Bên dưới những lớp sóng dữ dội ở Biển Đen
Là một cửa ngõ với phần còn lại của thế giới, Biển Đen có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế to lớn đối với cả Nga - Ukraine và một số quốc gia thành viên NATO.
Giáp với Ukraine, Nga và 3 quốc gia NATO (Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Romania), Biển Đen đang ngày càng trở thành điểm nóng, nơi nhiều lợi ích đang xung đột.
Căng thẳng quân sự và địa chính trị xung quanh vùng biển nội địa giữa châu Âu và châu Á này ngày càng gia tăng kể khi thỏa thuận ngũ cốc giữa Moscow và Kiev sụp đổ hồi giữa tháng trước.
“Biển Đen hiện là một khu vực xung đột – một khu vực chiến sự phức tạp liên quan đến NATO, cũng giống như trường hợp ở miền Tây Ukraine”, ông Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, người điều hành tổ chức tư vấn Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu (Chicago Council on Global Affairs), cho biết.
“Khu vực có nguy cơ chiến tranh”
Sau khi thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian sụp đổ hồi giữa tháng 7, Moscow và Kiev đã gia tăng các hoạt động tấn công trong khu vực Biển Đen.
Hôm 13/8, một tàu chiến Nga đã bắn cảnh cáo qua mũi một tàu chở ngũ cốc treo cờ Palau ở phía Tây Nam Biển Đen, đang trên đường hướng tới cảng Izmail của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết vụ việc xảy ra khi thuyền trưởng của con tàu chở hàng khô, tên là Sukra Okan, không phản hồi yêu cầu tạm dừng để kiểm tra liệu con tàu có vận chuyển hàng hóa bị cấm. Để buộc con tàu dừng lại, tàu chiến Nga đã bắn cảnh cáo bằng các vũ khí nhỏ tự động.
Đây là lần đầu tiên Nga nổ súng cảnh cáo một tàu buôn bên ngoài biên giới Ukraine kể từ khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Trước đó, Moscow đã tiến hành nhiều cuộc không kích và pháo kích nhằm vào các cảng của Ukraine và tăng cường kiểm soát các phương tiện qua lại vùng biển này.
Các lực lượng của Moscow cũng tấn công các địa điểm trên sông Danube cách Romania, một thành viên NATO, chỉ vài trăm m, làm gia tăng lo ngại về việc liên minh quân sự phương Tây sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột.
Kiev đã trả đũa bằng 2 cuộc tấn công vào các tàu Nga trong những ngày liên tiếp – thể hiện tầm hoạt động mới của các lực lượng Ukraine với các xuồng không người lái có thể tấn công các cảng của Nga cách bờ biển của họ hàng trăm km.
Và Ukraine đã đưa ra cảnh báo rằng 6 cảng của Nga trên Biển Đen là “khu vực có nguy cơ chiến tranh” và đe dọa tấn công trả đũa các tàu chở hàng, tàu chở dầu và các cơ sở hạ tầng cảng.
Tất cả những điều trên phản ánh tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đen, với việc các nhà phân tích phương Tây cảnh báo nó có thể leo thang thành bạo lực liên quan đến các nước không trực tiếp tham chiến.
Tầm quan trọng chiến lược và kinh tế
Trong thời Đế quốc Nga và sau đó là thời Liên Xô, Biển Đen hình thành nên sườn phía Nam của cường quốc. Nơi đây vẫn luôn là bàn đạp để từ đó Nga có thể phát huy ảnh hưởng của mình ở Địa Trung Hải, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Biển Đen cũng cho phép Điện Kremlin tiếp cận các quốc gia xa hơn, nơi họ đang có hoạt động quân sự, chẳng hạn như Libya và Syria, với căn cứ hải quân Nga ở Tartus (Syria).
Trọng tâm quân sự của Nga trong khu vực là Hạm đội Biển Đen, có trụ sở chính được duy trì liên tục kể từ năm 1793 tại thành phố cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea.
Quân cảng này có ý nghĩa đặc biệt đối với Moscow vì là cảng nước sâu hiếm hoi có thể được sử dụng cho mục đích quân sự ngay cả trong mùa đông.
