Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát tại châu Âu, Mỹ, khiến giới khoa học lo ngại

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 10:13:22

Bệnh đậu mùa khỉ do virus hiếm gặp gây ra hiện đã được xác nhận tại Bắc Mỹ, châu Âu và Israel. Các quan chức của Anh và Mỹ nhấn mạnh rằng các trường hợp gần đây chủ yếu là ở đàn ông tự nhận mình là đồng tính nam hoặc lưỡng tính.

Bệnh đậu mùa khỉ với các nút sần đặc trưng từng rất hiếm gặp ở bên ngoài châu Phi. (Ảnh: The Argus)

Thời gian gần đây, nhiều trường hợp mắc hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Mỹ. Phát hiện này đang gây lo lắng, vì bệnh đậu mùa chủ yếu xảy ra ở miền tây và trung châu Phi, thỉnh thoảng mới lây lan ở nơi khác.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) do một loại virus gây sốt và làm cho người bệnh bị phát ban sần sùi với 2 chủng chính:

Chủng Congo nghiêm trọng hơn, với tỷ lệ tử vong lên đến 10%.

2. Chủng Tây Phi có tỷ lệ tử vong là 1%.

Các nốt mụn trên da là dấu hiệu nhận biết điển hình của bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: CEC/Getty Images)


Giáo sư Jimmy Whitworth của trường vệ sinh và Y học nhiệt đới London cho biết: “Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và đau đầu. Người bệnh sẽ thấy lừ đừ và mệt mỏi. Họ có thể bị sưng các tuyến. Và sau đó các nốt phát ban sẽ phát triển, có dạng như mụn mủ. Và đó là thứ thường có thể lây nhiễm cho người khác”.

Con đường truyền nhiễm

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được tìm thấy ở khỉ vào năm 1958 và bệnh được đặt cùng tên, nhưng hiện nay loài gặm nhấm được xem là nguồn lây bệnh chính.

Virus lây lan qua việc tiếp xúc gần gũi, cả khi lây lan từ vật chủ động vật và giữa người với người, dù trường hợp này ít khi xảy ra. Nhưng việc lây lan bệnh thời gian qua khiến cho giới khoa học phải xem xét lại. Đó là bởi vì một số trường hợp nhiễm bệnh ở Anh không có mối liên hệ nào với nhau. Chỉ có trường hợp bệnh nhân đầu tiên được báo cáo vào ngày 06/05 gần đây có đến Nigeria (một quốc gia thuộc khu vực Tây Phi).

Các vết phát ban của một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, các quan chức của Anh và Mỹ nhấn mạnh rằng các trường hợp nhiễm bệnh gần đây chủ yếu là ở đàn ông tự nhận mình là đồng tính nam hoặc lưỡng tính.

Bệnh đậu mùa khỉ khiến các nhà virus học phải cảnh giác vì nó thuộc họ đậu mùa và đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị virus gây ra loại bệnh này.

WHO họp khẩn vì bệnh đậu mùa khỉ

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Mỹ được xác nhận vào đầu tuần này là một người đàn ông sống tại Massachusetts. Canada đã xác nhận 2 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ và 17 trường hợp khác nghi nhiễm. Bệnh truyền nhiễm hiếm gặp này cũng đã được xác nhận tại Úc.


Tại châu Âu, có ít nhất 8 quốc gia đã xác nhận có bệnh nhân mắc virus bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp. Cho đến ngày thứ Sáu (20/5), Anh Quốc đã báo cáo 20 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ và nước này cũng đã tuyên bố sự lây lan bệnh dịch này là ‘khẩn cấp’.

Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Ý cũng đều đã xác nhận có ca bệnh đậu mùa khỉ.

Israel báo cáo trường hợp đầu tiên bị bệnh đậu mùa khỉ là một người đàn ông khoảng 30 tuổi, từng đến Tây Âu. Bộ Y tế Israel ngày 19/05 cho biết, họ đang tiến hành các biện pháp thận trọng để ứng phó với sự lây lan của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, yêu cầu người dân Israel hồi hương sau khi đi nước ngoài nếu có triệu chứng sốt hoặc nổi mày đay phải báo ngay với bác sĩ.

Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày hôm qua (20/5) đã phải họp khẩn để tìm ra nguyên nhân gốc rễ khiến căn bệnh này lây lan từ Tây Phi ra nhiều lục địa khác.

Thông tin cơ bản về bệnh đậu mùa khỉ.


Vũ Tuấn (t/h)

Chia sẻ Facebook