Bến xe Miền Đông mới vắng khách: Không thể kéo dài sự lãng phí!
Mỗi ngày khoảng 65 hành khách trên 9 chuyến xe đường dài xuất phát từ bến xe Miền Đông mới, trung bình chỉ 7 khách/xe. Nghịch lý nói trên sẽ tiếp tục kéo dài, nếu thiếu những động thái quyết liệt và đồng bộ của các ngành chức năng.
Một lãng phí quá lớn ở bến xe rộng 16ha, được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại.
Một bước lên xe khách
Tâm lý chung của hành khách là ai cũng muốn được rút ngắn thời gian và chi phí di chuyển đến xe. Ai cũng thích lên xe tại những địa điểm thuận tiện nhất với nơi cư trú. Gọi điện trước đặt xe "quen", có thể được xe trung chuyển đón tận nhà hoặc gần đến giờ chỉ việc ra điểm hẹn. Điểm hẹn có thể là cây xăng, mảnh đất trống, một trạm xe buýt... và khách cứ ung dung lên xe theo số ghế đã được chọn từ trước. Đi xa về có khi được đưa về tận nhà, không cần chờ người thân đi đón. Những tiện lợi đã thu hút nhiều khách chọn cách này. Và bến xe mới vẫn đìu hiu.
Đi xe buýt đến bến xe dĩ nhiên rẻ hơn và an toàn nhưng bất tiện với mớ đồ đạc lỉnh kỉnh, thậm chí "nặng mùi", nên nhà gần bến xe mới hành khách vẫn không vào bến. Nếu vẫn theo thói quen này, dù sắp tới có thêm tuyến metro, hành khách vẫn đủ lý do không vào bến.
Bến xe Miền Đông mới nằm tại Thủ Đức, nơi có số lượng công nhân, sinh viên cư trú đông nhất nhì ở TP.HCM. Vậy nhưng vẫn hiếm người đến đây để về quê. Một khi chưa tạo nên những yếu tố hấp dẫn, thuận tiện sẽ chưa thể cạnh tranh được với lời chào mời, kèm nhiều "chế độ ưu đãi" từ những nhà xe bên ngoài.
Chi phí chuyến đi luôn được người túi tiền khiêm tốn đặc biệt quan tâm. Chất lượng xe giường nằm tương đương nhau, nên "ở đâu rẻ hơn thì tôi đi". Phân khúc khách hàng "cao cấp" hơn có các hãng xe thương hiệu với xe trung chuyển đủ sức "phủ sóng" khắp thành phố sẵn sàng đón thượng đế hoàn toàn miễn phí. Các nhà chờ có ghế ngồi lịch sự, có nơi có khăn lạnh, nước uống trước khi lên xe. Đưa đón tận nơi, người dân một bước lên xe ai mà chẳng thích!
Những việc "cần làm ngay"
Không phải "có mới nới cũ", nhưng một khi đã đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động rất cần khẩn trương chuyển đổi công năng của bến xe cũ. Việc này sớm muộn gì cũng sẽ làm. Xa cảng lớn nhất nước đủ sức đáp ứng năng lực vận chuyển khách đường bộ đi khắp mọi miền. Và rất không hợp lý khi có bến xe mới rồi, thành phố đang muốn đưa bến xe cũ thành bến xe buýt nhưng mặt bằng đến nay vẫn chưa được bàn giao.
Đã đến lúc ngành vận tải khách công cộng tính đến việc tạo điều kiện để xe buýt đảm nhận vai trò trung chuyển khách cho các bến xe liên tỉnh, có giải pháp hỗ trợ vận chuyển hành lý (có thu phí vừa phải).
Đồng thời cần quyết liệt tập trung các nhà xe về một bến, tổ chức hệ thống xe trung chuyển bài bản, chuyên nghiệp phục vụ đưa đón khách. Một chuyến xe chở người ra bến hoặc ngược lại, kết hợp bao gồm khách của nhiều nhà xe có nơi ở và giờ khởi hành gần nhau.
Không bến bãi tự phát, không còn xe đón khách tùy tiện, trái phép sẽ giúp các bến xe liên tỉnh náo nhiệt trở lại. Cần sự quyết liệt vừa tạo thuận lợi cho hành khách vừa đảm bảo quyền lợi của các hãng xe hợp pháp.
Không "nuôi nấng" các kiểu lợi ích
Nhiều người không đồng tình chuyện đóng cửa bến xe Miền Đông cũ, dời tất cả xe khách ra bến mới vì ngại mất thời gian và tiền xe từ nhà ra bến. Thậm chí nhiều người bày tỏ bất bình khi cho rằng mình bị ép buộc đi xa hơn.
Ý nghĩa của việc xây bến xe Miền Đông mới rộng đẹp, hiện đại hơn để nâng chất dịch vụ tốt hơn (vì hành khách) còn vì trật tự giao thông ở một thành phố quá đông dân, đường nội thành đông nghẹt. Và một trong những nơi kẹt xe, khó đi nhất là bến xe Miền Đông cũ và các bến bãi gần đó. Bến xe Miền Đông mới ra đời có lợi ích cho hành khách, lợi ích cộng đồng và sự phát triển giao thông đô thị nữa. Vì vậy, không lý gì để một bến xe hiện đại to đẹp phải chịu cảnh đìu hiu lâu dài.
Hành khách chê bến mới khi vẫn còn nhiều sự chọn lựa khác. Dẹp bến cóc, dời bến cũ để giảm kẹt xe nội thành là việc phải cương quyết làm để có một trật tự giao thông mới.
Chúng ta lười thay đổi vì cộng đồng, thích giữ những thói quen cũ vì thuận tiện cho cá nhân.
Trong câu chuyện này còn có cả các kiểu lợi ích khác nữa khiến cho chuyện dẹp xe dù bến cóc mấy mươi năm vẫn không thay đổi nổi.
Bến xe Miền Đông cũ xưa cũng ở nơi vắng người, xa nội thành. Nay bến đã quá chật hẹp, không còn phù hợp nữa thì thay đổi thôi, không thể bàn lùi. Nhưng muốn tiến nhanh để đến mới phải có thay đổi nhanh nhất có thể từ hành khách và sự quyết liệt trong điều hành từ cơ quan chức năng.
MINH ĐỨC
Mời bạn đọc hiến kế giúp bến xe lớn nhất nước không còn cảnh... 'chợ chiều'
Trước thực trạng hạ tầng giao thông của TP.HCM như hiện tại, theo bạn, làm thế nào để bến xe Miền Đông mới hoạt động hiệu quả?
Mọi góp ý, hiến kế kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Theo bạn đọc Hải Đăng, để giải "ế" cho bến xe Miền Đông mới cần sự chung tay của cả chính quyền lẫn người dân. Dưới đây là bài viết của bạn đọc này gởi đến Tuổi Trẻ Online hiến kế để bến xe Miền Đông mới hoạt động hiệu quả.