Bí ẩn chùa Đồng - "Phúc địa thứ 4 của Giao Châu" nơi non thiêng Yên Tử

Chia sẻ Facebook
05/05/2022 21:37:56

Vượt qua hàng nghìn bậc đá gập ghềnh của chốn non thiêng Yên Tử, chùa Đồng sừng sững nằm giữa mây ngàn, quy tụ mối duyên lành ngàn năm của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tạo hóa ưu ái cho mảnh đất Quảng Ninh yêu thương không chỉ có vịnh Hạ Long xứng tầm thắng cảnh thiên nhiên thế giới mà nơi đây còn được mệnh danh là kinh đô của Phật pháp. Nằm sâu vào dòng chảy lịch sử, đỉnh thiêng Yên Tử lắng đọng trong huyết mạch địa linh đất Việt, được coi là "phúc địa thứ 4 của Giao Châu".

Xưa kia, Yên Tử gọi là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng) được liệt vào hàng danh sơn. Cách đây 723 năm (năm 1299), vua Trần Nhân Tông đã xây dựng nên dòng thiền Trúc Lâm dung hòa nhịp sống giữa đạo và đời. Người được kính ơn là vị Sư Tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng.

Cùng với việc xây dựng quần thể kiến trúc nhiều chùa, am, tháp và bia tượng hài hòa trong tổng thể nơi núi rừng hùng vĩ, phải chăng đó là nguồn cội dẫn dắt nơi đây thành chốn linh thiêng huyền bí, nắn gót hàng triệu phật tử tìm về gửi gắm tâm can?


"Từ bỏ ngôi vua để tu hành


Từ cái nhất thời, cái hữu danh


Vĩnh hằng vô hạn, vua tìm đến


Yên Tử trường xuân hóa đất lành."

Non thiêng Yên Tử

Nằm cách thành phố Uông Bí khoảng 20 km về phía Tây, quần thể danh thắng Yên Tử tọa lạc sừng sững một góc trời Đông Bắc. Nơi đây được mệnh danh là trái tim của Phật pháp, là chốn giao hòa của vạn vật đất trời, nơi mà hàng triệu con dân phật tử hướng về tìm con đường an yên.

"Phúc địa Giao Châu" tỏa hương mây ngàn


Từ An Nam chí lượcĐại Nam nhất thống chí , Yên Tử xa xưa có tên là Yên Sơn, được mệnh danh là "phúc địa thứ 4 của Giao Châu" và một trong 72 phúc địa nhà Đường thời Bắc thuộc. Núi Yên Tử còn được gọi là núi Voi, Tượng Sơn - bởi hình dạng cánh núi như con voi nằm phủ phục.

Chốn thiêng Yên Tử bồi đắp lên mình rất nhiều chuyện kỳ linh của các bậc hành giả. Đây cũng là nơi An Kỳ Sinh người đời Hán qua tu tiên mà đắc đạo.

Yên Tử là Linh Sơn, tức là núi thiêng. Chẳng vì vách đá cheo leo làm nên non thiêng, mà nơi đây có nhiều bậc cao tăng gửi đức tu chứng đạo. Xưa kia, trước khi vua Trần Nhân Tông chọn chốn non cao Yên Tử tu hành, Thiền sư Hiện Quang, Viên Chứng, Quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Dao,... đều lấy núi rừng Yên Tử để thường trụ.


Trước cửa chùa Yên Hoa còn có tấm bia Tháp Trường Quang khắc chữ "Thùy Thế sùng tích Linh Sơn - Trường Quang Tháp Bi" vào năm Chính Hòa thứ 8 triều Lê (1687). Điều này có nghĩa là bia tháp Trường Quang núi Linh Sơn, di tích tôn quý để lại cho hậu thế. Cho nên, "Non thiêng Yên Tử" là chốn linh có từ ngàn xưa.

Nói cách khác, nơi rừng thẳm non cao này là điểm hẹn tâm linh cho những người con thức tỉnh tìm về cội nguồn để giác ngộ chân tâm:


"Dù ai quyết chí tu hành


Có về Yên Tử, mới đành lòng tu."

Mặc dù thời đại có thay đổi, phong ba có bào mòn thì dấu tích về nơi non thiêng mà nhà vua đắc đạo vẫn miên trường bất diệt.

