Bhutan, quốc gia đầu tiên công khai không cần du khách, dựng rào cản phí cao ngất

Chia sẻ Facebook
16/12/2022 19:25:55

Nhằm bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn văn hóa, Bhutan không muốn đón nhiều du khách, giờ đây để có thể du lịch tại Bhutan, du khách phải trả khoản phí 200 USD/ngày, gấp 3 lần thời điểm trước dịch, và chưa bao gồm các dịch vụ như khách sạn, ăn uống, đi lại…

Điểm tham quan nổi tiếng Bhutan – tu viện Tiger Nest. (Ảnh: kuaibao)


Theo chương trình ‘ Phí phát triển bền vững’ triển khai từ tháng 9/2022, số tiền thuế ‘phát triển bền vững’ mà mỗi du khách phải đóng khi đến Bhutan đã tăng lên 200 USD/ngày từ mức 65 USD/ngày trong suốt 3 thập niên qua.

Một chuyến đi đến Bhutan thường kéo dài khoảng 7 – 10 ngày, theo đó du khách hiện nay sẽ tốn khoảng 2.000 USD (tương đương 50 triệu đồng) cho riêng khoản phí nói trên.

Trong khi cái giá cho trải nghiệm ở Bhutan (trước dịch Covid-19) đã không hề rẻ. Giá tour là 250 USD/ngày/du khách (mùa cao điểm) hoặc 200 USD/ngày (mùa thấp điểm) chưa kể tiền vé máy bay (khoảng 1.000 USD cho chuyến bay khứ hồi Bhutan – Thái Lan hoặc Bhutan – Singapore) và phí làm visa (40 USD).

Tượng Phật ngồi ở thủ đô Thimphu. (Ảnh: DAWA TSERING)


Giá từ các công ty du lịch tại Việt Nam đưa ra trước đây cho một tour đi Bhutan 5 ngày 4 đêm đã ở mức 60 triệu đồng. Và với mức phí mới hiện hành, cái giá để đến Bhutan sẽ tăng lên gấp đôi hoặc hơn. Bởi không chỉ tiền thuế ‘phát triển bền vững’ nộp cho Chính phủ Bhutan tăng gấp 3 mà các điểm đến nổi tiếng ở đây sẽ bắt đầu thu phí hoặc tăng phí.

Chính sách ‘bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa’


Theo Traveller , với khoản phí phải trả trên, Bhutan trở thành quốc gia đắt đỏ nhất thế giới, xét về thị thực (khách trả phí khi xin thị thực). Ngay cả Guinea Xích đạo, nơi thu phí du khách 800 USD cho thị thực nhập cảnh một lần cũng không thể đắt hơn Bhutan, trừ khi khách đến Bhutan trong 1 hoặc 2 ngày (điều khó có thể xảy ra).


Điều khiến du khách phải chịu trả một khoản phí cao như trên để đến Bhutan là bởi Bhutan thật sự không cần đông du khách. Mặc dù là quốc gia đang phát triển, GDP thấp nhưng Bhutan không kiếm tiền từ du lịch và ‘Phí phát triển bền vững’ được đặt ra để ngăn dòng du khách đổ về.

Bhutan bình yên và chậm rãi nằm trên dải Himalaya. (Ảnh: DAWA TSERING)


Trao đổi với Traveller, ông Lotay Tshering, Thủ tướng Bhutan cho biết, Bhutan từ lâu đã không muốn đón nhiều du khách nhằm bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn văn hóa. “Nền văn hóa của chúng tôi rất nhạy cảm và chúng tôi muốn gìn giữ theo cách này để truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Bhutan muốn bảo vệ môi trường đất nước nguyên sơ hoặc tốt hơn so với hiện tại vì trong vòng 10 năm qua đã xuống cấp. Những năm gần đây, Bhutan đã chứng kiến những tác hại của du lịch đại chúng và chúng tôi không muốn dùng du lịch để tạo doanh thu dưới mọi hình thức”.


“Chúng tôi có cách rõ ràng để bảo vệ đất nước của mình. Chúng tôi không coi du lịch là hoạt động kiếm tiền… không coi du lịch là cách để tạo thu nhập cho đất nước. Tất cả doanh thu từ ‘Phí phát triển bền vững’ được dùng tái đầu tư vào các sản phẩm du lịch. Vì vậy, khách du lịch trước trả phí thì khách du lịch đến sau được hưởng lợi” , Thủ tướng Bhutan cho biết thêm.

