Bệnh nhân bị trả về nhưng được bệnh viện khác cứu sống, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nói gì?

Chia sẻ Facebook
05/11/2022 17:38:18

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương báo cáo và tổ chức họp lãnh đạo bệnh viện, các khoa để làm rõ thông tin.


Theo báo cáo của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ê-kíp trực của bệnh viện có tiếp nhận người bệnh N.Đ.K. (47 tuổi) bị nhồi máu cơ tim và được Bệnh viện huyện Bình Chánh chuyển đến vào lúc 22 giờ 34 phút ngày 22/10. Trên đường chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người bệnh đã ngưng tim ngưng thở, ê kíp chuyển viện phải hồi sức tim phổi ngay trên xe cấp cứu.


Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người bệnh tiếp tục được hồi sức tim phổi nâng cao với nhiều lần sốc điện chuyển nhịp (5 lần). Sau khoảng một giờ hồi sức tích cực, tim người bệnh đập lại, huyết áp đo được. Các bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp mức độ nặng (Killip IV) có biến chứng ngưng tim ngoại viện.

Các bác sĩ đã giải thích tình trạng nặng cho người nhà, kể cả những biến chứng, di chứng có thể xảy ra do người bệnh đã ngưng tim và hồi sức kéo dài hơn 1 giờ và đề nghị cho người bệnh chụp động mạch vành và tái thông đoạn động mạch vành bị tắc nhưng người nhà người bệnh đã từ chối thực hiện và xin đưa người bệnh về.

Trên đường về người nhà thấy người bệnh có dấu hiệu cử động tay chân trở lại nên đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và người bệnh đã được can thiệp điều trị mạch vành cứu sống tại đây.

Liên quan đến thông tin do chi phí điều trị quá cao (1,8 tỷ), người nhà bệnh nhân không gánh nổi, Ban Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khẳng định chắc chắn có sự nghe nhầm của người nhà người bệnh, giá của tất cả các trường hợp can thiệp mạch vành trong nhồi máu cơ tim tại bệnh viện từ trước đến nay chỉ dao động trong khoảng 30 triệu đồng nếu có BHYT và khoảng 70 triệu nếu không có BHYT và tại bệnh viện này chưa bao giờ có kỹ thuật điều trị chuyên sâu nào mà có giá cao ngất ngưỡng như vậy.

Qua trường hợp này, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác trao đổi thông tin với người nhà người bệnh của ê kíp trực, thông tin phải chính xác, rõ ràng, nhất là khi thông tin về giá các dịch vụ kỹ thuật, và ê kíp trực cần kiên trì thuyết phục người nhà người bệnh an tâm và chấp thuận để người bệnh được tiếp tục điều trị với tinh thần "còn nước còn tát".

Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu Ban Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cần bổ sung quy trình xử lý tình huống cho những trường hợp tương tự, trong đó, khi không thuyết phục được người nhà người bệnh, trưởng ê kíp trực cần mời hội chẩn lãnh đạo bệnh viện với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa có liên quan và chuyên viên phòng xã hội của bệnh viện để có quyết định phù hợp nhất có thể.

Chia sẻ Facebook