Bệnh 'giết người thầm lặng', 100.000 ca mắc mỗi năm nhưng chưa được quan tâm

Chia sẻ Facebook
30/03/2022 04:41:39

Covid-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Sau cơn nguy kịch, nam bệnh nhân 28 tuổi ở Đắk Nông nhiễm lao phổi nhiều năm vẫn không hết bàng hoàng. Anh có tiền sử lao phổi nhiều năm nhưng không điều trị liên tục. Khi nhiễm Covid-19, bệnh nhân này cách ly điều trị tại nhà, đột ngột ho ra máu ồ ạt, phải chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện ổ giả phình lớn động mạch phế quản phải trong hang lao chính là nguyên nhân gây ho máu ồ ạt, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để can thiệp nội mạch cầm máu. Trong quá trình phẫu thuật, tính mạng bệnh nhân luôn bị đe dọa vì có thể chảy máu tái phát. Tuy nhiên, ca can thiệp đã thành công, không có bất kỳ biến chứng nào.

Đó là một trong số rất nhiều bệnh nhân lao nhiễm Covid-19 có diễn biến nặng, nguy kịch. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, trong đại dịch vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4, có rất nhiều người bệnh lao nhiễm Covid-19 và nhiều người đã tử vong.

Bác sĩ khám và điều trị bệnh nhân mắc bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương

“Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng”, PGS.TS Nhung nói.

Theo PGS.TS Nhung, tại Việt Nam, trong 2 năm qua, Bệnh viện Phổi trung ương cũng như hầu hết các bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi trên cả nước tích cực tham gia phòng chống dịch, hầu hết can thiệp chống lao áp dụng cho dịch bệnh Covid-19 do có những điểm tương đồng.

Chính vì vậy mà nhiều địa phương đã chuyển công năng bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị Covid-19. Điều này đã tác động hết sức nặng nề đến hoạt động chống lao trong cả nước, thậm chí làm gián đoạn, đứt gãy mạng lưới chống lao các tuyến.

Người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị và làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong.

"Vì vậy, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, Chương trình chống lao quốc gia yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống y tế phòng chống lao tại tất cả các tuyến. Tuyệt đối không chuyển đổi công năng điều trị Covid-19 vượt quá 50% số giường điều trị của các bệnh viện chuyên khoa.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tận dụng thời cơ này để tiến tới năm 2030 chấm dứt bệnh lao như mục tiêu đã đề ra. Covid-19, hậu Covid-19, bệnh lao và các bệnh truyền nhiễm khác có thể tạo phòng khám 1 cửa, để người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận, sàng lọc các bệnh liên quan", ông Nhung nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Theo báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, Việt Nam hiện vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.  Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của khoảng 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Với mong muốn vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua ảnh hưởng của bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi trung ương, Chương trình phòng chống lao quốc gia, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ quỹ.

Để ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, người dân có thể soạn tin nhắn cú pháp TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn). Thời gian bắt đầu từ nay đến ngày 20/5.

Đại diện WHO tại Việt Nam nhận định, chương trình chống lao của Việt Nam luôn đi đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh lao, liên tục chia sẻ những kinh nghiệm được nhiều nước trên thế giới học hỏi. Do đó, WHO tái khẳng định sự hỗ trợ không ngừng với Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.


Ngọc Trang

Chia sẻ Facebook