Bến Tre: Bệnh dại diễn biến phức tạp, ngành y tế chỉ đạo khẩn
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bến Tre cho biết, từ đầu năm đến nay, tại địa bàn tỉnh đã có 9 ca tử vong do bệnh dại, ngành y tế có chỉ đạo mới.
Xuất hiện 6 ổ dịch, số ca tử vong báo động
Theo CDC Bến Tre, hiện nay tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chỉ trong 1 tuần qua đã có thêm 2 ca tử vong do bệnh dại, nâng tổng số ca tử vong do bệnh dại lên 9 ca.
Trong đó, huyện Châu Thành 3 ca (tại xã: Tiên Thủy, Phú Túc, Tân Phú), huyện Mỏ Cày Bắc 2 ca (tại xã: Tân Thành Bình, Khánh Thạnh Tân), huyện Ba Tri 1 (xã Mỹ Hòa), huyện Thạnh Phú 1 ca (xã Tân Phong), huyện Bình Đại 1 ca (xã Phú Thuận), Giồng Trôm 1 ca (xã Thuận Điền). Đây là con số đáng báo động, số ca tử vong đứng đầu cả nước.
Virus dại đang lưu hành phủ khắp các huyện trên địa bàn tỉnh, ghi nhận 6 ổ dịch dại trên động vật gồm: Tp.Bến Tre: 2 ổ, huyện Châu Thành: 1 ổ, huyện Chợ Lách: 1 ổ, huyện Mỏ Cày Nam: 2 ổ. Trong thời gian sắp tới, nhiều khả năng sẽ còn xuất hiện ca bệnh dại trên người.
Theo CDC tỉnh Bến Tre, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra. Người bị bệnh dại là do bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn người truyền virus qua da và niêm mạc bị tổn thương do cắn, liếm hoặc tiếp xúc trực tiếp.
Bệnh dại đặc biệt nguy hiểm vì khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong 100% . Đa số các trường hợp tử vong do dại thường thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh, đặc biệt là không chủ động tiêm ngừa vắc-xin ngay sau khi bị động vật nghi bệnh cắn.
Ngành y tế chỉ đạo khẩn
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin , Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Oanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, liên quan bệnh dại, thời gian gần đây, trước tình hình số ca bệnh dại tử vong nhiều hơn so với trước, nên ngành y tế liên tục chỉ đạo trong các buổi họp giap ban, các đầu mối ca bệnh do CDC nắm và trực tiếp xử lý.
Ngành y tế đã có những chỉ đạo kịp thời như ban hành các văn bản về việc khẩn trương triển khai công tác phòng chống bệnh dại năm 2022, kế hoạch số 791 về phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2022 -2030…
Thứ nhất, Sở chỉ đạo nhiều lần về kế hoạch chống dại đã ban hành, các buổi họp giao ban Sở đều chỉ đạo các cơ sở y tế về xử lý các trường hợp bệnh dại tại các địa phương toàn tỉnh Bến Tre.
Thứ hai, ngành y tế tỉnh tăng cường phối hợp với chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch dại trên người và động vật, thực hiện tuyên truyền cho người dân về bệnh dại, quản lý về tiêm ngừa đàn chó, mèo; tổ chức giám sát tại địa phương về phòng chống bệnh dại.
Thứ ba, CDC thường xuyên theo dõi, xử lý, giam sát ổ dịch dại trên người và động vật, trực tiếp mời người dân truyền thông trực tiếp tại các ổ dịch, ngoài ra phải truyền thông trên các phương tiện khác như báo chí, đài truyền thanh, wesite ngành y tế Bến Tre.
Đối với UBND huyện: Tham mưu UBND huyện trong việc thực hiện công tác phòng chống dại trên địa bàn; 100% các huyện và thành phố có điểm tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại cho người; 90% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm; 100% số người tiêm vắc-xin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia.
Đối với Trạm Y tế: Tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã tổ chức các hoạt động phòng chống dại trên địa bàn xã; Hướng dẫn và thực hiện xử lý vết thương cho người bị động vật mắc bệnh dại hoặc nghi dại cắn, cào, tư vấn cho người dân đến điểm tiêm phòng dại; Điều tra bước đầu lập danh sách người tiếp xúc với bệnh nhân dại và thông báo cho trung tâm y tế huyện để tiến hành điều tra ca bệnh dại trên người…
Cuối cùng, ngành y tế đã thường xuyên tập huấn cho các đơn vị về quy trình xử lý ổ dịch, đưa ra giải pháp cụ thể nhằm thực hiện phòng chống dại thành công.
Theo CDC Bến Tre, để phòng tránh được bệnh dại chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
Nuôi chó mèo phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại đầy đủ, đúng lịch; xích nhốt, tuyệt đối không được thả rông chó mèo.
Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại, nghi dại phải thực hiện ngay các biện pháp sau: Tuyệt đối không tiếp xúc với con vật bị bệnh dại hoặc nghi dại để hạn chế sự lây nhiễm virus dại sang người; Phải báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y địa phương để có biện pháp xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó. Phải chôn sâu xác súc vật bị bệnh dại cùng với các chất sát khuẩn như vôi bột...
Người khi bị chó, mèo cắn, cào, hoặc bị liếm vào vùng da bị tổn thương phải thực hiện ngay các biện pháp sau: Rửa sạch ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng liên tục trong vòng 15 phút, nếu không có xà phòng thì dùng những thứ có sẵn trong nhà như dầu gội đầu, sữa tắm, rượu, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn iod; Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc-xin phòng Dại kịp thời; Tiêm vắc-xin là biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
“Bệnh dại là một bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa được, khi bị chó mèo cắn mọi người hãy đến y tế cơ sở gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại đầy đủ”, các bác sĩ CDC Bến Tre khuyến cáo người dân.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Oanh, Phó giam đốc Sở Y tế Bến Tre cho biết thêm: “Tuần tới, dự kiến sẽ có hội nghị về phòng chống bệnh dại diễn ra tại Bến Tre nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu sâu hơn về bệnh dại, từ đó có biện pháp phòng ngừa thích hợp, tự giác đưa vật nuôi đi tiêm ngừa để hạn chế bệnh dại bùng phát trong nhân dân”.
Nguyễn Lành