyện kể lại rằng những bản thể Vardøger thường đi trước con người một bước. Nó đến một địa điểm mà con người định đến, bắt chước ngoại hình, giọng nói, cử chỉ và cả mùi hương của họ.
Sau đó, bản thể gốc mới tới địa điểm ấy, nhưng những nhân chứng ở đó thì nói rằng họ đã gặp anh ta từ trước. Họ không hay biết đó chỉ là một Vardøger đóng giả. Vardøger trong tiếng Na Uy cũng có nghĩa là "âm thanh báo trước, hoặc hình ảnh của một người trước khi đến".
Người Scotland ở quần đảo Orkney thì có một câu chuyện kể về "trow", một sinh vật siêu nhiên thường đẻ ra những đứa con ốm yếu. Bởi vậy, khi một phụ nữ loài người hạ sinh, những người trow thường lẻn vào nhà họ, trộm những đứa trẻ khỏe mạnh và thay vào đó những đứa con của chính chúng.
"Trow" sau đó sẽ lớn lên và biến đổi thành bản sao y hệt của những đứa trẻ bị ăn trộm. Vì vậy, khi người phụ nữ có thai ở Orkney hạ sinh, họ thường được canh giữ rất cẩn thận.
Tương tự, rất nhiều thần thoại của thổ dân Châu Mỹ cũng nói đến khái niệm người song trùng. Chẳng hạn, truyền thuyết của người Hopi đề cập đến những người có ngoại hình giống nhau, coi họ như những Đứa Con của Mặt Trời và Đứa Con của Nước.
Trong văn hóa dân gian, họ cũng tin vào tính đối ngẫu giữa dương gian và âm phủ. Người Hobi quan niệm rằng bất kể điều gì xảy ra ở trần thế, thì điều ngược lại sẽ xảy ra dưới cõi âm và sự tồn tại của những người song trùng cũng vậy. Không chỉ có trong truyền thuyết, người song trùng cũng là một ý tưởng tuyệt vời cho văn học và điện ảnh hiện đại. Có thể kể vô số các tác phẩm gần đây đã góp phần giới thiệu khái niệm Doppelgängers vào sâu trong tâm trí của đại chúng.
Chẳng hạn như bộ phim Us của đạo diễn Jordan Peele năm 2019, kể về nhóm nhân vật chính bị săn đuổi bởi những bản sao Doppelgängers giống hệt mình được gọi là "the Tethering".
Ý tưởng này được vay mượn từ một câu truyện cổ Andersen, trong đó, khi con người soi bóng của mình dưới ánh đèn, cái bóng đã tách ra khỏi cơ thể và trở thành Doppelgängers.
Điều đáng nói là bản sao từ cái bóng có những phẩm chất đạo đức hoàn toàn trái ngược so với phiên bản gốc, và nó có thể giết chết chính phiên bản gốc của mình, rồi thay thế anh ta tiếp tục tồn tại.
Năm 2019, sau khi bộ phim Us được công chiếu, lượt tìm kiếm từ khóa Doppelgängers trên Google bỗng dưng tăng vọt. Những bộ phim trước đó khai thác hiện tượng này cũng được đem ra so sánh, ví dụ như Eneuve (2013) của đạo diễn Denis Villeneuve, The Double (2013) của Richard Ayoade và The Prestige (2006) của Christopher Nolan…
Các tác phẩm văn học cũng được kể tên, bao gồm The Outside (2018) của Stephen King, trong đó, những kẻ phản diện có thể sử dụng mã DNA để biến đổi thành một Doppelgängers của người khác nhờ kỹ thuật khoa học.
Mười năm trước đó, nhà văn người Mỹ gốc Do Thái Tana French cũng viết The Likeness (2008), kể về một vụ án giết người, trong đó nạn nhân và thám tử là hai bản sao Doppelgängers của nhau.
Quay lại thêm 10 năm, chúng ta có Glamorama (1998) của Bret Easton Ellis, tác phẩm châm biếm văn hóa người nổi tiếng và chủ nghĩa tiêu dùng. Victor Ward, nhân vật chính của tiểu thuyết là một diễn viên, người mẫu hạng A nhưng đã bị thay thế bởi phiên bản Doppelgängers của mình.
