Bernard Arnault: "Sói trong áo cashmere" và hành trình "săn mồi" giúp LVMH thành đế chế tỉ đô
VietTimes – Hàng loạt thương vụ thâu tóm kiểu "săn mồi" đầy tàn nhẫn giúp cho đế chế xa xỉ của Bernard Arnault được định giá 500 tỉ USD, và cá nhân ông trở thành người giàu nhất thế giới.
Đế chế khổng lồ mà Bernard Arnault tạo dựng sau hàng loạt các vụ thâu tóm đình đám (Ảnh: Twitter)
Bernard Arrnault, 74 tuổi, tỉ phú giàu nhất thế giới, nổi tiếng với những thương vụ thâu tóm tàn nhẫn – đến nỗi mà ông chủ của LVMH từng được đặt biệt danh là “con sói trong áo cashmere” bởi một công ty đối thủ do theo đuổi kế hoạch “săn mồi” để thâu tóm thương hiệu của công ty này.
Biệt danh này sau đó đã gắn liền với tên tuổi của ông, và cuộc chiến giành vị trí đầu bảng của Arnault – có tổng giá trị tài sản lên tới 238,7 tỉ USD, theo Forbes ngày 10/5 – về bản chất là nhờ vào khả năng “rình rập” và sau đó “nuốt chửng” những thương hiệu hàng xa xỉ mà ông nhắm tới.
Cũng nhờ vào khả năng này mà Bernard Arnault đã tạo dựng được LVMH - tập đoàn kinh doanh hàng hoá xa xỉ lớn nhất thế giới, được định giá 500 tỉ USD trong tuần kết thúc tháng 4. Đây là lần đầu tiên mà một công ty của châu Âu đạt được mức định giá khổng lồ, đặt LVMH ngang hàng với Tesla và Meta nếu xét về giá trị vốn hoá thị trường.
“Arnault là một người đàn ông có tầm nhìn vĩ đại”, Pierre Mallevays, cựu giám đốc bộ phận sáp nhập tại LVMH, từng nói với tờ Guardian. “Ông ta không hề phát minh ra các thương hiệu xa xỉ, mà phát minh ra ngành công nghiệp hàng xa xỉ”.
Từ chỗ một kỹ sư, Bernard Arnault bắt đầu tham gia kinh doanh từ lúc làm việc tại công ty của cha mình (Ảnh: Cryptoast)
Kỹ sư lấn sân sang kinh doanh
Bernard Arnault, người được nhiều người tung hô là "cha đẻ của ngành thời trang". Ông là Chủ tịch kiêm CEO của LVMH (Möet Hennessy Louis Vuitton), và cũng là một người yêu nghệ thuật, người đã hồi sinh thương hiệu Christian Dior và xây dựng một đế chế thương hiệu xa xỉ trị giá hàng tỉ USD.
Arnault vốn không được đào tạo để trở thành một thương nhân, mà theo học ngành kỹ sư. Tên đầy đủ của ông là Bernard Jean Etienne Arnault, sinh ra vào ngày 5/3/1949 ở Roubaix, miền Bắc nước Pháp. Ông theo học ở Roubaix và Lille trước khi đăng ký nhập học ở Ecole Polytechnique, Paris để theo học ngành kỹ sư. Ông tốt nghiệp năm 1971.
Sau khi tốt nghiệp, Arnault bắt đầu làm việc cho Ferret-Savinel, công ty xây dựng của cha mình. Trong vòng 3 năm, ông đã đổi tên công ty thành Férinel và chuyển đổi hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, nhanh chóng leo lên các vị trí quan trọng hơn, từ giám đốc đến chủ tịch ở tuổi 30, thay thế cho cha của mình.
Năm 1984, Arnault rời công ty Férinel để mua lại Boussac, một công ty dệt may gần như phá sản. Ông đã bán tất cả các tài sản của công ty này, chỉ giữ lại cửa hàng tạp hóa Bon Marché và nhà mốt Christian Dior, sau này trở thành khoản đầu tư thành công nhất của ông.
Sau khi hai doanh nghiệp Möet Hennessy và Louis Vuitton sáp nhập vào năm 1987, Arnault đã đứng ra làm trung gian hoà giải xung đột giữa hai bên. Với sự hậu thuẫn của hãng bia Guiness, Arnault đã trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này chỉ trong vòng 2 năm, giành được quyền kiểm soát với tư cách là chủ tịch kiêm CEO.
Arnault đã phát triển đế chế của mình lên 75 hãng, hoạt động trong 6 lĩnh vực khác nhau (Ảnh: Guardian)
Những thương vụ mua sắm đình đám
Cũng tại LVMH mà danh tiếng của “sói già” Arnault lên như diều gặp gió nhờ vào hàng loạt thương vụ đầu tư thành công.
Danh tiếng thâu tóm tàn nhẫn của Arnault bắt đầu kể từ khi ông điều hành LVMH vào năm 1989. Sau khi tiếp quản công ty, Arnault đã giúp LVMH "lột xác" với lối thiết kế sáng tạo, phá cách, trái với hình ảnh "già cỗi và vô vị" của 20 năm về trước.
Để bành trướng LVMH, ông cũng tìm mọi cách thâu tóm những thương hiệu nổi tiếng khác. Trong suốt thập niên 1990, Arnault bỏ ra hàng tỉ USD để mua lại các nhãn hàng thời trang cao cấp như Fendi, Kenzo và Thomas Pink; các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Chaumet, Zenith và TAG Heuer; các chuỗi bán lẻ như DFS và Sephora...
