Bệnh viện Hữu Nghị gây khó cho gia đình trong việc chăm sóc bệnh nhân

Chia sẻ Facebook
12/05/2024 08:31:19

Gần đây một sự việc xảy ra liên quan đến ngăn chặn quyền hỗ trợ chăm sóc người bệnh từ những người được uỷ quyền gây bức xúc trong dư luận.


Ngày nay, trong cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực, việc chăm sóc người thân trở thành một thách thức đối với không ít người. Uỷ quyền cho người khác chăm sóc người thân là một giải pháp được nhiều gia đình ưu tiên, lựa chọn.


Tuy nhiên, một sự cố gần đây tại Bệnh viện Hữu Nghị đã làm dấy lên nghi ngờ về quyền lợi của người thân trong việc chăm sóc bệnh nhân.


Anh Nguyễn Văn Thắng (Tên nhân vật đã được thay đổi), vì không có đủ thời gian để chăm sóc người thân một cách đầy đủ và tốt nhất nên đã uỷ quyền cho anh H.V.A (người giúp việc của gia đình) đến chăm sóc người thân tại Bệnh viện Hữu Nghị. Anh A đã có giấy phép từ khoa Thận tiết niệu - lọc máu, người đảm nhận dịch vụ hỗ trợ chăm sóc người bệnh.


Đáng nói, khi anh H.V.A đến Bệnh viện Hữu Nghị lại bị bảo vệ ngăn chặn và không cho vào trong. Lý do được bảo vệ đưa ra là có chỉ đạo từ lãnh đạo bệnh viện.

Trưởng khoa Phạm Thị Hà đã ký xác nhận cho anh H.V.A ở lại thực hiện dịch vụ hỗ trợ chăm sóc người bệnh.


Qua tìm hiểu được biết, ngày 28/12/2023, ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị đã ký thông báo số 1047 về việc chấm dứt hoạt động của người giúp việc tự phát.


Cụ thể, thông báo ghi rằng: “Từ ngày 01 tháng 02 năm 2024, cấm tuyệt đối người giúp việc tự phát (kể cả những trường hợp đã được cấp thẻ trước đây) thực hiện dịch vụ chăm nuôi người bệnh tại bệnh viện. Chỉ những nhân viên thuộc công ty cung ứng dịch vụ người giúp việc đã ký thỏa thuận hợp tác với bệnh viện mới được phép thực hiện dịch vụ chăm nuôi người bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị”.


Được biết, Công ty TNHH Dịch vụ An Care là đơn vị hợp tác với bệnh viện trên, được ký thỏa thuận hợp tác số 10/03/2023/HDDV/BVHN - AC.

Thông báo 1047 về việc chấm dứt hoạt động của người giúp việc tự phát của Bệnh viện Hữu Nghị.


Để tìm hiểu rõ vấn đề trên, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với đại diện Bệnh viện Hữu Nghị. Người này cho biết, bệnh viện đã nắm được thông tin tuy nhiên đối với những ai là thân nhân của người bệnh thì bệnh viện không hề cấm ra vào.


“Bệnh viện đang có chủ trương là có một đơn vị cung cấp dịch vụ, được pháp luật cấp phép đủ tiêu chuẩn đáp ứng dịch vụ trong bệnh viện. Do đó, phía bệnh viện thỏa thuận với họ là cung cấp dịch vụ và người giúp việc để đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện.


Bệnh viện không cấm người nhà vào chăm sóc, còn đối với những bạn giúp việc chuyên nghiệp tại bệnh viện chúng tôi đều có sổ quản lý riêng", vị này nói.


Trong khi anh Thắng đang cố gắng hết sức để đảm bảo cho người thân của mình nhận được sự chăm sóc tốt nhất thì bảo vệ Bệnh viện Hữu Nghị lại ngăn chặn, điều này đã gây ra không ít phiền toái cho người thân của bệnh nhân. Đồng thời, họ cho rằng việc uỷ quyền chăm sóc người thân cho người giúp việc của gia đình là quyền tự quyết và quyền lựa chọn hợp pháp đã được đơn vị bệnh viện đồng ý, xác nhận.


Qua sự việc trên, nhiều người đặt ra câu hỏi là tại sao Bệnh viện Hữu Nghị quyết định chỉ cho phép Công ty TNHH Dịch vụ An Care thực hiện dịch vụ chăm sóc người bệnh tại viện? Quy trình và tiêu chí để công ty này được phê duyệt làm đối tác của Bệnh viện như thế nào?


Theo quy định của pháp luật, tại Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 có quy định về thân nhân của người bệnh:


Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:


11. Thân nhân của người bệnh là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:


a) Vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể của người bệnh hoặc thành viên khác trong gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;


b) Người đại diện của người bệnh;


c) Người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không phải là người hành nghề.


12. Người đại diện của người bệnh là người thay thế cho người bệnh thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bệnh theo quy định của Luật này trong phạm vi đại diện.


Như vậy, thân nhân của người bệnh không bắt buộc phải là thành viên trong gia đình. Thân nhân của người bệnh có thể là người đại diện hoặc người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không phải là người hành nghề.


Trong thời điểm mà chăm sóc người thân đòi hỏi sự quan tâm và sự chăm sóc đầy đủ, việc ngăn chặn quyền hỗ trợ chăm sóc từ những người được uỷ quyền gây ra những lo ngại lớn. Để giải quyết vụ việc này, cần có sự minh bạch và thông tin đầy đủ từ phía bệnh viện nhằm đảm bảo quyền lợi của gia đình và người thân của bệnh nhân một cách đúng đắn và tôn trọng.


1. Bệnh viện Hữu Nghị là một bệnh viện công lập đa khoa lớn ở Hà Nội.


Tiền thân của bệnh viện là "Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô", được thành lập năm 1958. Đây là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh loại I, có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ cấp trung cao trong cơ quan dân chính Đảng ở các tính phía Bắc.


Kim Thoa

Chia sẻ Facebook