Bí ẩn đằng sau thành công của Apple Store: Doanh số trên mỗi m2 bằng hẳn 1 chiếc Mẹc, 'moi tiền' khách hàng bằng trải nghiệm có 1-0-2

Chia sẻ Facebook
13/04/2022 01:23:03

Apple Store không chỉ là nơi bán lẻ sản phẩm, mà còn là một tác phẩm kiến trúc kinh điển xuyên không gian và thời gian.

Trên mạng xã hội hay lưu truyền một câu chuyện:

Một băng cướp đập vỡ kính bên ngoài Apple Store, xông vào và cướp hàng loạt sản phẩm. Ngày hôm sau, khi cửa hàng kiểm kê lại tài sản, tổng thiệt hại về sản phẩm là 31.000 USD, nhưng riêng tấm kính là 47.000 USD.

Nhiều người đùa rằng, thứ rẻ nhất trong các Apple Store là sản phẩm nằm trên kệ. Trên thực tế đây, điều này không phải không có lý.

Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới rất biết chăm chút cho cửa hàng của mình. Những bức tường kính tại Apple Store đều được đặc chế. Ngay cả ghế trong đó cũng có thể là sản phẩm của nhà thiết kế hàng đầu Phần Lan.

Steve Jobs - founder của Apple - vốn nổi tiếng là người nhiệt huyết và tỉ mỉ. Ông coi mỗi cửa hàng bán lẻ như một tác phẩm nghệ thuật, không tiếc tiền và công sức đầu tư. Do đó, chẳng có gì bất ngờ khi Apple Store trở thành chuẩn mực của ngành bán lẻ, khiến đối thủ cũng phải học theo.


Quyết tâm mở cửa hàng để tự lực cánh sinh

Ban đầu, Apple phân phối sản phẩm qua các kênh bán lẻ phổ biến như Best Buy. Tuy nhiên, thị trường lúc đó tràn ngập các sản phẩm của Microsoft. Máy tính Apple vừa đắt tiền, vừa chưa có danh tiếng, nên chỉ được bày trong một góc nhỏ heo hút tại các cửa hàng điện máy.

Steve Jobs không can tâm nhìn đứa con cưng bị phụ thuộc và ghẻ lạnh như vậy. Ông muốn tạo ra một không gian đặc biệt, nơi mà khách hàng có thể trải nghiệm sự khác biệt giữa Mac và Windows.

Năm 2001, Apple Store đầu tiên được mở tại một trung tâm mua sắm cao cấp ở Virginia. Tập đoàn này không ngại xuống tiền đầu tư, dù lúc đó họ chỉ có 2 mẫu máy tính để bàn, 2 mẫu laptop để bán.

Ngoài việc đặt Apple Store ở trung tâm thương mại cao cấp, Steve Jobs còn yêu cầu mặt bằng phải rộng ít nhất 557m2. Ông muốn khách hàng có một trải nghiệm hoàn toàn mới, không phải chen chúc trong những không gian chật hẹp như các cửa hàng điện máy truyền thống.

Apple Store không chỉ là một cửa hàng bán lẻ, mà còn là nơi để mọi người thư giãn và thả lỏng.


Từ kẻ bị chế giễu cho đến hình mẫu của thời đại

Nhiều tờ báo lớn tin rằng Apple Store không phải là một ý tưởng khả thi vào lúc đó.

"Riêng việc hoàn vốn thôi đã là một điều chỉ có trong tưởng tượng", Bloomberg Businessweek viết. "Apple sẽ phải đóng cửa trong vòng 2 năm nữa".

Trái ngược với dự đoán, Apple Store không những chẳng bị đóng cửa, mà còn mở thêm vô số địa điểm trong vòng 2-3 năm sau đó. Nó đã giành một lượng lớn khách hàng và lợi nhuận từ Best Buy - công ty đang thống trị thị trường điện máy lúc bấy giờ.

Năm 2010, Bloomberg Businessweek đã đăng một bài báo khác, thừa nhận sức ảnh hưởng của mô hình này.

"Doanh số trên mỗi 1m2 của Apple Store tương đương với một chiếc Mercedes-Benz. Đây có lẽ là cửa hàng có hiệu suất cao nhất trong lịch sử ngành bán lẻ", tờ này viết.

Theo thống kê của Fortune vào năm 2015, Apple Store đã đứng đầu trong BXH các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ. Doanh thu trên mỗi 1m2 của cửa hàng này còn cao hơn hẳn 1.000 USD so với thương hiệu xếp thứ hai - Tiffany & Co.

Steve Jobs giới thiệu sản phẩm ở Apple Store

Tính đến nay, Apple đã mở hơn 500 cửa hàng tại 25 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Doanh thu của chuỗi cửa hàng này ước tính đạt 16 tỷ USD trong năm 2021.

Apple Store không chỉ tồn tại nhờ vẻ ngoài đẹp đẽ, mà còn là đỉnh cao của chủ nghĩa tối giản và trải nghiệm được cá nhân hóa. Nhiều ông lớn khác như Tesla, Xiaomi hay McDonald’s cũng chịu ảnh hưởng từ phong cách của Apple sau này.


