Bệnh viện nói gì khi gỡ vướng mua sắm thiết bị y tế?
Trong khi nhiều bệnh viện kêu khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vật tư, thì có nhiều bệnh viện vẫn đảm bảo được nguồn hàng y tế phục vụ người bệnh.
Khó khăn trong việc mua sắm đầu tư công
Gần đây, câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế cũng trở nên nóng tại các phiên thảo luận của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng tình trạng này vẫn đang xảy ra, thậm chí tại bệnh viện lớn như Việt Đức, Nhi Trung ương… Theo đó, các bệnh viện đang nỗ lực giải quyết những khó khăn này.
Trao đổi với báo chí, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, không riêng gì ngành y tế mà nhiều ngành khác cũng đang gặp khó khăn trong việc mua sắm đầu tư công.
Hiện một ngày bệnh viện thực hiện 250-270 ca mổ phiên, hơn 30 ca mổ cấp cứu (có ngày 40 ca). Đại đa số các trường hợp chuyển lên Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật là ca mổ phức tạp, đòi hỏi rất nhiều vật tư. Bệnh viện vẫn duy trì số phòng mổ như thời điểm trước đại dịch Covid-19, 50 phòng mổ hoạt động hết công suất. "Tuy nhiên, sau dịch, số bệnh nhân đến khám tăng đột biến, đến nay vẫn chưa giảm. Thêm vào đó, các tuyến cũng có khó khăn nhất định nên chuyển bệnh nhân lên. Điều này gây áp lực rất lớn cho bệnh viện. Bệnh viện phải phân loại bệnh nhân, ưu tiên những trường hợp cấp cứu, bệnh nào có thể chờ thì chờ nên thời gian chờ mổ có thể dài hơn", ông Hùng lý giải.
Về việc bệnh viện có thiếu thuốc, vật tư y tế hay không, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, có thời điểm bệnh viện thiếu cục bộ một số chủng loại. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về việc bệnh viện có thiếu thuốc, vật tư y tế, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, có thời điểm thiếu tương đối. Theo ông, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ trước đến nay, khi các văn bản quy định ra đời đã tiềm ẩn nguy cơ lạc hậu so với thực tế. Trong giai đoạn dịch Covid-19, thực tế biến chuyển rất nhanh nên bất cập lộ ra nhanh. Các văn bản trước kia chỉ lạc hậu thì giờ thành cản trở.
Bên cạnh đó còn là các khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Lấy ví dụ thực tế tại chính đơn vị mình, ông Hùng cho biết, có nhiều gói trúng thầu sau thời gian thương thảo bệnh viện nhận được giấy của các hãng xin lùi thời gian giao hàng do lý do từ nước ngoài. "Điều này chúng ta phải chấp nhận. Tuần vừa rồi, bệnh viện nhận được giấy của 3 hãng trúng thầu xin chậm thời gian giao hàng. Trong tình huống này, chúng tôi phải cân nhắc hình thức mua sắm khác trong trường hợp đặc biệt, tìm mặt hàng thay thế để đảm bảo công tác khám chữa bệnh", ông Hùng nói.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã rất quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn trong vấn đề mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, theo ông Hùng, thực tế bao giờ cũng có độ trễ hơn so với văn bản vì để thực hiện một gói thầu nhanh cũng phải mất 4 tháng, thông thường là 5-6 tháng, có gói phải 8 tháng. Những thay đổi từ đầu năm thì giờ mới đơm hoa, mới có kết quả. Nhiều bệnh viện đã mua được máy, mua được vật tư… Hiện tại, Bệnh viện Việt Đức đảm bảo đủ thuốc, hóa chất xét nghiệm.
Không giám đốc nào muốn bị “bêu”, bị bệnh nhân phàn nàn
Trước câu hỏi có tình trạng e dè trong đấu thầu, mua sắm hay không, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thẳng thắn cho rằng, tâm lý e dè trong đấu thầu, mua sắm là có, tuy nhiên không phải vì ngại mà không mua. Cần phải làm chặt chẽ và đẩy nhanh đấu thầu mua sắm phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. "Trong thực hiện đấu thầu, mua sắm tại Bệnh viện Việt Đức, cả Ban giám đốc, các phòng ban liên quan đều phải vào cuộc. Việc xây dựng hồ sơ, tiêu chí kỹ thuật là trí tuệ tập thể, là cả Hội đồng Khoa học của bệnh viện quyết định. Trong quá trình triển khai, nếu khâu nào còn vướng mắc, băn khoăn, chúng tôi đều phải kết nối để nhờ chuyên gia tư vấn, giải đáp thêm", TS.Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, trong bối cảnh hiện nay các bệnh viện chỉ mong làm đúng, không ai muốn làm sai, cái lo nhất là mình không biết mình làm chưa đúng. Các lãnh đạo bệnh viện đều xuất phát từ người làm chuyên môn đi lên, về công tác mua sắm, đấu thầu có học thế nào thì vẫn là nghiệp dư trong khi các tình huống thầu là muôn hình vạn trạng đòi hỏi trình độ rất cao.
Bệnh viện Việt Đức cũng vận dụng hình thức mua sắm khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn khi một vật tư rất cần cho người bệnh chỉ còn 3 ngày nữa là hết mà không có vật tư nào thay thế được. Đây là quyết định của cả tập thể, không riêng một cá nhân nào.