Điều thú vị là toàn bộ Glamorama được kể dưới góc nhìn thứ nhất của Victor. Nhưng trong một số chương, cốt truyện khá kỳ lạ khiến độc giả tới ngày nay vẫn không biết liệu có phải nó đang được kể dưới góc nhìn của bản sao Doppelgängers hay không?
Cần phải nói rằng, không ngẫu nhiên mà một hiện tượng mang màu sắc siêu nhiêu như Doppelgängers có thể đi ra từ truyền thuyết và bén rễ sâu vào văn hóa đại chúng. Điều đó chỉ có thể là kết quả của một thực tế, rằng thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay cũng đang tồn tại những cặp Doppelgängers có ngoại hình giống nhau không thể giải thích.
Và địa điểm dễ nhất tìm thấy họ nhất, không đâu khác, chính là trên các nền tảng mạng xã hội, nơi mọi người đang đăng tải hàng tỷ tấm ảnh và video chứa khuôn mặt của chính mình mỗi ngày.
Năm 2021, Swifties - cộng đồng fan hâm mộ của Taylor Swift đã rất hào hứng chia sẻ cho nhau một đoạn video TikTok , cho thấy nữ ca sĩ đang giặt đồ theo kiểu truyền thống.
Theo đó, Taylor đang giũ những chiếc áo của cô trong bồn tắm với một chai bột giặt Tide bên cạnh mình. Nhiều người sau đó đã lầm tưởng nữ ca sĩ không bao giờ dùng máy giặt. Tuy nhiên, điều họ không ngờ nhất là nhân vật trong đoạn video đó không phải Taylor.
Trên thực tế, tài khoản TikTok đăng video thuộc về Ashley Leechin, một cô gái đang làm y tá ở tiểu bang Utah. Leechin sở hữu ngoại hình giống với Taylor Swift đến nỗi con gái của cô hồi nhỏ đã ngỡ mẹ mình được lên TV. Còn những bệnh nhân ở bệnh viện, nhiều người cũng không khỏi bất ngờ khi lần đầu tiên thấy cô ấy bước vào phòng chăm sóc.
Ngay cả mẹ của Taylor Swift cũng phải công nhận Leechin giống con gái mình quá đỗi. Tất nhiên, bà cho biết họ không hề có quan hệ huyết thống nào cả. Và Leechin chỉ đơn giản là một bản sao Doppelgängers của Taylor mà thôi.
Tương tự Taylor Swift, nhiều ngôi sao nổi tiếng cũng tìm thấy đượ c phiên bản song trùng của mình nhờ internet. Có hẳn một danh sách dài hàng trăm cái tên từ Tom Cruise, Lady Gaga, Johnny Depp cho đến Justin Timberlake, Daniel Craig và Ariana Grande…
Những diễn viên, ca sĩ, cầu thủ bóng đá, chính trị gia, người dẫn chương trình nổi tiếng trên thế giới là những người hay tìm được Doppelgängers giống với họ nhất.
Bất cứ khi nào bạn tìm kiếm từ khóa "Doppelgängers" + với tên của một người nổi tiếng, bạn cũng có cơ hội tìm thấy một bản sao giống họ đến ngỡ ngàng, những người mà nếu khéo léo có thể xây dựng cho mình cả một sự nghiệp đóng thế trên Instagram hoặc TikTok .
Hãy thử điểm qua một số ví dụ:
Người dẫn chương trình nổi tiếng Steve Harvey thậm chí đã gặp và nói chuyện cùng một Doppelgängers, mặt đối mặt ngay trong chính chương trình Family Feud mà ông đang dẫn. Tên người đàn ông này là Olden Thornton, hiện đang là một mục sư.
Còn đây là trào lưu một thời tại Việt Nam: Khoe ảnh giống với các nhà văn trong sách giáo khoa.
Bây giờ, cùng quay trở lại với câu chuyện của Santana Gutierrez, cô gái tuổi teen người Mỹ đã tình cờ bắt gặp Doppelgängers của mình khi đang đi bộ trong trung tâm thương mại.
Khác với những người nổi tiếng trên truyền thông, trường hợp của Santana đặc biệt hơn, bởi cô ấy và Doppelgängers Isobel đều là những người bình thường. Cả hai lẽ ra đã sống một cuộc đời bình thường, tách biệt và không bao giờ chạm mặt nhau ngoài đời thật.
