Bên trong căn hầm "bí mật" từng chứa hơn 2 tấn vũ khí giữa trung tâm Sài Gòn hiện ra sao?

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 14:21:49

Căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu từng là nơi cất giấu khoảng hơn 2 tấn vũ khí bí mật, có thể kể đến như súng AK, B40, B41, khoảng 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 3.000 viên đạn.

Năm 1965, ông Trần Văn Lai (bí danh Năm Lai) mua 3 căn nhà liền nhau 287/68-70-72 (Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP.HCM ) và chọn căn 287/70 làm nơi chứa vũ khí bí mật. Với diện tích khoảng 37 m2, dài 14,9 m, rộng 2,5 m, nơi đây trở thành “căn cứ địa” hoàn hảo giữa đô thị Sài Gòn cho hơn 2 tấn vũ khí trong thời kỳ mưa bom lửa đạn.

Khi đó, lấy cớ sửa lại nhà, hai vợ chồng ông Năm Lai tự tay đào và xây dựng căn hầm trong hơn một năm ròng. Với sức chứa khổng lồ và những đóng góp to lớn vào quá trình kháng chiến chống Mỹ, ngày 16-11-1988, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Hiện nay, gian chính của căn nhà trở thành khu vực trưng bày những dấu mốc đáng nhớ trong quá trình xây dựng hầm vũ khí bí mật và hành động của các chiến sĩ Đội 5 biệt động. Ngày 28 Tết Mậu Thân, tất cả các chiến sĩ trong Đội 5 nhận lệnh từ Tây Ninh vào Sài Gòn tập kết tại nhà của ông Năm Lai, để chuẩn bị cho một trận đánh lớn.

Quá trình vận chuyển vũ khí đến hầm bí mật trong thời kỳ chiến tranh vô cùng gian nan, trắc trở. Vợ chồng ông Năm Lai đã ngụy trang vũ khí dưới nhiều hình thức khác nhau. Với những vũ khí có kích thước lớn như súng AK, B40, B41,... ông bà phải giấu vào những ván gỗ được khoét rỗng bên trong. Sau đó chèn thêm gạo để hạn chế tiếng động tối đa.

Bên trong những bộ cà tăng được chuyển đến ngôi nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (đường Phan Đình Phùng thời đó) là nhiều loại vũ khí khác nhau.

Giữa gian nhà là lối xuống hầm bí mật chứa vũ khí. Cửa hầm có diện tích khoảng 40cm x 60cm, vừa đủ cho một người bước xuống. Để dễ dàng cho khách tham quan, cửa hầm bằng cốt thép hiện đã được thay thế bằng cửa gỗ với khoen tròn bên trên. Người tham quan có thể dễ dàng nhấc cánh cửa lên và bắt đầu hành trình khám phá.

Căn hầm có kích thước dài hơn 8m, rộng 2m, sâu 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm. Trên tường có các ống thoát hiểm (hiện đã được lấp lại) và hệ thống ống thở ngụy trang ẩn trong tường. Nơi đây từng chứa khoảng 350 kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn, súng B40, lựu đạn… do ông Nguyễn Văn Ba chở từ căn cứ Củ Chi về.

Hiện nay, một số lượng nhỏ súng chống tăng B40 và B41 vẫn được trưng bày cho khách tham quan. "Đây là những khẩu súng được nhập từ Liên Xô và Trung Quốc về", ông Nguyễn Văn Chi, người được gia đình ông Trần Văn Lai giao nhiệm vụ canh giữ hầm bí mật và hướng dẫn khách tham quan, chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn, các vũ khí cỡ nhỏ như thuốc nổ, lựu đạn,... đã được chuyển thành dạng mô hình và sắp xếp gọn gàng trong hộp có kính trong.

“Một mình tôi vừa trông coi, bảo quản và thuyết trình cho người đến tham quan hầm vũ khí. Tôi ở đây suốt ngày”, ông Chi nói.

"Thuốc nổ TNT hiện đã được chuyển thành mô hình. Khách đến tham quan thường là các đoàn thể chính trị, bên cạnh đó còn có đoàn các em học sinh đến do trường tổ chức, vì thế một số vũ khí phải trưng bày dạng mô hình để đảm bảo an toàn" - ông Chi cho biết.

Trong suốt những năm khói lửa, gia đình ông Năm Lai đã sống những ngày tháng đầy căng thẳng khi vừa bảo vệ và “chăm lo” hầm vũ khí, vừa nơm nớp lo sợ khi sinh hoạt trên gần 3 tấn thuốc nổ dưới chân.

Trước khi có đại dịch Covid-19, khách đến tham quan tương đối ổn định và đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện nay lượng người đến tham quan đã thưa thớt hơn so với lúc trước. Khách đến đây có nhiều người nước ngoài.


Hồng Ân

Chia sẻ Facebook