Belarus bỏ tù người đoạt giải Nobel Hòa bình trong 10 năm; Mỹ, EU phản đối

Chia sẻ Facebook
05/03/2023 19:45:33

Ngày 3/3, người đoạt giải Nobel Hòa bình, đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski đã bị kết án 10 năm tù bởi một tòa án tại quê hương Belarus của ông, với lý do tài trợ cho các cuộc biểu tình. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều lên án phiên tòa này là “giả mạo”.


Embed from Getty Images


(Bà Natalia Pinchuk (ngoài cùng bên trái) thay mặt cho chồng đang bị bỏ tù là ông Ales Bialiatski nhận giải Nobel Hòa bình năm 2022 tại Na Uy/Ảnh: Getty Images)

Ông Bialiatski, 60 tuổi, đã được trao giải Nobel Hòa bình vào tháng 10/2022 vì nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Belarus, nơi có Tổng thống là ông Alexander Lukashenko, một đồng minh trung thành của Nga. Ông Lukashenko đã toàn quyền cai trị đất nước trong gần 30 năm, giam cầm thô bạo các đối thủ của mình hoặc buộc họ phải chạy trốn.

Đoạn phim từ một tòa án tù túng ở Minsk cho thấy ông Bialiatski, người đồng sáng lập nhóm nhân quyền Viasna (‘Spring’ trong tiếng Belarus), trông ủ rũ, hai tay bị còng sau lưng, khi ông và những bị cáo khác đang theo dõi quá trình tố tụng từ phòng xử án.


Embed from Getty Images


(Ông Ales Bialiatski trong buồng dành cho bị cáo tại phiên điều trần ngày 5/1 ở Minsk/Ảnh: Getty Images)

Ông Bialiatski bị bắt vào năm 2021. Ông cùng 3 người khác bị buộc tội tài trợ cho các cuộc biểu tình và buôn lậu tiền. Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus xác nhận tòa đã tuyên các án tù dài hạn cho tất cả những người này, trong đó ông Bialiatski sẽ bị bỏ tù 10 năm. Ông Bialiatski phủ nhận các cáo buộc chống lại mình, cho rằng chúng có động cơ chính trị.


Lãnh đạo phe đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, một phụ nữ đang sống lưu vong, nhận định ông Bialiatski và 3 nhà hoạt động khác đã bị kết án oan, đồng thời mô tả phán quyết của tòa án là “kinh khủng” .


“Chúng ta phải làm mọi thứ để chống lại sự bất công đáng xấu hổ này và giải phóng họ” , bà Tsikhanouskaya viết trên Twitter.


Nobel Peace Prize laureate Ales Bialiatski has been sentenced to 10 yrs in prison, Valiantsin Stefanovic to 9 yrs & Uladzimir Labkovich to 7 yrs in the regime's fake trial against human rights defenders. We must do everything to fight against this shameful injustice & free them. pic.twitter.com/r2y68QIjrO


— Sviatlana Tsikhanouskaya (@Tsihanouskaya) March 3, 2023

Ba người bị kết án khác là ông Valentin Stefanovich với 9 năm tù, ông Vladimir Labkovich với 7 năm tù và ông Dmitry Solovyov lãnh án 8 năm tù nhưng không có mặt tại tòa.

“Nỗi ô nhục”


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lên án việc kết tội những người đàn ông này trên Twitter, đồng thời gọi phán quyết của tòa án là một “sự giả mạo”“một nỗ lực nhằm đàn áp dân chủ và nhân quyền ở Belarus.”

We condemn today's sham court ruling sentencing Nobel-winner Ales Bialatski and 3 others to 7-10 years imprisonment in an attempt to suppress democracy and human rights in Belarus.


— Secretary Antony Blinken (@SecBlinken) March 3, 2023

Ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã mô tả các phiên tòa là một một nỗ lực nhằm bịt miệng các bị cáo, một chiến thuật mà ông cho rằng sẽ thất bại.


“[Ông] Lukashenko sẽ không thành công. Lời kêu gọi tự do của họ rất lớn, ngay cả sau song sắt” , ông Borrell phát biẻu.


Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi phiên tòa là “một trò hề”.


“Chế độ Minsk đang chống lại xã hội dân sự bằng bạo lực và bỏ tù”, bà Baerbock viết trên Twitter. Theo bà, đó cũng là một “nỗi ô nhục” , giống như việc ông Lukashenko ủng hộ cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.


Bà Berit Reiss-Andersen, lãnh đạo Ủy ban Nobel Na Uy, gọi việc kết tội ông Bialiatski là một “bi kịch” có động cơ chính trị.


“Vụ kiện, bản án chống lại ông ấy, là một bi kịch đối với cá nhân ông. Nhưng nó cũng cho thấy chế độ ở Belarus không dung thứ cho quyền tự do ngôn luận và sự đối lập” , bà Reiss-Andersen trả lời trong một cuộc phỏng vấn ở Oslo.


Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, phát biểu trong một cuộc họp ngắn ở Geneva rằng phiên tòa đã khiến Liên Hợp Quốc bối rối và lo lắng vì “thiếu thủ tục xét xử công bằng và khả năng tiếp cận bộ máy tư pháp độc lập ở Belarus”.

Bà nhận định rằng điều đó khiến những người bảo vệ nhân quyền có nguy cơ bị truy tố hình sự vì các hoạt động hợp pháp của họ.

Bà Shamdasani cho biết vào cuối năm 2022, có ít nhất 1.446 người – trong đó có 10 trẻ em – đang bị giam giữ, đã phải đối mặt hoặc vẫn đang phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự. Tuy nhiên bà Shamdasani không nêu thêm chi tiết.

Ông Bialiatski, cũng là một nhà bất đồng chính kiến từ thời Xô Viết, là một trong những người nổi bật nhất trong số hàng trăm người Belarus bị bỏ tù trong cuộc đàn áp các đợt biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng, nổ ra vào mùa hè năm 2020 và tiếp tục kéo dài đến năm 2021.

Viasna, tổ chức do ông đồng sáng lập, đóng vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ tài chính và pháp lý cho những người bị bỏ tù.

Các đợt biểu tình rầm rộ diễn ra sau khi ông Lukashenko được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus năm 2020, kết quả mà phe đối lập và các nước phương Tây cho là gian lận.


Vy An (Theo Reuters)

Ba Lan đóng cửa biên giới với Belarus sau khi nhà báo bị bỏ tù Thông báo được đưa ra sau khi một tòa án Belarus kết án tám năm tù đối với một nhà báo gốc Ba Lan.

Chia sẻ Facebook