Bệnh cúm khiến hơn 700 học sinh ở Bắc Kạn mắc phải nguy hiểm không?

Chia sẻ Facebook
29/10/2022 09:44:50

Sau sự việc khoảng 700 học sinh ở huyện chợ Đồn nghỉ học vì ho và sốt, nhiều người thắc mắc “căn bệnh các em mắc phải nguy hiểm như thế nào?”.

Từ giữa tháng 10/2022, dịch cúm xuất hiện rải rác ở một số xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn, tập trung chủ yếu là Trường Tiểu học Thị trấn Bằng Lũng.

Đến ngày 26/10, 736 học sinh phải nghỉ học do ốm, sốt, trong đó 109 em phải vào Trung tâm Y tế huyện điều trị; đến ngày 27/10 còn 667 học sinh phải nghỉ học vì dịch, trong đó đến 12h cùng ngày còn 70 bệnh nhi và không có bệnh nhân nào có biểu hiện nặng.

Dịch tập trung chủ yếu tại Trường Mầm non, Tiểu học thị trấn Bằng Lũng, Trường PT Dân tộc Nội trú huyện Chợ đồn. Trước đó, ngày 25/10/2022 có 01 trường hợp là bé gái 08 tuổi tử vong.

Chẩn đoán lúc tử vong: Ngừng tuần hoàn. Biểu hiện lâm sàng của ca bệnh đều có: Sốt, nhiệt độ 38,5 độ C – 40 độ C, ho, đau họng, người mệt mỏi, không đau tức ngực, không khó thở, không xuất huyết dưới da.

Bàn về sự việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn Vi Duy Tuyến cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy dịch bệnh trên học sinh tại Chợ Đồn là dịch cúm B.

Trao đổi với PV, BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, thành viên chủ chốt "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà" cho hay, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành ở các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa gồm: sốt đột ngột, ho, đau đầu, đau cơ và khớp kèm theo mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi.

Ổ dịch cúm B khiến 700 em học sinh huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) nhiễm bệnh đã được kiểm soát. Ảnh: Việt Bắc.


Bệnh cúm mùa có nguyên nhân là virus cúm (influenza virus), thường do ba chủng virus cúm A, B, C gây ra. Ở người phổ biến nhất là hai chủng A và B, mỗi chủng lại có nhiều type khác nhau. Cúm mùa xảy ra quanh năm, nhất là thời điểm khi thời tiết trở lạnh, nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời sẽ gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương.


Cách điều trị cúm mùa: nếu sốt thì uống hạ sốt, bù điện giải, theo dõi nhiệt độ cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng…


Phân biệt cúm mùa và cảm lạnh:


Theo BS. Huy Hoàng, dù là cảm lạnh thông thường, cúm mùa hay mắc Covid-19 thì bệnh nhân cũng đều có:

- Các triệu chứng về viêm đường hô hấp như: hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho khan, rát họng, đau họng khi nuốt…

- Các triệu chứng toàn thân do do nhiễm virus như: sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ khớp, xung huyết da.

- Một số bệnh nhân có thể có các triệu chứng về tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, đau bụng, đi lỏng…

Điểm khác nhau giữa cảm lạnh thông thường và cúm mùa hay mắc Covid-19 là nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng (suy hô hấp, suy gan, suy thận, suy tim), viêm não, phù não…


Những lưu ý phòng tránh cảm cúm cho trẻ:

Cúm mùa có thể phòng chống bằng cách tiêm vắc-xin, nhưng vắc-xin này không bền vững, và các chủng cúm gây bệnh cũng thay đổi hàng năm. Cứ mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đưa ra dự báo về chủng cúm mới, và vắc-xin cúm mùa thường được sản xuất dựa trên dự báo đó để phù hợp với các chủng gây bệnh đang lưu hành. Mọi người nên tiêm nhắc lại vắc-xin cúm, vì sự an toàn và có hiệu quả phòng bệnh cao.

Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý; tích cực vận động nhẹ nhàng theo sức của mình; tham gia các hoạt động ngoài trời; kiểm soát tốt stress, có đời sống tinh thần thoải mái, vui vẻ.

Bên cạnh việc tăng cường vận động, tiêm phòng cúm, BS. Huy Hoàng khuyến cáo, có thể dùng thêm một số loại thuốc hỗ trợ như: các loại bổ phế nguồn gốc thảo dược, các thuốc tăng cường miễn dịch…

Về thảo dược, nếu không có chống chỉ định thì nên dùng mật ong. Việc kết hợp mật ong và các loại thảo dược, gia vị như chanh/sả, gừng/tỏi… sẽ giúp nâng cao sức khoẻ của đường hô hấp.

Cùng với đó, nên vận động nhiều ở vùng cổ, vai để các mạch máu ở cổ họng lưu thông tốt hơn. Khi đó, khả năng chống chọi với cảm lạnh, cúm mùa cũng sẽ cao hơn.

Ngoài ra, cần giữ ấm vùng cổ, họng; súc miệng bằng nước muối sinh lý, sử dụng các dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp.


Thanh Lam

Chia sẻ Facebook