Bạn hãy tưởng tượng, nếu Barack Obama không phải tổng thống Mỹ, cơ hội mà ông ấy và Doppelgängers của mình Ilham Anas có thể gặp được nhau là bao nhiêu khi một người sống ở Mỹ còn một người ở Indonesia?
Và cả những ngôi sao nổi tiếng khác cũng vậy. Họ đã tìm thấy Doppelgängers của mình chủ yếu vì họ nổi tiếng và gương mặt của họ xuất hiện nhiều trên truyền thông.
Theo lẽ đó, thế giới thậm chí đang có nhiều cặp đôi song trùng hơn chúng ta biết. Và họ chỉ đơn giản là chưa gặp được nhau, vì chưa biết đến sự tồn tại của nhau ngoài đời thật.
Có thể, chính bạn cũng có một phiên bản Doppelgängers của riêng mình, một người đang sống đâu đó trên thế giới sở hữu khuôn mặt và đặc điểm thể chất giống bạn.
Nhưng nếu vậy, cơ hội mà bạn sẽ gặp được người đó ngoài đời là bao nhiêu?
Năm 2015, một nghiên cứu trên Tạp chí Pháp y Quốc tế đã cố gắng giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó. Nhóm tác giả dẫn đầu bởi nhà sinh vật học Teghan Lucas đến từ Đại học Adelaide, Australia đã kiểm tra 4.000 khuôn mặt trong cơ sở dữ liệu Khảo sát Nhân trắc học Hoa Kỳ (ANSUR). Đây là một hồ sơ dữ liệu được quân đội Mỹ sử dụng để theo dõi thể chất binh sĩ.
Lucas đã chọn ra 8 đặc điểm nhận diện trên khuôn mặt và tính ra xác suất hai người có 8 đặc điểm này trùng khớp với nhau một cách ngẫu nhiên, không xuất phát từ huyết thống, là 1 phần 1.000 tỷ (0,0000000001%).
Bạn không nhìn nhầm đâu, đó là một con số nhỏ đến không tưởng. 1 phần 1.000 tỷ nghĩa là nếu thế giới luôn có 8 tỷ người, chúng ta sẽ phải đợi 125 thế hệ, tương đương với khoảng 2250 năm mới có thể tìm được một người song trùng với mình.
Tính toán của Lucas cho chúng ta thấy về mặt toán học, các cặp đôi Doppelgängers hoàn toàn có thể tồn tại ngoài đời thực. Nhưng nó lại dẫn chúng ta về một khái niệm được gọi là "Định luật Con khỉ vô hạn" (Infinite monkey theorem).
Phát biểu của định luật này như sau: Nếu bạn cho một con khỉ ngồi trước một bàn phím máy tính mở sẵn trình soạn thảo văn bản, nó sẽ ấn lung tung lên bàn phím và viết ra những ký tự ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, nếu bạn có thể giữ cho con khỉ bất tử để quá trình gõ máy tính của nó diễn ra vô hạn, chắc chắn trong một khoảng thời gian nào đó, con khỉ sẽ viết ra được một tác phẩm văn học hoàn chỉnh của William Shakespeare.
Bây giờ, thử đơn giản hóa bài toán một chút, hãy tính xác suất con khỉ gõ ra được từ "Banana", nghĩa là "quả chuối". Nếu bàn phím máy tính của nó có 50 phím và các phím được nhấn độc lập ngẫu nhiên, cơ hội để chữ cái B xuất hiện là 1/50. Sau đó, xác suất xuất hiện của chữ cái "a" tiếp theo cũng là 1/50. Cứ thế đến hết, cơ hội để con khỉ gõ được chữ "Banana" là (1/50)^6 = 1/15.625.000.000.
Con số nhỏ hơn 1/15 tỷ. Nhưng rõ ràng, nó vẫn có cơ hội xảy ra phải không? Bây giờ, hãy tính thử bài toán xác suất cho vở Hamlet của William Shakespeare với 130.000 chữ cái. Thật may mắn, chúng ta không phải tính vì đã có những nhà khoa học thực hiện bài toán đó trước chúng ta.
