Bệnh đậu mùa khỉ được đổi tên thành "mpox"
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công bố tên mới cho bệnh đậu mùa khỉ, khuyến nghị từ nay trở đi nên gọi bệnh này là "mpox".
WHO cho biết, cả hai tên " đậu mùa khỉ " (monkeypox) và "mpox" sẽ được sử dụng đồng thời trong vòng một năm trước khi từ "monkeypox" bị loại bỏ hoàn toàn.
Tên mới đã được quyết định sau khi WHO, cơ quan giám sát sức khỏe của Liên hợp quốc, tham khảo ý kiến với "các chuyên gia toàn cầu", WHO cho biết trong một tuyên bố. WHO giải thích rằng sự thay đổi này là cần thiết vì "ngôn ngữ phân biệt chủng tộc và kỳ thị trực tuyến, trong các môi trường khác và trong một số cộng đồng đã được quan sát và báo cáo" trong bối cảnh dịch bệnh do virus đậu mùa khỉ bùng phát trên toàn cầu vào đầu năm nay.
Thuật ngữ mới được lập ra để thay thế dần tên bệnh cũ trong Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe (ICD) do WHO phát hành và cập nhật.
WHO lưu ý: "Thông thường, quá trình cập nhật ICD có thể mất vài năm. Trong trường hợp này, quá trình đã được tăng tốc, mặc dù vẫn tuân theo các bước tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thuật ngữ "monkeypox" sẽ vẫn có thể tìm kiếm được trong chỉ mục nhằm khớp với thông tin trong lịch sử".
Virus đậu mùa khỉ lần đầu tiên được xác định ở khỉ macaque vào cuối những năm 1950. Bệnh đậu mùa khỉ ở người được đặt tên từ những năm 1970, rất lâu trước khi WHO đưa ra cuốn sách hướng dẫn :thực hành tốt nhất trong việc đặt tên bệnh" được phát hành vào năm 2015.
Theo thông lệ, tên của các bệnh mới không được "gây khó chịu, phản cảm" dưới bất kỳ hình thức nào và nên được đưa ra "với mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực không cần thiết của tên bệnh đối với thương mại, du lịch hoặc phúc lợi động vật".
Trong những tháng gần đây, WHO được cho là đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Washington về thuật ngữ "bệnh đậu mùa khỉ", với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden bị cáo buộc đe dọa hành động đơn phương trừ khi WHO hành động nhanh chóng. Chính quyền Mỹ tuyên bố rằng cái tên "bệnh đậu mùa khỉ" đang cản trở các nỗ lực tiêm chủng, đặc biệt là đối với nhiều người da màu.
Căn bệnh này đã trở thành "điểm nóng" toàn cầu vào đầu năm nay sau khi hàng chục nghìn trường hợp được phát hiện ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Mặc dù về mặt kỹ thuật đây không phải là một bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng nó chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với da, niêm mạc và đã ảnh hưởng nặng nề đến những người đồng tính nam.