Dấu ấn non thiêng Yên Tử


Đến chân núi Yên Tử là suối Giải Oan uốn khúc, chảy róc rách rửa trôi mọi muộn phiền. Từ suối Giải Oan đi ngược lên là hàng tùng cổ thụ có niên đại khoảng 800 tuổi. Rễ gân già chắc, bò lan ra cả đường đi như những con trăn trườn mình thành bậc thang dẫn lối. Đến dốc Voi phục, là chùa Hoa Yên. Nơi đây tục truyền là nơi tu hành của vua. Bên cạnh là Hòn Ngọc , có nhiều tháp và mộ. Đây là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị trụ trì chùa Yên Tử.

Tương truyền, xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, hướng về cõi Phật, vô số cung nữ, phi tần đã đi theo mong nhà vua trở về nhưng không được. Họ đã đằm mình xuống suối tự vẫn. Nhà vua thương cảm cho tấm lòng chúng sinh mà lập nên một ngôi chùa để siêu độ giải oan. Từ đó ngôi chùa và con suối uốn lượn bên dưới gọi là Giải Oan Cốc.


Tiếp theo là đến Tháp Huệ Quang , nằm phía trước chùa Hoa Yên. Nơi đây cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông và lưu giữ ngọc cốt của các nhà sư từng tu hành tại Yên Tử. Quanh tháp là những cây tùng cổ xòe bóng tạo nên vẻ u trầm, cổ tịch thấp thoáng bóng hình xưa về một thời tu đạo của nhà vua.


Từ chùa Hoa Yên men theo sườn núi là tới Am Thiền Định - nơi vua Trần ngồi thiền khi xưa. Cạnh đó có con suối Ngự Dội , tương truyền nhà vua thường tắm ở nơi suối này.

Chùa Một Mái tuy nhỏ, trông đơn sơ mộc mạc nhưng ẩn chứa trong đó là cả một giá trị lịch sử to lớn. Với lối kiến trúc độc đáo tựa vào vách núi giữa lưng trời, ngôi chùa càng khiến nơi non thiêng Yên Tử thêm đặc biệt.


Cách chùa Hoa Yên về phía bên trái là chùa Một Mái . Từ độ cao này phóng tầm nhìn ra xa, vùng Đông Bắc non xanh nước biếc hiện về trong đáy mắt. Thấp thoáng vịnh Hạ Long như bức họa đồ phủ lên dòng Bạch Đằng cuộn sóng. Mỗi con dân đất Việt khi trở về cánh cung Đông Triều sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ màu nhiệm, với thuở vàng son của dân tộc. Đi thêm khoảng 500m nữa là chùa Bảo Sái . Ngôi chùa này là nơi lưu trữ kinh văn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.


Nằm trên đỉnh An Kỳ Sinh là bức tượng đúc bằng đồng nguyên khối Phật hoàng Trần Nhân Tông lớn nhất Châu Á.


Lên cao nữa là khu vực Cổng trời - Bia Phật . Nơi đây có một phiến đá trầm tích cát sỏi biển, ốc sò hóa thạch. Và cuối cùng, nằm trên đỉnh thiêng Yên Tử là chùa Đồng . Đây là ngôi chùa bằng đồng lớn nhất Châu Á, có hình dáng tựa như một bông sen.


Chùa Đồng

Sự tích chùa Đồng


Chùa Đồng, còn được gọi là Thiên Trúc tự, được xây dựng vào thế kỷ thứ XVII Hậu Lê. Thuở ban đầu, chùa chỉ là một khám nhỏ bằng đồng. Cuốn Viêm giao trưng cổ ký viết: "Chùa Đồng do nội nhân họ Trịnh xây dựng, mái lợp toàn bằng ngói đồng, đúc tượng đồng. Đến thời Cảnh Hưng nhà Lê di chỉ chùa vẫn còn." Trải qua năm tháng, mùa mưa bão thời vua Lê Cảnh Hưng vào năm 1740 đã quật ngã khám đồng, làm lật mái chùa, chỉ còn lại tàn tích là hố cột trơ trọi trên mỏm đá.

Chùa Đồng xưa kia chỉ là am thờ bằng đồng nhỏ.

Đến một ngày mùa đông năm 1930, nhờ Phật tử phát tâm công đức, chùa được tôn tạo đúc bằng đồng đặc. Khoảng sau năm 1964, chùa bị rơi xuống vách núi phía Bắc, được cho là không tìm thấy dấu tích.

Vào năm 1993, Phật tử người Việt ở Mỹ công đức tôn tạo đúc chùa bằng đồng trên nền móng cũ. Bên trong chùa thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngự đài sen, hàng dưới là Trúc Lâm Tam Tổ (Điều ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang).

Một lần nữa, vào năm 2006, chùa được đúc mới mang hình dáng đóa sen nở với trọng lượng 70 tấn. Kể từ ngày ấy đến nay, chùa Đồng vẫn là chốn thiêng mà bao du khách thập phương ao ước hành hương về chiêm bái.