Kết quả của họ là: Để con khỉ có xác suất 1 phần 1.000 tỷ viết được vở Hamlet, nó sẽ cần gõ máy tính liên tục từ khi Vụ nổ lớn xảy ra cho tới hiện tại, nghĩa là khoảng 14 tỷ năm, và cần sống liên tục trong 10^360.641 vũ trụ. Trong mỗi một vũ trụ kể từ vụ nổ Big Bang, một con khỉ chỉ có 1 phần 1.000 tỷ cơ hội gõ được 79 chữ cái.
Tất cả dẫn chúng ta quay lại con số 1 phần 1.000 tỷ cơ hội, mà ở đó, những mã gen ngẫu nhiên trong cơ thể bạn sẽ sắp xếp theo cách nào đó trùng khớp với một người không cùng huyết thống với mình. Như vậy, các gen này sẽ biểu hiện ra bên ngoài 8 đặc điểm khuôn mặt của bạn giống hệt với người Doppelgängers kia.
Nhưng nếu thực sự nghiên cứu của các nhà khoa học trên Tạp chí Pháp y Quốc tế là đúng, rằng chúng ta phải đợi ít nhất 2250 năm mới có thể tìm thấy một bản sao Doppelgängers giống hệt mình, thì tại sao Santana lại gặp được Isobel, Taylor Swift lại có một bản sao trên TikTok và Ilham Anas - một người đàn ông Indonesia vốn vô danh - lại có cơ hội đi vòng quanh thế giới nhờ ngoại hình giống với tổng thống Mỹ của mình?
Chúng ta tiếp tục theo dõi những gì đã xảy ra trong phần sau nghiên cứu của Teghan Lucas. Khi cô và các đồng nghiệp tại Đại học Adelaide chạy một thử nghiệm thứ hai, họ đã giảm 8 yếu tố trùng khớp trên khuôn mặt của mỗi người xuống mức vừa đủ, để các khuôn mặt tương đối giống nhau về mặt trực giác mà con người cảm nhận được, nhưng chưa đủ giống hệt để làm một máy nhận diện khuôn mặt bị nhầm lẫn.
Kỳ lạ thay, tỷ lệ xác suất một người bất kỳ tìm thấy một Doppelgängers đang sống đâu đó trên Trái Đất đã tăng từ 1 phần 1.000 tỷ lên tới 1 phần 135. Và đó thậm chí là là cơ hội mà họ có thể gặp nhau ngay trong thời đại của mình.
Con số tương đương với 0,7%, nghĩa là nếu bạn là một sinh viên đại học và trong trường bạn có khoảng 3.000 học sinh. Cơ hội để bạn gặp một bản sao của mình trong thời sinh viên sẽ là 0,2%.
Con số chưa đủ cao, nhưng nó đã có thể giải thích câu chuyện Santana Gutierrez gặp được Isobel, là bản sao song trùng của mình tại một trung tâm thương mại trong thành phố San Diego với hơn 3 triệu dân.
Vì vậy, lời giải thích cho hiện tượng song trùng Doppelgängers là trực giác của chúng ta đã sai khi nhận diện những khuôn mặt gần giống nhau. Để biết chúng ta đã sai ở đâu, hãy thử so sánh hai hình ảnh dưới đây:
Nếu chỉ từ hình ảnh thứ nhất, có thể bạn sẽ nghĩ hai cô gái Doppelgängers này giống hệt nhau như đúc. Nhưng hãy chuyển sang hình ảnh thứ hai, khi từng đặc điểm trên khuôn mặt được phân tích một cách độc lập, đột nhiên, chúng ta thấy họ đã bớt giống nhau đi một chút. Hóa ra mắt của cô gái bên trái to hơn còn môi của cô gái bên phải lại mỏng hơn.
Điều này xảy ra là bởi mỗi khi chúng ta nhìn vào khuôn mặt của ai đó, thị giác sẽ quét toàn bộ tổng thể khuôn mặt, theo thứ tự từng bộ phận như kiểu tóc, trán, mắt, mũi, miệng, cằm…
Khi có đủ một số đặc điểm giống nhau, não bộ của chúng ta sẽ bị thu hút vào các đặc điểm đó. Nó tự động trung bình hóa những sự khác biệt ở các đặc điểm còn lại. Điều này khiến chúng ta kết luận một cách vội vàng rằng hai khuôn mặt của hai người Doppelgängers là giống nhau.
