Bệnh viện công thứ 2 ở Việt Nam hoàn thành chương trình PRIME
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành chương trình PRIME. Đây là bệnh viện công thứ 2 trên cả nước hoàn thành chương trình này.
Ngày 7/12, tại Tp.Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ vinh danh bệnh viện hoàn thành chương trình PRIME. Đây là bệnh viện công thứ 2 ở Việt Nam hoàn thành chương trình này.
Chương trình PRIME là chương trình “Phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn và sai sót thuốc trong tĩnh mạch trị liệu”. Đây là chương trình do các chuyên gia JCI Hoa Kỳ xây dựng và Công ty BD tài trợ. Tại Châu Á có gần 100 bệnh viện tham gia, tuy nhiên, chỉ mới có gần 50 bệnh viện hoàn thành chương trình.
Riêng tại Việt Nam, có 2 bệnh viện công đã hoàn thành chương trình này là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong nhiều năm qua, bệnh viện luôn nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ điều trị và chăm sóc người bệnh, cập nhật các giải pháp, quy trình chăm sóc. Trong đó có quy trình liên quan đến đường truyền tĩnh mạch để đảm bảo an toàn người bệnh, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn và sai sót trong tĩnh mạch trị liệu.
“Trong 6 tháng thực hiện chương trình, bệnh viện đã nghiêm túc chỉ đạo sát sao Phòng Điều dưỡng, đội ngũ nòng cốt PRIME Leaders, PRIME Champions thực hiện chương trình. Đồng thời, thường xuyên giám sát và đôn đốc các khoa phòng cập nhật tiến độ chương trình; tham gia vào các cuộc họp với cố vấn JCI và kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ cho đội ngũ thực hiện chương trình đảm bảo hoàn thành theo đúng với hướng dẫn từ JCI. Và thực tế, đã đem lại hiệu quả an toàn, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh của bệnh viện rõ rệt”, bà Mai thông tin.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tham gia chương trình PRIME từ đầu năm 2023. Chương trình kéo dài trong hơn 6 tháng với các mục tiêu như cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cho người bệnh; nâng cao trải nghiệm của người bệnh và kết quả lâm sàng; chuẩn hóa thực hành liệu pháp tiêm truyền tĩnh mạch; cải thiện việc tuân thủ các quy trình để giảm thiểu rủi ro nhiễm khuẩn và sai sót thuốc.
Trong quá trình tham gia chương trình, các thành viên được đào tạo thực hành; hội thảo nhóm nhỏ; tham gia các lớp tập huấn tại khoa, tại giường bệnh và trực tuyến với các chuyên gia của JCI. Ngoài ra, còn nhận được sự hỗ trợ, đánh giá thường xuyên từ JCI.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có 22 khoa lâm sàng với 22 điều dưỡng trưởng và gần 300 điều dưỡng viên tham gia chương trình. Sau hơn 6 tháng tham gia, tỉ lệ các khoa tuân thủ các quy định về kiến thức và kỹ năng pha thuốc, thực hiện thuốc của điều dưỡng; quy trình tiêm, truyền dịch qua tĩnh mạch ngoại vi; đặt Cathetel tĩnh mạch trung tâm, tĩnh mạch ngoại vi; quy trình dán nhãn thuốc chống nhầm lẫn; thẩm định y lệnh thuốc; danh mục tương kỵ thuốc… do chương trình đề ra đạt trên 90%.
Châu Tường