Bên trong khu điều trị sốt xuất huyết ở Nhi đồng 2: Bố mẹ sốc nặng nhìn con nguy kịch, phải thở máy sau nhiều ngày sốt cao không giảm
Bên trong khu điều trị sốt xuất huyết ở BV Nhi đồng 2: Nhiều trẻ chuyển biến nặng, phải thở máy, lọc máu
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).
Riêng ghi nhận trong tuần 22 (từ ngày 27/5/2022 đến 2/6/2022), TP.HCM có 1.504 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, con số từ đầu năm đến nay vẫn là 7 trường hợp.
Cũng theo HCDC, t rong tuần 22 toàn thành phố ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, TP. Thủ Đức; giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 21. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 223 ổ dịch và có 5 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.
Trẻ em sốt cao liên tục, bố mẹ phải nghĩ ngay đến sốt xuất huyết
Theo Th.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết cùng chung với các bệnh viện ở TP.HCM, tình trạng bệnh nhi sốt xuất huyết và tay chân miệng ngày một gia tăng và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Tại khoa Truyền nhiễm, trong ngày 8/6 ghi nhận 135 trường hợp đang điều trị nội trú, trong đó sốt xuất huyết 79 ca, 10 ca nặng phải truyền dịch, chống sốc.
"Đối với t rẻ nhập viện vào tỷ lệ bệnh nặng chiếm 15-18%, đa phần rơi vào nhóm trẻ thừa cân béo phì, lứa tuổi nhập viện từ 5-15 tuổi và tăng 4-5 lần so với đầu năm 2022. Để
giảm tình trạng nhập viện khi trẻ có thể điều trị tại nhà, BV Nhi đồng 2 đã mở phòng khám sàng lọc bệnh, cũng nhờ phòng khám này đã giúp BV tránh tình trạng quá tải cũng như cho trẻ nhập viện khi chưa thật sự cần thiết"
Theo BS. Qui, nếu bậc phụ huynh thấy con em của mình sốt cao liên tục 2-3 ngày không giảm, hạ sốt rồi lại sốt thì nên đưa con đến các cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm chẩn đoán lâm sàng có mắc sốt xuất huyết hay không. Thông thường, khoảng 60% trẻ mắc sốt xuất huyết có t hể điều trị ở nhà. Điều quan trọng của bố mẹ là phải theo dõi diễn tiến bệnh của con em mình, tránh tình trạng chủ quan, lơ là khiến trẻ trở nặng.
"Nếu trẻ qua 3 ngày hạ được sốt, không nôn ói, chảy máu chân răng, xuất huyết âm đạo (đối với bé gái đang tuổi dậy thì), không đau bụng, quấy khóc, ăn uống vui chơi bình thường thì có thể để trẻ ở nhà điều trị. Còn người lại nếu phát hiện trẻ sau 3 ngày có những dấu hiệu bất thường trên (dù đã hết sốt) nhưng tay chân lạnh, tri giác lơ mơ... thì phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. Nếu không can
thiệp kịp thời sẽ gây ra tổn thương đa cơ quan, suy gan, thận rất nguy hiểm",
Ngồi một góc trên giường bệnh tại phòng cấp cứu (khoa Truyền nhiễm), chị Minh Thuận (41 tuổi) cho biết hôm nay đã là ngày thứ 5 đứa con trai 9 tuổi của chị mắc sốt xuất huyết. Nếu trong 3 ngày đầu tiên, con trai sốt cao liên tục, đau bụng, nôn ói, hiện tại sức khỏe của Minh Tâm đã ổn định hơn.
"Chị có nghĩ con mình mắc bệnh nghiêm trọng như vậy đâu, ở khúc dưới nhà giờ có nguyên ổ dịch luôn rồi, trong xóm tới 7-8 đứa nhiễm bệnh. Cũng may chị đưa con lên được Nhi đồng 2, chứ ở nhà không biết sao. Nhìn nó sốt cao, ói, đau bụng mà xót không chịu được"
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Vũ Thị Lan Hương (ngụ Đồng Nai) cho biết sau khi Nguyễn Gia Linh (5 tuổi) sốt cao, ăn vào thứ gì cũng ói, chị vô cùng hốt hoảng liền đưa con gái lên TP.HCM để nhập viện. Cũng may hiện tại sức khỏe bé đã tốt dần lên.
Theo BS. Qui, việc điều trị sốt xuất huyết khó nhưng dự phòng bệnh thì dễ, bố mẹ cần chú ý đến nơi sinh sống, sinh hoạt để muỗi không có cơ hội để sinh sản. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao 1-2 ngày cần đưa trẻ đi khám để xét nghiệm sốt xuất huyết.
Thường trẻ sốt xuất huyết sẽ biếng ăn, có cảm giác lạc miệng, vì vậy cần chuẩn bị đồ ăn dễ ăn, cho bé uống sữa nhiều năng lượng, ăn đồ dễ tiêu để giúp bé hồi phục dần dần",
Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết chuyển biến nặng, phải thở máy, lọc máu
Nếu ở khoa Truyền nhiễm chỉ phụ trách điều trị các bé nhiễm sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ thì tại khoa Hồi sức bệnh nhiễm và Covid-19, sự sống của các bé được giành giật từng phút, từng giây.
Theo BS Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa cho biết trong ngày 8/6, khoa đang điều trị cho 13 trường hợp sốt xuất huyết nặng, đa phần là trẻ 6, 7 tuổi trở lên, có 1 bé 9 tháng tuổi và 1 ca là có bệnh lý nền kèm theo (bệnh ung thư máu).
"Những trường hợp ở khoa đều bệnh nặng, hầu hết 90% là bệnh nhi ở các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Trong 13 ca đang điều trị ở khoa, TP.HCM có 1 trường hợp. Nhiều bé khi nhập viện rơi vào tình trạng nguy kịch, cần phải bù dịch, chống sốc, lọc máu, thở máy... Hiện ca bé 9 tháng tuổi vẫn còn co giật, men gan tăng, chặng đường phía trước của bé còn rất dài, tiên lượng nặng.
Chúng tôi vẫn đang cố hết sức để cứu bệnh nhi, hiện bé vẫn đang phải truyền dịch,
khả năng phải chọc dẫn lưu ổ bụng, bé đang thở máy rồi, xuất huyết nhiều nơi, phải bù máu nữa, bé đang ở ngày thứ 4 của bệnh, nếu tình hình thuận lợi thì mới hi vọng, chứ chưa nói trước được điều gì",
So với vài tháng trước, bệnh sốt xuất huyết nặng ở Nhi đồng 2 tăng dần theo từng ngày, chưa thấy chiều hướng đứng lại. Đa phần sốt xuất huyết sẽ tự khỏi, chỉ khoảng 10% mới vô bệnh viện, và trong 10% vô bệnh viện thì chỉ 1-2% nặng, cần phải nằm hồi sức.
"Ở khoa cũng đã cứu sống được rất nhiều trường hợp nhiễm sốt xuất huyết nặng, tưởng rằng không qua khỏi. Như trường hợp bé sinh năm 2017, bé đến Nhi đồng 2 để điều trị ung thư máu thì phát hiện mắc sốt xuất huyết. Vì có bệnh lý nền nên tình trạng bệnh của bé rất nguy hiểm, men gan tăng cao, gan to lên, xuất huyết nhiều nơi... Sau khi thở máy, lọc máu hiện bé đã ổn, tiếp tục ở viện để điều trị bệnh lý nền"