Những cỗ máy nhận diện khuôn mặt thì ngược lại, chúng được lập trình để phân tích và đo đạc chính xác từng bộ phận như mắt, mũi, miệng của chúng ta một cách riêng biệt. Do đó, Doppelgängers có thể đánh lừa trực giác con người, nhưng không thể đánh lừa được máy tính.
Đây cũng là lý do tại sao các hệ thống Face ID vẫn được sử dụng trong bảo mật, và khoa học pháp y vẫn tin tưởng vào giám định khuôn mặt kẻ tình nghi tội phạm.
Bất chấp sự tồn tại của Doppelgängers, các nhà khoa học cho biết khuôn mặt của mỗi người chúng ta vẫn có tính đại diện cao ngang với vân tay và DNA. Thậm chí, khuôn mặt của chính những cặp song sinh cùng trứng cũng khác nhau, nếu họ có hành vi và lối sống khác nhau chẳng hạn như một người hút thuốc lá còn một người thì không.
Điều này đã được giải thích qua cơ chế di truyền biểu sinh (epigenetics), nói rằng cơ thể con người không chỉ được tạo nên và quyết định bởi tập hợp gen, mà còn từ các cơ chế di truyền "epigenetics", bao gồm các yếu tố môi trường như chế độ ăn, bệnh tật, lối sống đã tác động lên quá trình điều hòa DNA và bật, tắt các gen khác nhau.
Trong một cặp song sinh cùng trứng, nếu một người hút thuốc lá, các hóa chất trong quá trình hấp thụ vào cơ thể sẽ có khả năng bật một số gen khác với người anh chị em song sinh còn lại. Nếu đây là một gen quy định kiểu hình khuôn mặt, họ sẽ có vẻ bề ngoài khác biệt nhau.
Điều này cũng đúng với các các cặp song trùng Doppelgängers. Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cell Reports, các nhà khoa học đã chọn ra 32 cặp Doppelgängers để xét nghiệm DNA và phỏng vấn lối sống của họ.
Kết quả cho thấy có 16 cặp Doppelgängers có DNA giống nhau hơn 16 cặp còn lại. Những người này cũng là những người có ngoại hình giống nhau hơn, theo chấm điểm của máy tính.
Tuy nhiên, trong 16 cặp Doppelgängers giống nhau nhất, lối sống của họ vẫn khác biệt dẫn tới sự khác biệt trong hệ vi sinh vật đường ruột. Đây là một đặc điểm quan trọng chứng minh biểu sinh gen của những cặp song trùng này rất khác biệt. Và trên thực tế, họ không phải bản sao 1:1 của nhau.
Nói tóm lại, xác suất để bạn gặp một bản sao song trùng Doppelgängers hoàn hảo của mình ngoài đời thực là vô cùng nhỏ. Đó là 1 phần 1.000 tỷ lần, tương đương với việc một con khỉ viết được vở kịch Hamlet của Shakespeare trong 10^360.641 vũ trụ.
Nhưng nếu bạn thả lỏng cho trực giác của mình quyết định, sẽ có khoảng 0,7% cơ hội ở ngoài kia thực sự có một người sở hữu khuôn mặt và ngoại hình tương đối giống bạn.
Đây là người Doppelgängers, mà ai đó khi nhìn thấy sẽ nói với bạn rằng "Tôi vừa gặp một người giống hệt bạn hôm nọ" . Và đó cũng sẽ là người khiến bạn phải đứng hình trong trung tâm thương mại khi vô tình bắt gặp. Là người mà khi gặp người khác có thể chào họ với cái tên của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn thử đưa iPhone của mình ra và cho FaceID nhận diện người Doppelgängers của mình, gần như chắc chắn anh ấy hoặc cô ấy sẽ không có khả năng mở điện thoại của bạn.
Vì vậy, hiện tượng song trùng có thực hay chỉ là truyền thuyết? Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào tiêu chuẩn mà bạn đặt ra, dựa trên phép đo, những con số hay chỉ từ trực giác, thứ mà con người vốn dĩ rất dễ bị đánh lừa.