Bệnh hô hấp ở trẻ em bùng phát: Tăng nhanh, diễn biến phức tạp
Tại nhiều lớp học ở nhiều địa phương, tình trạng trẻ mắc virus Adeno, sốt xuất huyết, cúm… đang khiến không ít phụ huynh lo lắng về nguy cơ bệnh lây lan thành ổ dịch. Lo sợ con bị nhiễm virus Adeno, nhiều gia đình đổ xô cho con đi xét nghiệm. Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định việc này là không cần thiết, gây lãng phí.
Trên nhiều nhóm lớp các phụ huynh lo ngại chia sẻ thông tin về tình trạng trẻ bị nhiễm bệnh phải nghỉ học. Phần lớn trẻ có biểu hiệu ho, sốt, sổ mũi, nôn… Tại trường mầm non Họa Mi (huyện Đông Anh, Hà Nội), chị Huyền Lê cho biết: “Nửa tháng nay, trong nhóm thông tin của lớp, ngày nào cũng có phụ huynh xin cho con nghỉ ốm. Lớp học có 24 bạn nhưng nhiều hôm chỉ một nửa số có mặt”. Trước tình hình virus Adeno đang có xu hướng tăng nhanh tại Hà Nội, giáo viên chủ nhiệm và Ban Giám hiệu Trường mầm non Họa Mi thường xuyên gửi các thông tin về bệnh như biện pháp phòng tránh, dấu hiệu nhận biết… để phụ huynh nắm thêm thông tin. Trong trường hợp trẻ ốm, nghi ngờ mắc virus Adeno, cúm A hay các loại bệnh truyền nhiễm khác, nhà trường khuyến cáo phụ huynh cho con ở nhà để phòng tránh lây lan.
Chị Hoài Anh (quận Hà Đông, Hà Nội, phụ huynh của một học sinh lớp 3) phản ánh, thời gian gần đây, lớp học của con chị không lúc nào đầy đủ. Lớp có 27 học sinh nhưng có ngày vắng 6-8 em do ho sốt, cúm B, viêm đường hô hấp… Con trai chị Hoài Anh cũng nghỉ học gần một tuần vì mắc virus Adeno. Trong lớp, có phụ huynh vì lo lắng con từng bị hen suyễn, khả năng bệnh tái phát nếu bị lây nhiễm từ bạn nên đã quyết định con nghỉ học vài ngày để nghe ngóng tình hình. Để phòng bệnh lây lan, lớp học của con chị Hoài Anh đã áp dụng 2K trở lại như thời kì dịch COVID-19 căng thẳng. Các em đeo khẩu trang thường xuyên ngay cả trong các tiết học, giáo viên và phụ huynh cũng nhắc nhở các em thực hiện khử khuẩn, không sử dụng chung đồ cá nhân, đặc biệt là cốc, bình nước.
Bà Bùi Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, nhà trường ghi nhận một số ca sốt xuất huyết do trường nằm tại khu trọng điểm của dịch. Trước đó, trường cũng có nhiều học sinh và giáo viên bị mắc cúm A.
Hà Nội: Nguy cơ dịch tấn công trường học
Nguy cơ dịch bệnh tấn công các trường học đang trở nên hiện hữu khi tình hình bệnh nhi tại Hà Nội đang gia tăng đột biến. Tại nhiều cơ sở y tế ở Hà Nội, tình trạng trẻ ùn ùn nhập viện khiến các đơn vị rơi vào quá tải cục bộ, hết giường điều trị. Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa, Phụ trách khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho hay, trước đây, bệnh viện khám trung bình từ 1.000 -1.200 bệnh nhân/ngày thì gần đây, không ngày nào dưới 1.600 bệnh nhân, cao nhất là khoảng 1.800. Nằm tại địa bàn trọng điểm sốt xuất huyết, bệnh viện đang tiếp nhận rất nhiều ca bệnh từ người lớn tới trẻ em. Trong đó có những gia đình phát hiện 3/4 người nhiễm bệnh. Khoa nhi của bệnh viện luôn trong tình trạng kín giường.