Arnault đã phát triển đế chế của mình lên 75 hãng, bao gồm những tên tuổi như Dior, Bvlgari, Givenchy và Loewe. Hoạt động kinh doanh đa dạng với nhiều lĩnh vực như: rượu, đồ uống có cồn; nước hoa, mỹ phẩm; thời trang, đồ da; đồng hồ, trang sức; một số lĩnh vực bán lẻ và các hoạt động khác.
Bernard Arnault có biệt danh là "con sói trong áo cashmere" sau hàng loạt thương vụ thâu tóm (Ảnh: Telegraph)
“Con sói trong áo cashmere”
Nhưng không phải thương vụ thâu tóm nào của ông cũng thành công.
Chính trong thời gian theo đuổi Hemès International, ông đã được người ta đặt cho biệt danh là “con sói trong áo cashmere”. Hemès vốn nổi tiếng với những chiếc túi xách Birkin và Kelly có giá trên trời – và độc quyền. Những sản phẩm này được bán với giá hơn 500.000 USD trên thị trường bán lại và được coi như một biểu tượng của địa vị.
Những chiếc túi này thậm chí còn được xem là khoản đầu tư. Chúng đánh bại cả thị trường chứng khoán và vàng trong những năm gần đây, và công ty này cũng được chứng minh là có đủ sức chống chịu trước đà suy giảm của nền kinh tế - khiến cho nó trở thành một mục tiêu hấp dẫn đối với Arnault.
Một chiếc túi hiệu Birkin có thể được bán với giá hàng trăm nghìn USD (Ảnh: Rally)
Nhưng Hermès không hề có ý định bán cho LVMH, và mối quan hệ giữa hai công ty ngày càng trở nên căng thẳng vào đầu những năm 2010 khi LVMH tuyên bố mua 20% cổ phần của Hermès thông qua các công ty con và hoán đổi vốn cổ phần một cách bí mật.
Tại một cuộc họp báo tổ chức vào thời điểm đó, CEO của Hermès Patrick Thomas, không ngại ngần chia sẻ quan điểm của ông về hành động của Arnault. “Nếu anh muốn quyến rũ một người phụ nữ đẹp, đừng bắt đầu bằng cách cưỡng bức cô ta từ phía sau”, Thomas nói, theo hãng tin WWD.
Vào thời điểm đó mọi chuyện vẫn chưa chắc đã thành, nhưng một nguồn tin giấu tên của LVMH nói với Guardian rằng Arnault sẵn sàng chờ đợi. “Ông ta sẽ chờ đợi, kể cả nó có kéo dài cả một hoặc hai thế hệ. Ông ta là kiểu người như vậy”, nguồn tin nói.
Năm 2001, Arnault cũng để thua đối thủ truyền kiếp là tỉ phú đồng hương François Pinault, CEO kiêm nhà sáng lập tập đoàn xa xỉ Kering của Pháp, trong một cuộc chiến pháp lý giành Gucci.
Năm 2019, phóng viên của Financial Times hỏi Arnault rằng ông có cảm thấy hối tiếc vì để lỡ mất cơ hội mua Gucci và những năm tháng đó hay không. Ông trả lời: “Tôi ghét quá khứ. Điều khiến tôi hứng thú là tương lai”.
Khả năng nhìn nhận giá trị ở mọi thứ là phẩm chất dẫn đến thành công của Bernard Arnault (Ảnh: Forbes)
Bí quyết dẫn đến thành công bền vững
Hiện nay, Bernard Arnault vẫn tiếp tục con đường thành công của mình. Các nhãn hiệu xa xỉ của ông tiếp tục phát triển ở khắp nơi trên thế giới, và công ty của ông vẫn giữ vị trí tiên phong trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo khiến người ta khó có thể cưỡng lại.
Thêm nữa, sự thành công của Arnault tiếp tục tăng lên khi nhu cầu hàng xa xỉ tăng mạnh ở các thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia ở châu Á. Và cùng với sự tăng trưởng lợi nhuận của LVMH, Arnault đã trở thành người giàu nhất thế giới.
Vậy bí quyết giúp cho Arnault có được thành công lâu dài là gì? Một trong những điểm đáng lưu ý nhất chính là con mắt nhìn chi tiết và chất lượng của ông. Đây là một kỹ năng cho phép ông nhìn ra giá trị ở những nhãn hiệu và doanh nghiệp đang có nguy cơ bị sụp đổ. Arnault cũng là một người yêu thích sự xa xỉ, thứ mà ông định nghĩa là sự kết hợp giữa chất lượng và sáng tạo.
Thêm vào đó, Arnault thường xuyên nhấn mạnh về việc đầu tư cho giá trị tiềm ẩn. Trên thực tế, Arnault từng tỏ ý ngưỡng mộ tỉ phú Warren Buffett một cách công khai. Và nếu như quan sát kỹ những thương vụ mà Arnault thực hiện, có thể thấy rằng phần lớn trong số đó liên quan tới việc sáp nhập các thương hiệu mạnh, tương tự như cách Warren Buffett đầu tư.
Như Buffett, Arnault là một người có tầm nhìn với khả năng nhìn nhận giá trị ở mọi thứ - các công ty, sản phẩm, xu hướng – mà người khác đã bỏ lỡ.
Theo Business Insider, The Strive