Bé trai tử vong sau tiêm viêm gan B: Ban lãnh đạo bệnh viện nói gì?

Chia sẻ Facebook
13/09/2023 04:11:54

Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc đã báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng và phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc điều tra nguyên nhân.

Theo đó, nội dung được chia sẻ là hai bé sinh đôi vào ngày 9/9. Sáng 10/9, hai bé được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc để tiêm vắc-xin viêm gan B.Tuy nhiên, đến 12h trưa cùng ngày, cả hai trẻ đều có biểu hiện tím tái, được đưa sang phòng cấp cứu. Sau đó, một trẻ tử vong, một trẻ vẫn có dấu hiệu yếu.

Trao đổi với PV về vụ việc, Ban lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc thông tin về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B tại đơn vị này.

Theo đó, ngày 8/9, sản phụ Đ.T.Y ( SN 1991, quê xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc nhập viện mang song thai 38 tuần. Sản phụ được mổ lấy thai vào lúc 7h30 ngày 9/9, hai bé trai chào đời có cân nặng lần lượt là 2,9 kg và 3 kg.

Sau sinh, sản phụ và em bé hoàn toàn khỏe mạnh. Khoảng 10 giờ ngày 10/9, hai bé được tiêm vắc-xin viêm gan B, sau đó theo dõi đúng quy trình tại Khoa Sản của bệnh viện. Hai bé đều không xảy ra bất thường sau tiêm.

Tuy nhiên, đến 11h45 phút một cháu bé trong trường hợp nói trên đột ngột tím tái, xuất hiện khó thở, suy hô hấp và nhanh chóng được các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu. Tuy nhiên, cháu bé đã tử vong.

Đến 15h, bé sơ sinh thứ 2 cũng xuất hiện triệu chứng tương tự và được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc hết sức điều trị, cấp cứu và chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bé sơ sinh ở Vĩnh Phúc tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B (Ảnh minh họa).

Viêm gan B (còn gọi là viêm gan siêu vi B) là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B gây ra. Nếu không sớm được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm gan B có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan B là tiêm phòng.

Vắc-xin phòng viêm gan B giúp ngăn ngừa bệnh viêm gan B và các hậu quả như xơ gan, ung thư gan. vắc-xin phòng viêm gan B được khuyến cáo sử dụng cho tất cả người lớn và trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với virus viêm gan B.

Việc tiêm chủng rộng rãi vắc-xin phòng viêm gan B sẽ góp phần kiểm soát viêm gan B trong cộng đồng và giảm tỉ lệ viêm gan D do viêm gan D không thể xảy ra nếu không bị nhiễm viêm gan B.

Đối với trường hợp mẹ không nhiễm viêm gan B, theo Thông tư 38 ban hành ngày 17/10/2017 về danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định:

Liều sơ sinh được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc sớm nhất có thể nếu trẻ phải trì hoãn tiêm.

Liều thứ 2, 3, 4 có thể tiêm với vắc-xin phối hợp chứa thành phần viêm gan B (vắc-xin 6 trong 1, 5 trong 1) bắt đầu tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 28 ngày.


Liều cuối cùng nên nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi với vắc-xin 6 trong 1 (hoàn thành trước 24 tháng tuổi) .

Chia sẻ Facebook