Trước nguy cơ bệnh dịch lây lan trong trường học, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở GD&ĐT tiếp tục tuyên truyền đến đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh, cha mẹ học sinh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết... Đặc biệt tại các cơ sở trường học phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.
Ngoài sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa (gồm cả cúm A, B), virus Adeno, sốt xuất huyết, bác sĩ Phạm Thị Thảo cho biết thời điểm này còn có nhiều trẻ mắc “bộ ba cơ địa dị ứng” do thời tiết giao mùa. Đây là bệnh da cơ địa, viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Riêng đối với hen phế quản, bệnh có thể tái lại nhiều lần. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn, nhân viên y tế đang phải làm việc hết công suất vì bệnh nhi nhập viện quá đông. Đơn vị này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, phải mượn thêm giường điều trị của các khoa, phòng khác để tránh tình trạng trẻ phải nằm ghép, lây nhiễm chéo. Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết virusAdeno gây bệnh trên trẻ nhỏ tiếp tục đáng lo ngại. Hà Nội đã ghi nhận 1.020 bệnh nhân dương tính với virus Adeno phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.
TPHCM: Bệnh viện quá tải
Bà N.T.Q. (58 tuổi, ngụ tại Bình Dương) đưa cháu nội đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM được chỉ định nhập viện vì viêm phổi nặng. Trao đổi với phóng viên, bà T.Q. cho biết: “Cháu tôi bị bệnh cả tuần rồi nhưng khám và điều trị ở địa phương không khỏi mà còn có biểu hiện nặng hơn. Tôi phải đưa lên TPHCM nhờ bác sĩ kiểm tra, không ngờ thằng bé đã chuyển sang giai đoạn viêm phổi nặng”.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, bé M.T.Ph. (5 tuổi, ngụ tại TPHCM) đang phải hỗ trợ thở ô xy qua mặt nạ. Thông tin từ chị Đ.B.H. cho biết, sau 2 tuần trở lại trường học bé bắt đầu có biểu hiện sốt, ho, khó thở. “Năm trước bé đã bị nhiễm COVID-19, tình trạng tuy không đến mức nặng nhưng phải 3 ngày mới hết sốt, gần 1 tuần mới hết ho. Mới đây bé mắc bệnh, tôi hỏi cô giáo thì được biết trên lớp cũng có nhiều trẻ phải nghỉ học vì bệnh. Sau 2 ngày uống thuốc, điều trị ngoại trú nhưng bệnh không thuyên giảm, tôi đưa con đến bệnh viện tái khám thì được yêu cầu nhập viện vì bé bị hen mức độ nặng”.
Trung bình mỗi ngày, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM tiếp nhận, thăm khám cho khoảng 5.000 bệnh nhi, trong đó nhiều trường hợp bệnh nặng phải nhập viện điều trị. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM. Số trẻ đến khám ngoại trú thấp hơn nhưng ghi nhận chung của các bệnh viện đang có sự gia tăng ở nhóm trẻ mắc bệnh hô hấp. Mỗi bệnh viện chỉ có khoảng hơn 200 giường bệnh hô hấp, để có đủ chỗ điều trị, các bệnh viện đã phải kê thêm giường, cho trẻ nằm ghép hoặc nằm ngoài hành lang.
Theo thống kê của các bệnh viện nhi đồng tại TPHCM, khoảng 60% trẻ bị bệnh lý hô hấp nặng phải nhập viện điều trị đến từ các tỉnh lân cận, 40% còn lại là trẻ sinh sống tại TPHCM.
Trao đổi với phóng viên TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết: “Nhiều năm qua ở miền Nam khi bước vào những tháng mùa mưa (tháng 8 đến tháng 11) thì bệnh hô hấp đều gia tăng, điều này mang tính quy luật dẫn tới quá tải các bệnh viện có chuyên khoa nhi. Năm nay, bệnh hô hấp cũng đang có xu hướng gia tăng, tuy nhiên so với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 thì mức độ quá tải chưa bằng. Hiện tại khoa đang điều trị cho 275 trẻ, trước đại dịch có ngày khoa phải điều trị hơn 500 bệnh nhân”.
Nhóm PV