Bệnh viện TP.HCM quá tải vì bệnh hô hấp, bác sĩ lưu ý phát hiện sớm ca nặng

Chia sẻ Facebook
03/11/2022 09:45:21

Bệnh hô hấp ở TP.HCM đang diễn biến phức tạp cả ở người lớn và trẻ em. Cùng với những nỗ lực thăm khám, điều trị, các bệnh viện nhi và những bệnh viện tuyến cuối đã triển khai nhiều phương án để giảm tải.


Bệnh viện nhi quá tải

Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM mỗi ngày điều trị khoảng hơn 300 bệnh nhi, trong đó số bệnh nhân nặng chiếm khoảng 10%. Vài tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân tăng rất cao. Để giải quyết tình trạng quá tải, bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, như: Tăng cường một số phòng khám để tiếp nhận bệnh nhân tới khám; ban hành và thực hiện chặt chẽ các chỉ định về nhập viện để tránh trường hợp nhập viện không cần thiết.

Phụ huynh cần quan tâm là trẻ có biểu hiện khó thở như thế nào nhằm phát hiện để được điều trị sớm.

Mặc dù số ca bệnh đông, bệnh viện vẫn duy trì tỷ lệ nhập viện ở mức 5%. Đối với những trường hợp nhập viện, bác sĩ lại tiếp tục đánh giá tình trạng bệnh, nếu ở mức cho phép sẽ chỉ định điều trị ngoại trú. Với trường hợp không quá nặng, không đòi hỏi điều kiện chuyên khoa, các bác sĩ của Khoa Nội tổng quát sẽ “chia lửa” để giảm tải cho khoa Hô hấp.

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp cho biết, nếu như mọi năm, bước sang giữa tháng 11 số lượng bệnh sẽ giảm, nhưng năm nay, bệnh nhi bị các bệnh lý hô hấp vẫn còn ở mức cao. Bác sĩ Tuấn lưu ý, mức độ nặng nhẹ của bệnh không liên quan đến mức độ ho ít hay ho nhiều. Phụ huynh cần quan tâm là trẻ có biểu hiện khó thở như thế nào nhằm phát hiện để được điều trị sớm.

“Triệu chứng đầu tiên báo hiệu trẻ có khả năng bị viêm phổi là thở nhanh hơn bình thường. Đây là triệu chứng thở nhanh xuất hiện sớm nhất báo hiệu em bé bị viêm phổi, sớm hơn các cái dấu hiệu mà các bác sĩ nghe bằng ống nghe hay chụp X-quang phổi. Chỉ với đồng hồ có kim giây, các bậc cha mẹ vẫn có thể phát hiện được dấu hiệu thở nhanh của trẻ”, BS Tuấn nói.

Cũng như Bệnh viện Nhi đồng 1, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số bệnh nhi đến khám tăng dần đều trong ba tháng gần đây. Riêng tháng 9, khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 150.000 trẻ, trong đó có khoảng 50% trẻ (chủ yếu từ 6 tháng đến 3 tuổi) mắc các bệnh đường hô hấp. 5% trong số trẻ đến khám có biểu hiện nặng, phải nhập viện điều trị. Bệnh viện cũng bố trí thêm bàn khám, thời gian khám, tăng cường bác sĩ tại khoa nội trú ra khoa khám bệnh.

Còn ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhi đến khám, trong đó chủ yếu là trẻ mắc bệnh đường hô hấp như: Viêm hô hấp trên, viêm hô hấp dưới, viêm tiểu phế quản, cúm, nhiễm siêu vi đường hô hấp.... Trong một tháng gần đây, số trẻ mắc hô hấp tăng lên 50% so với trung bình những tháng trước.


Người lớn bị hô hấp trên bệnh lý nền

Sáng 1/11, tại khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định có khoảng 80 bệnh nhân đang điều trị nội trú, trong đó có một nửa số bệnh nhân thở oxy các dòng - từ thấp đến cao. Trong số này có 5 ca phải thở máy.

TS.BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp cho biết, trong khoảng thời gian 3 tuần cuối tháng 10/2022, bệnh viện tiếp nhận hơn 8.500 lượt đến khám các bệnh về hô hấp, trong đó có 12% số bệnh nhân nhập viện để điều trị. Các bệnh nhân nhập viện đa phần trong tình trạng bệnh nặng như: Suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết... phần lớn là người từ độ tuổi trung niên trở lên, mang nhiều bệnh nền từ trước. So với những năm trước COVID-19, số bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp gia tăng đáng kể. Tình hình bệnh cảnh của bệnh nhân cũng nặng hơn.

Nhiều người lớn tuổi cũng bị viêm hô hấp mức độ nặng phải thở ô xy, trên nền bệnh lý mãn tính.

Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Nhân dân Gia Định có sức chứa khoảng 60 bệnh nhân, tuy nhiên với số bệnh hiện tại là 80 bệnh nhân, khoa phải kê thêm 20 giường ở hành lang để đáp ứng số lượng điều trị nội trú. Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hương, lượng bệnh nhân đông khiến áp lực công việc của bác sĩ và điều dưỡng tăng lên. Tại đây, nhiều bệnh nhân nhập viện với tình trạng nặng, khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những trường hợp đã thở máy cả tháng nay.

“Bệnh nhân vô đây không chỉ là một bệnh. Có thể người ta bị viêm phổi nặng trên tình trạng có đái tháo đường trước đó, những bệnh phổi nền trước đó cũng không được điều trị đầy đủ, khiến cho nặng bệnh chính khiến bệnh nhân nhập viện, thứ 2 là những bệnh khác không được kiểm soát dầy đủ. Một người mà nhiều bệnh mắc cùng đồng thời quá”, BS Hương cho biết thêm.

Các bác sĩ khuyến cáo, các bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền khác như đái tháo đường, tim mạch.. cần tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ và duy trì tập luyện thể thao phù hợp. Ngoài ra cũng nên lưu ý tiêm ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn… khi đến những nơi đông người./.

Chia sẻ Facebook