Bệnh nhân 62 tuổi nhiễm COVID-19 được thở qua mũi tự nhiên sau 7 tháng lệ thuộc 'ống thở'
Một bệnh nhân nữ 62 tuổi ở TP.HCM bị hẹp khí quản do đeo canule suốt 7 tháng sau nhiễm COVID-19. Sẹo hẹp nặng gây bít hoàn toàn lòng khí quản một đoạn dài 5-6cm khiến bệnh nhân không thở được, phải lệ thuộc canule.
Chiều 16-5, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật nối đoạn hẹp thực quản, tháo bỏ canule (ống nhựa hỗ trợ hô hấp ) thành công cho một bệnh nhân nữ 62 tuổi (ngụ quận 8, TP.HCM).
Trước đó, vào tháng 11-2021, nữ bệnh nhân này đã mắc COVID-19 và phải nhập viện tại bệnh viện dã chiến trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê cần phải đặt nội khí quản, thở máy kéo. Sau đó, bệnh nhân được mở khí quản và cai máy thở.
Nhiều tháng sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn phải đeo canule mở khí quản ở cổ vì rút nhiều lần thất bại. Suốt 7 tháng, bệnh nhân không nói được, đồng thời đeo canule cũng kích thích đàm nhớt trong phổi. Người nhà phải mua máy hút đàm nhớt để hút mỗi ngày từ 2-3 lần dịch.
Bên cạnh hẹp khí quản do đeo canule khoảng 7 tháng, bệnh nhân còn mắc bệnh đái tháo đường, lớn tuổi nên đã làm tăng nguy cơ khiến vết thương không lành hơn người bình thường.
ThS Ngô Thế Hải - phó trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết bệnh nhân đã được cắt đoạn sẹo hẹp, nối khí quản, giúp đường thở thông thoáng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được thở thông qua mũi như người bình thường, không phải đeo canule, vết thương lành tốt.
PGS Lâm Huyền Trân - trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho hay đây là trường hợp hẹp khí quản sau đặt nội khí quản dài ngày. Sẹo hẹp nặng gây bít hoàn toàn lòng khí quản một đoạn dài 5-6cm như cái nút chai bám chặt vào đường thở. Bệnh nhân không thở được phải lệ thuộc vào canule mở khí quản. Nếu không phẫu thuật rút ống canule ra, bệnh nhân có thể phải đeo chúng suốt đời.
Cũng theo PGS Lâm Huyền Trân, bệnh nhân đeo canule thường gặp nhiều bất lợi như hạn chế trong quá trình giao tiếp, không nói được. Bệnh nhân dễ ho khạc đàm nhiều, đàm nhớt trong phổi văng ra ngoài dễ lây nhiễm, ảnh hưởng đến người khác. Bên cạnh đó còn gây bất tiện trong chăm sóc và giao tiếp cũng như trong sinh hoạt hằng ngày.
Tại khoa tai mũi họng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trung bình mỗi tháng thực hiện 1 - 2 ca phẫu thuật rút canule. Hầu như các ca đặt canule đều có thể phẫu thuật nhờ vào những tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức…
PGS Huyền Trân cho biết thêm, bình thường khi chúng ta thở qua mũi, nhờ hệ thống lông mũi, niêm mạc đường hô hấp trên lọc khí, làm ấm, làm ẩm và làm sạch vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh. Khi mở khí quản và đặt canule, vai trò của mũi và đường hô hấp trên bị hạn chế, không khí đi trực tiếp qua lỗ mở khí quản vào trong phổi. Bệnh nhân dễ mắc bệnh viêm phổi.
Việc phẫu thuật lấy ra ống canule giúp bệnh nhân thật sự quay lại cuộc sống bình thường. Bệnh nhân có thể thở qua mũi, nói chuyện được, giao tiếp được.
Mở khí quản thường do đặt nội khí quản trên bệnh nhân hôn mê, thở máy kéo dài. Đây là phương pháp điều trị tốt và hiệu quả tại thời điểm đó, giải quyết được nhiều tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân.
Ngày 12-11, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết vừa phẫu thuật thành công ca ung thư khí quản ác tính, cắt trọn khối u khí quản hiếm gặp cho bệnh nhân T.H.Q. (36 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).