Bí ẩn giếng nước cổ giam giữ 'rồng thiêng', phun nước đen sì
Nhiều người nói giếng cổ đại này thường xuyên phát ra tiếng gầm rú đáng sợ. Nếu ai đó kéo dây xích lên, sẽ có một dòng nước đen sì phun ra từ giếng.
Ở góc đông bắc, ngã tư Bắc Tân Kiểu, Bắc Kinh, Trung Quốc, có một giếng kỳ dị được gọi là giếng Tỏa Long. Trên thành giếng buộc một sợi xích sắt lớn. Có người kể rằng giếng này thường phát ra tiếng gầm rú đáng sợ và khi ai đó kéo lên sợi xích, dòng nước đen sì sẽ phun ra từ giếng.
Người dân địa phương cho rằng giếng Tỏa Long giam giữ một con rồng cổ xưa, sợi xích dài chính là để giữ nó dưới đáy giếng. Trong thời kỳ Nhật xâm lược Trung Quốc, quân đội Nhật Bản không tin vào câu chuyện này và buộc người dân kéo sợi xích lên. Tuy nhiên, họ không thể kéo hết sợi xích ra khỏi giếng. Vì sợ sự cố xảy ra, họ buộc phải gửi lính xuống kiểm tra giếng.
Khi lính Nhật xuống giếng, đột nhiên giếng phun ra dòng nước đen kịt và tiếng rống lớn hệt như tiếng một con rồng khổng lồ. Sự sợ hãi lan tỏa, lính Nhật bỏ chạy một cách hoảng hốt, không còn cách nào khác ngoài việc đưa sợi xích sắt trở lại giếng.
Sau đó, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, các hồng vệ binh đã cố gắng khám phá giếng cổ này, nhưng họ gặp phải tình huống tương tự. Sau này, một trung tâm mua sắm được xây dựng trên vị trí của giếng Tỏa Long, và câu chuyện này dần bị lãng quên. Tuy nhiên, vào năm 2003, một sự kiện đặc biệt đã đánh thức sự quan tâm đối với nó.
Vào ngày 17/6, 'Bắc Kinh Thanh niên báo' đăng một tin tức về việc 'đào thấy một giếng cổ trên đường số 5'. Câu hỏi liệu đó có phải là giếng Tỏa Long huyền thoại hay không đang được cục di tích văn hóa xác minh. Công trường đào bị đình chỉ sau khi tin tức được đăng. Ngay cả tàu điện ngầm cũng phải đi vòng qua giếng cổ đại này.
Truyền thuyết kể rằng vào năm 1421, khi Minh Thành Tổ chính thức dời đô từ Nam Kinh về Bắc Bình (tên cũ của Bắc Kinh), ông đã phải đối mặt với nhiều trở ngại bất thường trong quá trình di dời.
Có tin đồn rằng ông đã xúc phạm một con rồng đang bảo vệ kho báu ở Bắc Bình và con rồng đã trừng phạt ông bằng một trận hồng thủy lớn. Minh Thành Tổ không sợ hãi và đã tìm đến Diêu Quảng Hiếu, một 'hắc y tể tướng' được mệnh danh là hóa thân của 'Hàng Long La Hán' để giúp ông đối phó với con rồng.
Diêu Quảng Hiếu đã giúp ông đánh bại con rồng và đưa nó vào một giếng bên cạnh cầu Bắc Tân, sau đó 'phong ấn' nó ở giếng bằng cách trói nó bằng sợi xích lớn. Để đảm bảo rồng không thoát ra, Diêu Quảng Hiếu đã xây dựng một ngôi đền có ba sảnh gần giếng để trấn áp.
Sau này, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ hiện đại để khảo sát giếng cổ này. Họ đã phát hiện ra rằng đây chỉ là một giếng nước tự nhiên, với phần đầu dưới đất kết nối với sông ngầm. Tiếng động được gọi là 'rồng gầm' thực chất là tiếng ma sát giữa sợi xích sắt và bề mặt giếng.
Một mảnh sắt có mùi tanh cũng được tìm thấy dưới giếng, nhưng không có thông tin thêm về điều này từ các nhà khoa học. Giếng Tỏa Long vẫn tồn tại đến ngày nay, với những câu chuyện kỳ lạ tiếp tục được lưu truyền.
Mời quý độc giả xem video: Kinh ngạc ngôi làng “ẩn mình dưới đáy giếng” suốt ngàn năm