Bí quyết đằng sau thành công của Apple Store

Tại bất kỳ thành phố lớn nào tại Mỹ, rất khó để không nhìn thấy Apple Store. Steve Jobs đã thay đổi định kiến mọi người, biến lĩnh vực bán lẻ điện máy nhàm chán trở thành lối vào của không gian công nghệ, thậm chí thành địa điểm mang tính biểu tượng của thành phố.

Năm 2006, Apple mở cửa hàng trên Đại lộ số 5 ở Manhattan, New York (Mỹ). Hình khối tường kính theo chủ nghĩa tối giản cực độ này đã thiết lập hình mẫu cơ bản cho các Apple Store sau này.

Apple Store nằm ở Dubai Mall - khu phồn hoa bậc nhất Dubai - cũng là một điểm nhấn đặc biệt. Qua tấm kính cong khổng lồ dài 56m, khách hàng có thể nhìn thấy tháp Burj Khalifa nổi tiếng và đài phun nước của thành phố.

Ngay cả những tấm pin mặt trời cũng có thể được dùng như tường: ban ngày mở ra để chặn ánh sáng mặt trời trực tiếp, ban đêm thu lại để kết nối không gian bên trong và cả đô thị sôi động.

Được mệnh danh là Apple Store đẹp nhất châu Âu, cửa hàng tại Milan (Ý) là sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ cao, sinh thái học và văn hóa địa phương. Khoảnh khắc mọi người bước vào "lối đi bí mật" của đài phun nước bằng kính cao 8m và ngước nhìn trời xanh mây trắng quả là điều kỳ diệu hiếm có.

Ngay cả những không gian ngầm vốn không được giới bán lẻ truyền thống ưa chuộng cũng được Apple biến thành những tác phẩm nghệ thuật nổi bật.

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng giải được bài toán khó, thổi làn gió mới vào những tòa nhà xưa cũ khi xây dựng Apple Store tại Nhà ga Trung tâm New York, Thư viện Công cộng Washington và Ngân hàng Paris cổ. Apple Store trở thành một tác phẩm kiến trúc kinh điển xuyên không gian và thời gian.

Mỗi chi tiết trong cửa hàng đều do các thương hiệu lớn chế tạo. Chiếc bàn dài là phiên bản thiết kế riêng cho Apple của Fetzers - một ty gỗ lâu đời tại Mỹ. Hệ thống chiếu sáng là của ERCO - thương hiệu hàng đầu nước Đức. Ngay cả các thiết bị trong WC cũng thuộc thương hiệu cao cấp DURAVIT của Đức.

Chưa kể, chi phí bảo trì các tấm kính tại Apple Store trên Đại lộ số 5, lên tới 450.000 USD. Các phiến đá trong cửa hàng Milan đều là đá Beola xám được khai thác đặc biệt từ vùng Lombardy. Chi phí của 7.775 phiến đá rơi vào khoảng 4,7 triệu USD.

Apple quả thực rất khôn khéo khi đã kích hoạt được ấn tượng đầu tiên của khách hàng, bán hàng một cách trực quan, ngay cả khi không có quảng cáo. Họ đã biến cửa hàng thành một công cụ tiếp thị cực kỳ hiệu quả khiến khách hàng cảm thấy như những khoản tiền họ bỏ ra cho Apple xứng đáng.


Cách mạng hóa không gian bán lẻ

Việc tạo dựng không gian mới trong các đô thị, tuy dễ nổi nhưng cũng nhanh chóng bị lãng quên. Nếu Apple chỉ dùng tiền tạo ra sự mới lạ, nó sẽ không thể trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Thay vì không gian kín truyền thống, họ chọn diện tích lớn với tường kính để tạo cảm giác thoáng đãng và thân thiện. Thay vì bỏ tủ kính ngăn cách khách hàng, các sản phẩm được trưng bày trên những chiếc bàn dài, cho khách hàng tùy tý trải nghiệm.

Điều quan trọng nhất là Apple không ngừng việc nâng cấp và phát triển. Việc bán hàng trực tiếp bắt đầu đi vào thoái trào, các yếu tố tự nhiên được đưa vào đã rút ngắn khoảng cách giữa không gian thương hiệu và không gian đô thị.

Apple Store là nơi tập hợp các nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ và nhạc sĩ đẳng cấp thế giới. Nó cũng trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện truyền cảm hứng sáng tạo, trung tâm sáng tạo và kết nối, nơi hội tụ bạn bè.

Walt Disney từng nói: "Dù bạn làm gì, hãy làm nó một cách tốt nhất. Nếu bạn làm đủ tốt, mọi người sẽ muốn quay lại để xem bạn làm. Thậm chí, họ sẽ giới thiệu cho những người khác để xem bạn làm tốt như thế nào".

Tình yêu sét đánh không phải là một khái niệm chỉ áp dụng với con người.

Đôi khi, đó là một cửa hàng, một thương hiệu. Một không gian không chỉ Khi một không gian không chỉ có thể cung cấp những sản phẩm tối ưu mà còn mang đến cho khách hàng cảm giác yêu thích và thuộc về, thì không gian này có thể trở thành một thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt.


(Theo Trí Thức Trẻ, Zhihu)

Chia sẻ Facebook