Chùa Đồng nằm giữa mây ngàn Đông Bắc, hè phủ sương mù, đông phủ băng giá.

Kiến trúc chùa Đồng

Chùa Đồng Yên Tử nổi tiếng trứ danh không chỉ linh thiêng mà còn về kiến trúc độc đáo. Địa thế chùa mang hình dáng của một đóa sen khổng lồ. Mỗi phía đá là một cánh sen đang nở rộ. Chùa Đồng tọa lạc chính giữa đài sen.

Chùa hướng về phía Tây Nam, nghiêng sang hai bên, một gian hai chái mang dáng như bông sen nở. Với diện tích chế tác gần 20 m2, chiều cao nền đến nóc là 3,35m.

Bốn đầu đao của chùa là hình đầu rồng đậm phong cách kiến trúc thời Trần. Phần mái vươn ra tứ phía tạo thành hiên. Bên dưới bức vách trang trí hoa văn dải hình lá lật. Trước hiên có các lan can hình thân trúc.

Kiến trúc chùa Đồng đặc trưng với phong cách thời nhà Trần.

Trong chùa thờ tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng Thích Ca mặc áo cà sa, tọa thiền với tư thế kiết già. Ba pho tượng Tổ đều ngự trên đài sen, có trang trí hoa văn hình sen, cúc, sóng nước.

Tượng Đệ nhất Tổ (Trần Nhân Tông) mặc áo cà sa, tay úp lên hai đùi, ngồi với tư thế “cát tường tọa” mắt nhìn xuống. Tượng Đệ nhị Tổ (Pháp Loa) và Đệ tam Tổ (Huyền Quang) mặc áo cà sa, tư thế ngồi kiết già không lộ bàn chân, tay kết “định ấn”.

Cầu gì ở chùa Đồng?

Lễ hội xuân Yên Tử diễn ra hàng năm từ mùng 10 tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Người ta kháo nhau, lên được đỉnh chùa Đồng xát tiền, xát tay, cọ đầu vào chuông, khánh và cột ở chùa Đồng "lấy hên" thì cả năm làm ăn may mắn, phát tài phát lộc.

Hàng nghìn du khách thập phương đổ về ngôi chùa thiêng, trước là cầu may mắn, bình an, sau là cầu tài lộc, sự nghiệp lẫn tình duyên.

Hễ cấu kiện chùa hở ra chỗ nào, người ta nhét tiền vào chỗ đó. Chuông đồng và khánh đồng bên cạnh cũng bóng loáng theo năm tháng vì số người chà xát cầu may quá nhiều.

Nét đẹp tín ngưỡng nằm ở đức tin, việc người dân tìm về chiêm bái là mong chứng lòng thành. Tuy nhiên, ngoài việc chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết chốn u ngàn, chùa Đồng còn phải "gồng mình" gánh thêm những lần chà xát tiền bạc lẫn đồ vật, quần áo của người dân.


Tạm kết

Yên Tử là chốn sơn môn của dòng thiền Yên Tử. Đến lúc xuất gia và gửi mình vào cõi Phật, vua Trần Nhân Tông đắc pháp bởi dòng thiền này. Nơi rừng sâu non cao, mây trắng ngàn năm yên tĩnh thích hợp cho việc tu đạo. Hơn nữa, nơi đây cũng là "phúc địa" - là đất phúc địa linh của miền Bắc đất Việt.

Di họa chiến tranh khốc liệt do giặc Nguyên Mông để lại nỗi đau khôn cùng cho tất thảy dân tộc. Bởi vậy, Phật hoàng muốn dùng uy đức của mình để "tịnh hóa nhân gian", khơi dậy Phật Tính nơi con người, mong cầu muôn dân cùng nhau xây dựng đất nước hùng cường.

Là vua một nước, bỏ qua vinh hoa phú quý, vua Trần Nhân Tông phát nguyện tu hành, gửi thân xác nơi non thiêng Yên Tử để đắc pháp, mong cầu quốc thái dân an.

Từ ngàn đời nay, Yên Tử ấy vẫn là chốn non thiêng ngàn năm mây trắng, quy tụ mối duyên lành Phật hoàng phát tâm để lại. Hậu thế muôn đời dốc lòng bái thỉnh, mỗi khi hướng về nơi linh thiêng Yên Tử để thấy tấm lòng cao cả miên trường của Người để thêm yêu quê hương, đất nước.


Theo Vũ

Nhịp Sống Việt

Chia sẻ Facebook