Ông Trịnh Ngọc Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, là bệnh viện tuyến cuối, nên số bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị luôn rất đông, thời gian qua, bệnh nhi đến đây tiếp tục tăng cao. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000- 6.000 bệnh nhân, trong đó, hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Đặc biệt, bệnh viện thường xuyên có khoảng gần 100 cháu phải thở máy và 100 bé phải thở oxy, từng giây phút chống chọi với bệnh tật, bởi rất nhiều bé mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo ông Hải, để phục vụ khám bệnh và điều trị cho số lượng bệnh nhân đông như vậy, đòi hỏi phải luôn có một lượng thuốc, vật tư y tế, hóa chất… cũng rất lớn. Thế nhưng, sau đại dịch Covid-19, nguồn cung ứng nhiều mặt hàng thuốc, vật tư y tế của các nhà sản xuất cũng bị tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương. “Tuy nhiên với sự hỗ trợ từ Chính phủ cho ngành y tế thông qua việc ban hành các chính sách như Nghị quyết 30, Nghị định định 07, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế… đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. Vì thế, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhanh chóng triển khai đấu thầu, mua sắm theo hướng dẫn”, ông Trịnh Ngọc Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, Bệnh viện Nhi Trung ương đã xây dựng và ban hành quy trình đấu thầu, mua sắm riêng từng nhóm hàng hóa thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, đồng thời, thành lập Hội đồng khoa học chuyên sâu với sự tham gia của chuyên gia các khoa, phòng, trung tâm.
Giám đốc BV Trung ương Huế - ông Phạm Như Hiệp cho biết, dù mỗi ngày Bệnh viện Trung ương Huế tiếp đón bình quân khoảng 4.500 - 5.000 bệnh nhân điều trị nội trú; thực hiện từ 150 - 200 ca phẫu thuật và với trên 3.000 thủ thuật, nhu cầu về thuốc men, sinh phẩm rất lớn. Nhưng, Bệnh viện vẫn đáp ứng đủ cho người bệnh.
“Bí quyết” để bệnh viện không thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế
Bên hàng lang Quốc hội, ông Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) đã chia sẻ những “bí quyết” để Bệnh viện Trung ương Huế không bị thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh.
Theo ông Hiệp, để tháo gỡ những vướng mắc trong đấu thầu hàng hoá y tế, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp, nhằm đảm bảo phục vụ người bệnh bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đó, Bệnh viện Trung ương Huế đã vận dụng vào thực tiễn, nên đã không gặp phải cảnh thiếu thuốc, trang thiết bị như nhiều nơi.
"Trong đấu thầu, khi có kết quả thầu chúng tôi đã chuẩn bị ngay kế hoạch đấu thầu kế hoạch đợt mua sắm sắp đến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có các dự báo về tình hình bệnh nhân, trang thiết bị, kỹ thuật… Nên dù sau dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, chúng tôi cũng vẫn cơ bản đảm bảo được để phục vụ công tác khám, chữa bệnh", Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nêu dẫn chứng.
Cũng theo ông Hiệp, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp đón bình quân khoảng 4.500 - 5.000 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày; thực hiện từ 150 - 200 phẫu thuật/ngày và trên 3.000 thủ thuật/ngày… nên nhu cầu về thuốc men, sinh phẩm rất lớn.
"Với số lượng bệnh nhân như vậy, Bệnh viện vẫn cơ bản đáp ứng được gần như đầy đủ yêu cầu trong công tác khám, chữa bệnh. Trong quá trình đấu thầu cũng có thể thiếu một số mặt hàng. Tuy nhiên, khi nhận thấy điều này, Bệnh viện đã có những giải pháp như: lọc mặt hàng đó ra để đấu thầu lại; mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh… để kịp thời, nhanh chóng có được những thuốc, hóa chất, vật tư", người đứng đầu Bệnh viện Trung ương Huế cho biết.
Chia sẻ thêm về định hướng, phương án đảm bảo thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế cho thời gian tới, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: "Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu và có rất nhiều quy định của Chính phủ, Bộ Y tế nên Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện tổ chức các nhóm như: Tổ chuyên gia; tổ thẩm định nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật và chuẩn bị các hồ sơ kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật để phục vụ cho việc mua sắm, đấu thầu trong năm 2024", VOV dẫn lời ông Hiệp.
Ngoài ra, trong trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do đứt gãy nguồn cung hay do nhà cung cấp không có, Bệnh viện sẽ áp dụng sử dụng các loại thuốc, vật tư có tác dụng tương tự để thay thế.
Ngày 1/11, nêu ý kiến về tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế trên nghị trường, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh viện này trực thuộc Bộ Y tế nên được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt, chịu trách nhiệm, không bị thiếu dụng cụ, thuốc men. Khó khăn nhất hiện nay là không mua được hàng chất lượng tốt, phát triển kỹ thuật mới. Trong khi đó, bệnh viện cấp tỉnh đối mặt với khó khăn nhiều hơn vì quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào Sở Y tế, Tài chính, UBND, tình trạng "sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, hết hạn thì tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở". PGS Hiếu đề nghị cần giao trách nhiệm chính cho người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao bệnh viện quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người bệnh.
M.Vy (t/h)