Bệnh cúm A năm nay diễn biến bất thường, khó phân biệt với COVID-19
Những ngày gần đây, tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, số bệnh nhân mắc cúm A nhập viện gia tăng trong đó đã xuất hiện các trường hợp nặng, suy hô hấp.
Tại bệnh viện Thanh Nhàn, 2 tuần qua, mỗi ngày có hơn 60 trường hợp người lớn có kết quả xét nghiệm là cúm A. Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, về chăm sóc tại nhà. Chỉ khoảng 1/5 phải nhập viện điều trị do có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi.
Không chỉ với người lớn, số trẻ nhỏ mắc cúm A cũng tăng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 trẻ được xác định mắc cúm A khi vào viện khám. Trong đó, 10 trường hợp vào điều trị, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Thông thường, bệnh cúm A tăng mạnh ở phía Bắc vào mùa đông xuân (tháng 3, 4) và mùa thu đông (tháng 9, 10) hàng năm. Tuy nhiên năm nay, dịch bắt đầu bùng phát mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, diễn biến khá bất thường, biểu hiện dịch bùng trái mùa…
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: "Nếu tính số lượng trong tháng 6-7, chúng tôi thấy tăng so với bình thường. Bệnh cúm thường xảy ra vào tháng 10-11 hoặc đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với số liệu của năm 2019, 2020, số lượng bệnh nhân cúm của chúng tôi phải nhập viện khoảng hơn 3.000 bệnh nhân trong khi đó, số liệu thống kê trong 6 tháng, chúng tôi có khoảng hơn 200 bệnh nhân và đặc biệt trong tháng 6, 7. Với trường hợp này, chúng tôi thấy cũng có xu hướng tăng và bất thường".
Về mức độ lây nhiễm của cúm A so với virus SARS-CoV-2, bác sĩ Cao Việt Tùng cho biết hiện chưa thể so sánh được về mức độ lây nhiễm. Cũng theo bác sĩ Tùng, cả COVID-19 và bệnh cúm mùa đều có thể có triệu chứng chung như sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau mỏi người.
"Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm về lâm sàng, thông thường những trường hợp nhiễm cúm A thì triệu chứng viêm đường hô hấp nhiều hơn, sốt, chảy nước mũi và ho, đau người. Nếu chỉ dựa trên các triệu chứng để phân biệt cúm và COVID-19 tương đối khó. Bản chất khi con người nhiễm cúm thường có những triệu chứng không đặc hiệu".
Để chủ động kiểm soát, phòng ngừa bệnh cúm mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa đề nghị các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh.
Còn về phòng bệnh, quan trọng vẫn là sát khuẩn, rửa tay sạch, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc kháng virus (như Tamiflu). Thuốc này phải có chỉ định của bác sỹ.