Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau vướng mắc khó khăn, nợ lương nhân viên

Chia sẻ Facebook
13/07/2023 03:04:01

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau vướng mắc khó khăn, nợ lương nhân viên

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau. (Ảnh: baocamau.com.vn)

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau (Bệnh viện) hoạt động từ tháng 1/2022, có 100 giường, đầu tư gần 195 tỷ đồng. Đơn vị có 4 phòng chức năng và 7 chuyên khoa, 83 nhân viên biên chế chuyên môn và hợp đồng.

Trong thời gian đại dịch COVID-19, bệnh viện kiêm nhiệm quản lý, điều hành bệnh viện Dã chiến số 3, đến tháng 6/2022 thì chuyển đổi công năng chuyên điều trị bệnh nhân lao phổi, bệnh phổi, bệnh nhân hậu COVID-19, nhưng lượng bệnh đến khám, điều trị rất ít.

Năm 2022, bệnh viện điều trị nội trú hơn 2.300 người, ngoại trú hơn 6.500 người, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ điều trị được hơn 2.000 bệnh nhân ngoại trú, 429 bệnh nhân nội trú.

Ông Trần Hiến Khóa, Giám đốc bệnh viện cho biết có ngày bệnh viện chỉ khám khoảng 50 bệnh nhân thuộc diện bảo hiểm y tế. Nguồn thu không có, trong khi hiện tại bệnh viện cần khoảng 5,5 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên.

Bệnh viện này là bệnh viện chuyên khoa hạng ba tuyến tỉnh (tuyến hai) nên không được phân tuyến là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Vì vậy, bệnh nhân có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ngoại trú phải xin giấy chuyển viện từ bệnh viện tuyến huyện (hoặc phòng khám đa khoa).

Do nhiều cơ sở khám chữa bệnh tại tỉnh khám và điều trị được chuyên khoa bệnh phổi nên ít bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện để điều trị. Từ giữa năm 2022 đến nay, ông Khóa cho biết đã 2 lần ông phải điện thoại trực tiếp đến lãnh đạo các cơ sở y tế tuyến huyện để xin chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Lao và Phổi.

Vì lượng bệnh ít, kinh phí được giao đầu năm theo giường bệnh thấp (24 triệu đồng/giường mỗi năm) nên bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong chi lương và các hoạt động.

Bệnh viện hiện nợ hơn 572 triệu đồng tiền lương tháng 12/2022 của nhân viên. Ngoài ra, từ việc lượng bệnh nhân đến khám ít nên các dịch vụ để tăng thu nhập cho bệnh viện như bãi giữ xe, căn tin… đã 2 lần đấu thầu nhưng vẫn không có người tham gia.

Năm 2022, Sở Tài chính phải cho đơn vị tạm ứng gần 2,5 tỷ đồng vì nguồn thu của bệnh viện không đảm bảo chi lương.

Năm 2023, dự kiến tổng nguồn chi 10,7 tỷ đồng, khả năng thiếu hụt kinh phí khoảng 5,5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cần kiến nghị Trung ương sửa đổi, cho phép khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến hai (bệnh viện hạng 3 chuyên khoa tuyến tỉnh), khi bệnh nhân đến khám đúng chuyên khoa thì không cần phải có giấy chuyển viện của tuyến ba (bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa…).

Ông Luân cũng cho rằng cần xem xét bệnh viện là đơn vị có tính đặc thù để có cơ chế phân bổ kinh phí phù hợp, nhằm đảm bảo đơn vị hoạt động trong giai đoạn mới thành lập và để có lộ trình bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút bệnh nhân, từng bước tự chủ tài chính…


Ngọc Mai

Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế: ‘Bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo’

Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế… khiến bệnh nhân phải chịu đau đớn, phải tự ra ngoài mua và không được bảo hiểm y tế thanh toán.

Chia sẻ Facebook