Bệnh nấm đen ở những bệnh nhân COVID-19
"Bệnh nấm đen" đang là nỗi lo sợ của bệnh nhân COVID-19 khi trên thế giới đã ghi nhận những ca mắc và tử vong do căn bệnh bí ẩn này.
Trong khoảng từ đầu tháng Sáu đến trung tuần tháng Bảy vừa qua, các cơ sở y tế và bệnh viện trung ương tại các thành phố Pune, Aurangabad, Kolhapur và Ambajogai đã điều trị và phẫu thuật cho 8 bệnh nhân nhiễm nấm xâm lấn. Cả 8 ca đều là những trường hợp mới mắc bệnh nấm đen .
Bệnh Mucormycosis hay còn gọi là bệnh nấm đen, là một dạng nhiễm trùng do các sinh vật nấm gây ra. Triệu chứng phần lớn xuất phát từ các tổn thương hoại tử xâm lấn ở mũi và vòm họng, gây đau, sốt, viêm mô tế bào ổ mắt, lồi mắt và chảy mủ mũi.
Giới chức y tế Ấn Độ cho biết, biến thể Omicron và các dòng phụ của nó dù không khiến bệnh nhân COVID-19 xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng, song chúng là nguyên nhân gây nên bệnh nấm chết người. Trong một tuyên bố của Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ vào tháng Năm, các chuyên gia giải thích rằng "mọi người mắc bệnh mucormycosis khi tiếp xúc với các bào tử nấm trong môi trường đất hoặc lá phân hủy có thể tạo cơ hội để nấm phát triển trên da sau khi chúng xâm nhập vào da qua vết cắt, vết xước, vết bỏng hoặc loại chấn thương da khác.
Bệnh nấm đen rất khó chữa trị. Như các chuyên gia Ấn Độ giải thích, "việc điều trị bao gồm phẫu thuật loại bỏ tất cả các mô hoại tử và bị nhiễm trùng. Ở một số bệnh nhân, điều này đồng nghĩa là phải gọt xương hàm hoặc phẫu thuật loại bỏ bên mắt đã bị hoại tử. Việc chữa trị thường kéo dài 4-6 tuần. Bệnh nấm đen cũng có thể tái phát nếu mô bị tổn thương không được phẫu thuật cắt bỏ triệt để.
Nhưng bệnh nấm đen không chỉ xuất hiện tại Ấn Độ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết các trường hợp mắc bệnh nấm đen đang tấn công các bệnh nhân COVID-19 ở nước này. Tình trạng này là do nhiều loại nấm mọc tự nhiên thường vô hại, nhưng có thể gây bệnh ở những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, bao gồm cả bệnh nhân COVID-19.
Tất cả các bệnh nhân mắc bệnh nấm đen đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng hai tháng trước đó, và 8 trong số 10 bệnh nhân cũng mắc bệnh tiểu đường - một yếu tố nguy cơ khác được lưu ý đối với việc mắc bệnh nấm đen.
Tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Y tế, Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ nhận định: "Không có gì ngạc nhiên khi bệnh nấm đen cũng có thể tạo nên 'siêu nhiễm' ở những bệnh nhân COVID-19 bị rối loạn miễn dịch nghiêm trọng". Ông chỉ rõ rằng, các bệnh nhân chiến đấu với COVID-19 có thể đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch của họ, chẳng hạn như dexamethasone hoặc tocilizumab, và nhiều người đã bị tổn thương phổi. Điều đó khiến cơ thể họ thậm chí còn dễ bị nhiễm nấm hơn so với người bình thường.
Tỷ lệ tử vong và lây truyền
Nếu không được điều trị ngay lập tức bằng thuốc chống nấm và phẫu thuật cắt bỏ mô hoại tử, bệnh nấm đen thường gây tử vong. CDC Mỹ công bố báo cáo cho thấy khoảng 60% ca mắc nấm đen ở Mỹ xảy ra khi người bệnh đang trong thời gian nhiễm SARS-CoV-2 và 40% xảy ra sau khi bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục. Tỷ lệ tử vong trung bình do bệnh nấm đen là 54%.
Điều quan trọng là bệnh nấm đen không thể lây truyền từ người sang người, vì vậy không cần phải cách ly những người mắc bệnh này, trừ khi họ đang bị trong thời gian dương tính virus SARS-CoV-2, bởi nguồn lây nhiễm là từ các bào tử nấm trong môi trường.
Phương pháp điều trị duy nhất đối với bệnh nấm đen đã được chứng minh hiệu quả là phẫu thuật cắt bỏ mô hoại tử và dùng thuốc kháng nấm amphotericin B. Tuy nhiên, Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc điều trị trầm trọng.
Một điều quan trọng nữa là các bác sĩ nên giải quyết các nguyên nhân của việc suy giảm khả năng miễn dịch, đặc biệt là ở bệnh nhân tiểu đường và sử dụng quá nhiều corticosteroid trên nền COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm đen. Do đó, các bác sĩ cần theo dõi để duy trì lượng glucose tối ưu và chỉ sử dụng corticosteroid một cách hợp lý ở những bệnh nhân bị COVID-19.