Với khoảng 1/3 đường bờ biển ở đây nằm dưới sự kiểm soát của Nga, Biển Đen cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với chính sách thương mại của Điện Kremlin.
Nga xuất khẩu một tỉ lệ đáng kể ngũ cốc, phân bón và các hàng hóa khác qua các cảng trên Biển Đen. Tầm quan trọng của tuyến hàng hải này cũng đã tăng vọt trong một thời gian ngắn vì nó cung cấp khả năng tiếp cận các quốc gia chưa tham gia với phương Tây trong các lệnh trừng phạt chống Nga.
Biển Đen thậm chí còn quan trọng hơn đối với Ukraine. Trong thời bình, hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ukraine đi qua Odessa, cảng trên Biển Đen lớn nhất của nước này.
Trước khi chiến sự bùng nổ, cùng với nhau Nga và Ukraine cung cấp 24% lượng lúa mì, khoảng 19% lượng lúa mạch, và 60% lượng dầu hướng dương toàn cầu.
Cả hai quốc gia sẽ bị thiệt hại về kinh tế nếu thương mại qua Biển Đen bị chậm lại. Ukraine vẫn đặc biệt phụ thuộc vào tuyến đường này, mặc dù Kiev đã đa dạng hóa các tuyến đường xuất khẩu và hiện chỉ xuất khẩu 40% ngũ cốc qua Biển Đen, phần còn lại được vận chuyển bằng đường bộ qua Liên minh châu Âu (EU).
Đảm bảo cân bằng quyền lực
Trong khi Nga và Ukraine tranh giành các tuyến thương mại theo trục Bắc-Nam, các kết nối theo trục Đông-Tây ngày càng trở nên quan trọng đối với EU, tổ chức có 2 quốc gia thành viên bên bờ Biển Đen: Romania và Bulgaria.
Các quan chức EU ngày càng coi Biển Đen là một hành lang quan trọng để vận chuyển hàng hóa và năng lượng giữa châu Á và châu Âu. Và, khi EU tìm cách trở nên độc lập với dầu mỏ và khí đốt Nga, nguồn cung từ các nước sản xuất dầu mỏ ở Kavkaz ngày càng trở nên quan trọng hơn với “lục địa già”.
Ví dụ, dầu mỏ và khí đốt Azerbaijan muốn sang châu Âu phải băng qua Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến vận tải năng lượng băng qua Biển Đen – bỏ qua cả Nga ở phía Bắc và Iran ở phía nam – có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt trong bối cảnh Brussels đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với cả Moscow và Tehran.
NATO cũng có lợi ích an ninh mạnh mẽ ở khu vực Biển Đen. Từ năm 1997 cho đến khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, liên minh quân sự gồm 31 thành viên đã tổ chức các cuộc diễn tập lớn ở vùng biển này hàng năm.
Tuy nhiên, chỉ có 3 lực lượng hải quân của NATO – Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ – hiện diện thường trực trên Biển Đen. Điều này bắt nguồn từ Công ước Montreux năm 1936, cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các eo biển Bosporus và Dardanelles. Đây là những tuyến “độc đạo” từ Biển Đen đến Địa Trung Hải.
Ngay sau khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng các eo biển này đối với tất cả các tàu chiến, không chỉ của Nga, do đó duy trì sự cân bằng sức mạnh hải quân trong khu vực.
Với quyền kiểm soát tiếp cận Biển Đen được điều chỉnh bởi các hiệp ước quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ một vị trí địa chiến lược quan trọng. Đây là đối tác quan trọng nhất của NATO trong khu vực, và Ankara tự coi mình là một trung tâm thương mại cho Trung Á, Kavkaz và Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn đảm bảo vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực thông qua NATO, điều khiến mối quan hệ của nước này với Nga trở nên đặc biệt quan trọng.
Cả Ankara và Moscow đều coi Biển Đen là ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng sự cân bằng quyền lực được duy trì nhiều nhất có thể .
Minh Đức (Theo DW, NY Times, bne IntelliNews)