BHXH Việt Nam: Bệnh nhân ghép thận thiếu thuốc ‘do BV Chợ Rẫy chậm đấu thầu’

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 21:30:40

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết việc bệnh nhân ghép thận phải tự túc thuốc do BHYT chi trả là do BV Chợ Rẫy đã chậm đấu thầu mua thuốc.

Đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng việc nhiều bệnh nhân ghép thận phải tự túc thuốc thuộc danh mục bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả là do Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã chậm đấu thầu mua thuốc.

Bệnh nhân Vi Văn B. (ngụ Bến Tre) được điều trị thay thế thận trong ca ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên tại Việt Nam, tháng 1/2022. (Ảnh minh họa: choray.vn)

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế quý 1/2022, tổ chức vào chiều 28/4, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam cho rằng việc  Bệnh viện Chợ Rẫy hết thuốc do BHYT chi trả cho bệnh nhân ghép thận là do bệnh viện này chậm đấu thầu mua thuốc.

Ông Phúc giải thích việc mua sắm, đấu thầu thuốc được chia làm ba cấp. Cấp quốc gia do Bộ Y tế đấu thầu tập trung một số loại thuốc theo danh mục; địa phương đấu thầu tập trung cấp tỉnh do Sở Y tế đứng ra; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy tự đấu thầu.

Những gói thầu trên 5 tỷ đồng do Bộ Y tế phê duyệt, còn dưới 5 tỷ đồng thì do bệnh viện phê duyệt nếu tự chủ tài chính.


Từ đó, ông Phúc nhận định: “Việc đấu thầu chậm thuộc trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh”.

Theo ông Phúc, khi gần hết thuốc, cơ sở khám chữa bệnh phải xây dựng kế hoạch, tổ chức đấu thầu. Theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, BHXH sẽ tham gia vào quá trình đấu thầu. BHXH Việt Nam sẽ thường xuyên lưu ý BHXH các tỉnh thành, các Sở Y tế, các bệnh viện chuẩn bị lựa chọn nhà thầu khi gói thầu cũ sắp hết hạn, xây dựng kế hoạch cho đợt thầu mới. Quá trình chuẩn bị thường kéo dài vài tháng, nếu tháng 12 hết hạn thì tháng 6 – 7 đã phải lên kế hoạch.


“Chúng tôi sẽ có chỉ đạo BHXH TP.HCM sớm phối hợp Bệnh viện Chợ Rẫy để triển khai thực hiện đấu thầu thuốc cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, tránh tình trạng thiếu thuốc, chỉ định bệnh nhân ra ngoài mua thuốc khiến việc thanh toán khó khăn, không đúng quy định”, ông Phúc nói.

Cuối tháng 4/2022, một số trang báo trong nước phản ánh tình trạng nhiều bệnh nhân ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy được thông báo “Bệnh nhân tự túc thuốc do khoa dược hết thuốc”.

Theo báo Tuổi Trẻ, những loại thuốc chống thải ghép mà Bệnh viện Chợ Rẫy đang thiếu, yêu cầu bệnh nhân ghép thận tự mua bên ngoài gồm: Advagraf 5mg, 1mg, 0,5mg; Prograf 1mg; Cellcept 500mg, 250mg. Các loại thuốc này đều thuộc danh mục BHYT thanh toán.

Những loại thuốc này có giá rất cao, như thuốc Advagraf 0,5mg 37.000 đồng/viên; 1mg 55.000 đồng/viên; 5mg 254.000 đồng/viên; thuốc Prograf 1mg 55.000 đồng/viên. Vẫn theo Tuổi Trẻ, hóa đơn của hai bệnh nhân mua tại các nhà thuốc ở quận 5 mua trong tháng 4 là 4,8 triệu đồng và 6 triệu đồng; trong khi một bệnh nhân khác cho biết lần gần nhất, người này phải chi trả hơn 10 triệu để mua 3 loại thuốc uống trong 28 ngày.

VOV dẫn lời Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết các thuốc bị chậm đều thuộc nhóm đấu thầu mua sắm thuốc quốc gia và tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân ghép thận là do thời gian chờ kết quả đấu thầu thuốc.

Bệnh viện này cho hay đang chuẩn bị hồ sơ mua sắm trực tiếp trước khoảng 20% số lượng thuốc, dự kiến sẽ có sau kỳ nghỉ 30/4 – 1/5. Số thuốc còn lại sẽ được đấu thầu rộng rãi, nhanh nhất khoảng nửa tháng sau mới có.

Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, việc thiếu thuốc đặc trị chống thải ghép thận chỉ xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy do số bệnh nhân theo dõi tại đây đông, các bệnh viện khác không gặp tình trạng này. Theo đó, giải pháp trước mắt là Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ giới thiệu bệnh nhân ghép thận thiếu thuốc sang các bệnh viện khác đang có thuốc như Bệnh viện Nhân dân 115.


Minh Sơn

4 triệu chứng ở bàn chân cho thấy thận có vấn đề

Khi thận xuất hiện vấn đề, cơ thể sẽ có những biểu hiện khác nhau. Ngoài ra, nếu trên bàn chân có 4 biểu hiện sau, cũng có thể là thận bị tổn thương.

Chia sẻ Facebook