Theo đó, trước dịch Covid-19, gần nhưng các nước nổi tiếng về du lịch đều ở tình trạng quá tải du khách, trong đó có Bhutan. Các điểm đến như chùa chiền đã không còn sự yên tĩnh vốn có khi lần lượt các đoàn khách ghé thăm. Người dân địa phương cũng cảm thấy cuộc sống chậm rãi trước đây không còn nguyên vẹn. Áp lực từ các du khách đổ lên môi trường, con người và nét văn hoá đặc trưng Bhutan.

Đèo Dochula, một điểm đến nổi tiếng ở Bhutan. (Ảnh: DAWA TSERING)

Niềm tin Phật giáo thấm sâu vào đất nước Bhutan… (Ảnh qua deskgram.net)

Thời gian cả thế giới phải ngưng việc du lịch lại do Covid-19 đã khiến Bhutan nhận ra rằng, họ cần chất lượng hơn số lượng. Họ đã tìm ra cách giải bài toán giữa phát triển kinh tế từ du lịch và cân bằng cuộc sống thường nhật của người dân.


Với khoản phí kể trên, Bhutan tập trung vào “khách ít, giá trị cao”, mục tiêu thu hút khách thực sự muốn đến đất nước này và khách không quan tâm đến tiền.


“Việc tăng tiền thuế lên cao như vậy sẽ giúp hạn chế lượng khách đến Bhutan, nhất là khách bình dân… Thay vào đó, chúng tôi đón khách cao cấp hơn và vẫn thu được nhiều tiền” , anh Dawa Tsering (Giám đốc Công ty du lịch Bhutan Travel) cho biết.

Đất nước của hạnh phúc

Bhutan là đất nước nhỏ bé nằm sau dãy Himalaya, 70% diện tích được bao phủ bởi rừng, được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á. Thịnh vượng của đất nước này được đo bằng chỉ số hạnh phúc.

Bhutan được biết đến là quốc gia có nền văn hoá độc đáo và tín ngưỡng Phật giáo sâu sắc. Điểm đến nổi tiếng nhất của Bhutan là tu viện Tiger Nest nằm cheo leo trên vách núi đá granite cao 3.000m.

Người dân “hạnh phúc” trên đất nước “hạnh phúc”. (Ảnh qua Internet)


Khi cả thế giới đang phát cuồng với du lịch, nhất là sau thời gian bị cầm chân trong nước do Covid-19, các điểm đến trở lại tình trạng quá tải du khách, thì với Bhutan, người ta sẽ được tận hưởng rất nhiều điều khác biệt. Đó là sự yên tĩnh, trong lành từ môi trường xanh với rừng cây bao phủ. Là sự thong thả, chậm rãi ngắm nhìn cuộc sống của người dân địa phương mà không có áp lực nào về những đoàn khách ùn ùn lui tới. Là được tận hưởng một Bhutan của nét văn hoá đặc trưng, mộ đạo và hiền hòa. Những giá trị cơ bản ấy hiện đang trở nên xa xỉ trong một ngành kinh tế du lịch điên cuồng theo kiểu ‘check-in’.

Không chỉ vậy, chất lượng các loại hình dịch vụ ở Bhutan cũng phải được nâng cấp để xứng đáng với số tiền cao ngất ngưởng mà du khách phải bỏ ra. Từ tiêu chuẩn 3 sao trở lên cho các khách sạn đón khách quốc tế thì nay đang được nâng lên 4 sao. Đồ ăn thức uống cũng ở quy chuẩn cao hơn trong chế biến và trình bày.

Bhutan là quốc gia đầu tiên công khai không cần du khách bằng cách dựng lên rào cản phí cao ngất ngưởng. Nhưng chắc chắn sẽ không phải là nước cuối cùng khi du khách tăng nóng trở lại sau đại dịch Covid-19.

Nhiều du khách nghĩ họ đang đem tiền đóng góp vào các nền kinh tế trên thế giới và trao đổi văn hóa, không phải phá hoại. Du lịch là bình đẳng. Nhưng điều đó hiện không còn đúng ở Bhutan.


Xuân Hạ (t/h)

Từ Khóa :

Chia sẻ Facebook